Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Chị Bình “hài cốt”

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Phạm Thị Bình
Bốc mộ, khâm liệm người chết, đó là công việc của đàn ông và đòi hỏi những người phải “cứng” bóng vía. Nhưng với chị Phạm Thị Bình, ở thôn Đại Cầu, xã Tiên Tân (huyện Duy Tiên, Hà Nam) thì công việc này… không là gì cả. Quanh vùng, nhà nào cần “sang nhà mới” cho người thân quá cố là lập tức gọi đến chị. Gặp xác chết trôi sông hay tai nạn, người ta cũng gọi chị. Cái tên Bình “hài cốt” đã gắn bó với chị suốt 30 năm nay.
Bốc mộ từ thuở 15
Tháng 5, nắng nóng hầm hập khó chịu. Chúng tôi vượt hơn 50km từ Hà Nội về làng Đại Cầu. Qua cổng làng, hỏi chị Bình “bốc mộ”, lập tức được mọi người chỉ một mạch đến cuối làng. Đường làng quanh co, cuối đường, con ngõ nhỏ hiện ra. Cuối con ngõ là một ngôi nhà cấp 4 hai gian lợp bờ rô xi măng, nhỏ nhưng rất sạch sẽ. Chị Bình đang khật khừ ốm. Cái con người kềnh càng ấy (chị khá cao lớn, lực lưỡng) vậy mà giờ cũng… biết ốm. Chị than thở, do tham công tiếc việc, cố phun thuê thuốc trừ sâu 4 sào lúa nên mới bị ốm một tuần nay. Rồi chị tiếc cái thời phun một ngày được cả 2 mẩu ruộng cho người ta, về vẫn  khỏe như vâm.
Sinh năm 1973, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ năm 13-14 tuổi chị Bình đã theo cha đi khắp nơi, làm mọi việc từ đồng áng, cuốc mướn đến công việc bốc mộ. Cha chị vốn là người chuyên bốc mộ nổi tiếng trong vùng nên nhà nào có việc cũng tìm đến ông. Do nhiều lần đi theo phụ giúp cha bốc mộ nên chị cũng biết được quy trình bốc mộ là như thế nào. Và cũng thật lạ lùng, không như những đứa trẻ và ngay cả người lớn, từ thời bé tẹo đó, chị đã không hề biết sợ… ma. Vậy nên, sau này có lần đi bốc mộ cho một gia đình ở Đồng Văn, do tới sớm, chị ra thẳng nghĩa địa để đợi. Do ngồi dưới đất ướt át, sương sớm khó chịu nên chị leo lên cây ngồi chơi, phe phẩy cành lá, đợi người nhà gia chủ. Lúc sau, người nhà gia chủ ra, nhìn từ xa thấy cành lá phe phẩy, họ cứ tưởng… ma nên hò nhau chạy, ngã sấp ngã ngửa. Còn chị thì ú ớ không kịp lên tiếng. Chị còn nhớ như in lần đầu tiên khi bố dặn sang làng Lão Cầu bốc mộ vào lúc 2 giờ sáng. Bố đi từ chiều, dặn chị cứ tới giờ, ra chờ sẵn ông ở mộ. Hôm đó trời cuối năm mưa phùn, rét buốt nên chị vừa mặc áo mưa, quần xắn cao tới gối, vừa xách đèn đi bộ, băng qua cánh đồng rộng mênh mông, heo hút. Khi chị vừa ra tới nơi, bố chị đi uống rượu ở đâu ngã ngay xuống cái mộ vừa được đào lên lúc chiều. Cuống quá, chị vội vứt dép, nhảy xuống hố lôi ông lên bờ. Người nhà gia chủ thì lo không ai làm tiếp, người nọ nói người kia là thuê phải “thằng nát rượu”. Lúc đó chị liền nhận: “Tôi làm được”, nhưng gia chủ vẫn không tin tưởng, họ mau chóng sắp xếp đi gọi người khác tới làm. Oái oăm thay, ca đầu tiên nhập môn ấy lại là ca khó. Khi mở nắp áo quan ra, thấy người nằm trong còn nguyên, chưa phân hủy. Chị phải nhớ lại xem bố đã “róc thịt, róc xương” ra sao để làm. Trong khi đó, người nhà ở trên thì cuống quýt khóc lóc sốt hết cả ruột. Hồi đó, chưa có điện thoại di động như bây giờ, nên khi họ gọi được người khác tới làm thay thì chị cũng đã cho bộ hài cốt vào tiểu sạch sẽ, ngay ngắn. Thấy con làm được việc, từ đấy, bố chị giao luôn cho công việc ở dưới mò, còn ông ở trên xếp. Khi bố qua đời, chị kiêm tất.
Hàng năm cứ vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch là “vào mùa” bốc mộ, có ngày 7-8 ca, chị “chạy sô” không kịp. Vừa xong nhà nọ, chưa kịp nghỉ ngơi, lại có người khác tới đón. Những ngày cuối năm chị làm rất nhiều. Chỉ ngửi hương khói nghi ngút cũng đã đau đầu. Việc bốc mộ thường tiến hành vào ban đêm và tùy thuộc vào gia chủ, thông thường diễn ra lúc 1-2 giờ đêm và kết thúc trước khi trời sáng. Trời lạnh thấu xương, chị vẫn mò mẫm dưới mộ, vì sợ sơ ý có thể để sót chiếc xương nào. Tuy nhiên, bây giờ chỉ cần nhìn qua là chị có thể biết được người đã khuất còn thiếu đốt xương nào và dù cuối năm bận rộn, với đám nào chị cũng đều chu đáo, tỉ mỉ nên làm không xuể.
“Có duyên” với người đã khuất
Từ nhỏ đã làm bạn với hài cốt, nó như cái nghiệp vận vào người, cha truyền con nối theo nghề bốc mộ từ thuở chăn trâu.
Do “đã quen” với những người đã khuất nên hễ có người bị tai nạn chết trên đường hay chết trôi sông đều có người tìm tới chị Bình. Có những xác đã chết gần 1 tuần, bụng trương phềnh lên bốc mùi khó chịu. Đứng nhìn cũng thấy ớn lạnh, nhưng chị lại không nề hà. Những vụ tai nạn trên đường, cán bộ pháp y cũng thường gọi chị đến, khâm liệm cho nạn nhân. Dù đêm hôm, hễ nhìn thấy dáng người cao lớn, đi như đàn ông là cán bộ pháp y nhận ra chị liền. Họ thường gọi chị là “trợ thủ” của pháp y. Những lần vớt xác người trôi sông, liệm cho người chết do tai nạn giúp pháp y, chị cũng không đòi hỏi tiền công gì cả. Người nhà nạn nhân đưa chị bao nhiêu thì đưa, không thì chị chỉ làm phúc. Nhiều người biết đến chị Bình nên dù ở các tỉnh thành xa như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên… cũng nhờ chị đến lo công việc “làm đẹp” cho người chết. Ngay ở gần xóm chị, có bà cụ sống một mình, chết trong nhà lúc nào không hay. Khi phát hiện ra, thì giòi bọ đã bâu đầy lên mặt, mùi thối bốc lên nồng nặc trong nhà. Trong khi con cháu và người làng không ai dám lại gần thì một mình chị xắn tay áo “làm đẹp” cho bà cụ ra đi đỡ “tủi thân”.
Sau gần 30 năm bốc mộ, khâm liệm người chết, do thường xuyên phải thức đêm và tiếp xúc nhiều với tử khí nên sức khỏe chị ngày một yếu đi. Trước đây, không ít người luôn kỳ thị, xa lánh những người làm nghề bốc mộ. Nhưng bố chị luôn căn dặn các con rằng đây là làm nghề, nhưng cũng là làm phúc cho thiên hạ. Bởi nếu làm tốt, thì mình sẽ tạo phúc cho gia đình người ta, cũng là tích đức cho con cháu nhà mình. Chỉ cần để sót lại một chiếc xương, hay một chiếc răng cũng là mắc tội lớn với người đã khuất và người còn sống.
Cũng chính vì theo nghiệp bố mà duyên phận của người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu này khó được theo lẽ thường. Bởi đàn ông theo nghề này đã khó lấy vợ, huống chi chị là phận nữ nhi. Thế nhưng, với khát khao làm mẹ, thời trẻ, chị đã từng chung sống với một người đàn ông nhưng khi cái thai trong bụng được 6 tháng thì anh ta bỏ đi không tung tích. Con gái chị giờ đã đi lấy chồng tận Thủy Nguyên (Hải Phòng) và chị cũng đã lên chức bà ngoại.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
 
Đối với chị Phạm Thị Bình, nghĩa tử là nghĩa tận nên chị luôn hết lòng tận tụy với công việc không dành cho phái yếu. Hàng ngày, khi làm xong công việc cho thiên hạ, chị lại trở về một mình với căn nhà hai gian, tuềnh toàng, lặng lẽ như chính cái nghề của mình.
 

Bình luận (0)