Sự kiện giáo dụcTin tức

Chỉ “ba xạo” mới quên tiếng Việt?

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện một bộ phận du học sinh Tây hóa từ cách ăn, mặc, nói năng đến nếp nghĩ vẫn tiếp tục "tăng nhiệt".  
Có phải nét Tây hóa nào cũng đáng trách, đáng báo động? Vì đâu mà một số du học sinh "hương đồng gió nội bay đi" khi ra biển lớn? Có phải chính các bạn trẻ ở trong nước bị Tây hóa mới cần được quan tâm chứ không phải người du học?
Mời bạn đọc theo dõi ý kiến sau và cùng chia sẻ quan điểm.
Các du học sinh Việt Nam tại Nhật biểu diễn văn nghệ trong một chương trình mang tên "Hành trình về Việt Nam" vào tháng 10-2010 – Ảnh: VYSA
Chỉ "ba xạo" mới quên tiếng Việt
Đi du học ở bậc trung học, tức là đã 15 tuổi thì không thể nào quên được tiếng Việt, du học ở bậc đại học thì càng không thể quên. Những người đã lớn tuổi đi du học rồi tự nhiên ngọng nghịu nói không lưu loát tiếng Việt là những người ba xạo, bày đặt thôi.
Anh trai tôi du học ở Đức trên 40 năm, học hành tới giáo sư vẫn nói chuyện tiếng Việt lưu loát và ngày càng hay hơn, không bao giờ nghe kèm một chữ ngoại ngữ nào. Bạn bè tôi năm nay 50 – 65 tuổi, ở Mỹ hơn 30 năm, cũng đi học và đi làm, gặp nhau nói chuyện hằng ngày cũng rặt tiếng Việt mà thôi. Nói chung, sống ở nước ngoài, sự ảnh hưởng về xã giao và đời sống không thể nào tránh khỏi. Nhưng ngôn ngữ đã ở tuổi trưởng thành thì không thể nào quên.
Khi ở Mỹ chơi, tôi từng thấy nhiều nhóm mang tiếng là du học sinh Việt, vào quán nói năng ồn ào, chửi thề, tướng tá lóc chóc, cố tỏ ra con nhà giàu được cha mẹ cho qua nước ngoài. Quả thật điều này đáng để suy nghĩ!
YẾN XUÂN 
Giảng viên du học: nửa nạc nửa mỡ
Mình là một sinh viên đang ở một trường đại học lớn của TP.HCM. Ở trường mình thì thầy cô đi du học tương đối nhiều, đặc biệt là giảng viên trẻ. Các thầy cô ấy đi du học thạc sĩ rồi về dạy lại tại trường và thường giảng dạy theo kiểu nửa Anh nửa Việt. Trong một tài liệu giảng dạy mà chữ Anh và chữ Việt xen kẽ. Rồi lúc giảng bài thì lúc tiếng Anh lúc tiếng Việt.
Mình cũng hiểu rằng có những từ tiếng Anh chuyên ngành chưa có những từ tiếng Việt chính xác nhưng mình và các bạn trong lớp và trong khoa rất khó chịu về chuyện này.
Mình nghĩ những người đi du học về để giảng dạy có nghĩa thầy cô đi du học để lấy kiến thức của thế giới, học cái hay về dạy lại cho thế hệ. Đồng nghĩa rằng thầy cô phải chọn lọc kiến thức phù hợp với hoàn cảnh đất nước để giảng dạy.
Ngay cả chính thầy cô còn dùng từ nửa này nửa kia thì thế hệ sau cũng sẽ mất khả năng sử dụng từ ngữ tiếng Việt mất thôi
PHƯƠNG LOAN 
Các du học sinh Việt Nam tại Nhật trong chiếc áo dài truyền thống – Ảnh: VYSA
Hãy quan tâm người trong nước bị Tây hóa
Tôi cũng có con cháu đi du học. Thật sự sau nhiều năm du học trở về đứa nào cũng khác xưa, có thể xem như Tây hóa nhưng không phải cái nào Tây hóa cũng xấu, cũng không nên.
Tôi không khắt khe chuyện chúng sử dụng tiếng nước ngoài trong lời ăn tiếng nói, bởi một vài tiếng thông dụng chen vào thì đâu ảnh hưởng gì đến tiếng mẹ đẻ, hai nữa còn do thói quen. Đáng chê trách chăng là những bạn trẻ ở trong nước mà cũng học đòi… nửa Tây nửa ta.
Nếu vẫn giữ "mùi bơ sữa", hãy đổi quốc tịch
Nếu bạn ở nước ngoài, cứ theo văn hóa, phong cách nước ngoài vì "nhập gia tùy tục". Nhưng mong sao khi về nước bạn hãy sinh hoạt, sống và làm việc theo văn hóa nước nhà đó mới là bản lĩnh của bạn. Chứ nếu bạn về VN mà từ cách ăn, cách mặc đều có "mùi" bơ sữa, phô mai… thì bạn nên chuyển luôn quốc tịch đi, vì bạn không xứng đáng là người Việt Nam.
MỘT BẠN ĐỌC

Tôi có đứa cháu trai hồi ở Việt Nam cũng quậy dữ lắm, vậy mà sau 4 năm du học bên Úc trở về thấy chững chạc ra mặt. Tuy quần áo mốt hết cỡ nhưng nói năng nghiêm chỉnh, nhỏ nhẹ, đặc biệt là bỏ được thuốc lá vì như nó nói: "Xứ họ mà hút thuốc người ta cười chê".

Bản thân hai đứa con tôi du học ở Canada cũng vậy, chững chạc hơn nhiều so với những đứa đồng trang lứa ở Việt Nam. Cũng nói chuyện pha tạp tiếng Anh, cũng ăn mặc model… nhưng chúng biết lắm. Luôn cố gắng không nói tiếng nước ngoài trước mặt người lớn tuổi, biết thưa gửi, mời mọc người lớn dùng cơm, thăm hỏi…
Nhưng có lẽ tôi thích nhất ở chúng là ý thức cộng đồng, xã hội cao. Chúng biết lắng nghe và tìm hiểu một vấn đề khá kỹ và thường đưa ra giải pháp tối ưu, bền vững chứ không chỉ là giải quyết nhất thời. Tôi nghĩ chúng ta không nên khắt khe với những biểu hiện bên ngoài mà nên đánh giá sâu xa, thực chất hơn.
Nói chung Tây hóa là chuyện hiển nhiên, nhưng Tây hóa cũng có cái xấu cái tốt miễn là đừng đánh mất bản chất, truyền thống dân tộc. Và Tây hóa đến mức nào là do bản thân mình chứ không thể nói do môi trường, hoàn cảnh, cuộc sống…
Người có ý thức, bản chất, bản lĩnh tốt thì dù ở đâu cũng không thể lung lạc, không có gì có thể thay đổi được dòng máu Việt đang dâng trào, sinh sôi trong huyết quản.
THANH VÂN
Không phải cứ có tên Tây, mặc kiểu Tây là thành Tây
Tôi đã đi học ở Tây không phải vài ngày nên tôi biết có nhiều người Việt muốn biến thành Tây theo cách đơn giản nhất bằng những tên Tây, cách ăn mặc sinh hoạt như Tây, hay bằng cách nói chuyện bằng tiếng Tây. Việc đó chỉ như những đứa trẻ bắt chước những điều mình thích, họ tự biến mình thành trò cười cho mọi người, nhất là người bản xứ.
Tôi không phủ nhận người Việt mình có rất nhiều khuyết điểm, đặc biệt trong cách cư xử nơi công cộng, đó là những điều chúng ta cần nhìn nhận và thay đổi bằng việc học lối cư xử văn minh của phương Tây.
Tôi nhận thấy người phương Tây họ rất bình đẳng trong gia đình nhưng không có nghĩa phụ nữ phương Tây không đảm đang chuyện bếp núc. Đó là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ khi muốn sống theo kiểu Tây.
Hãy tìm hiểu kỹ trước khi quyết định biến mình thành người thế nào, đừng tự biến mình thành trò cười cho cả người Việt lẫn Tây các bạn ạ. Bất kỳ nền văn hóa, lối sống nào cũng có cái tốt cái dở, hãy biết chọn lọc, hãy có những nét riêng của dân tộc mình.
THAO
Không tự cao, cũng đừng tự ti
Tôi đã 60 tuổi, có nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài. Tôi đồng tình với phần lớn suy nghĩ của các bạn trẻ được du học. Đây là điều kiện tuyệt vời để các bạn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sống và có thể cả tiền nữa. Ở đất người, hãy sống như người ta, học những điều hay, điều tốt ở họ. Đừng cho người Việt Nam chúng ta là tuyệt vời, nhưng cũng đừng tự ti mà chối bỏ thân phận mình.
Nếu bạn thật tốt, thật giỏi hơn cả người nước ngoài, tức là bạn đã làm vẻ vang cho dòng giống Việt Nam. Bạn có trở về nước hay không không quan trọng, mà điều quan trọng là bạn có giữ vững được cái gốc gác Việt, bản sắc Việt hay không.
Theo XUÂN THĂNG
(TTO)

Bình luận (0)