Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chỉ cấp một loại văn bằng dù chính quy hay tại chức

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 24.11, trao đổi với báo giới về những điểm dự kiến sửa đổi luật Giáo dục đại học, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết thay đổi quan trọng là hướng tới quy định chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo.

Sắp tới, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ xác định theo ngành /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sắp tới, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ xác định theo ngành. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đẩy mạnh kiểm định
Theo bà Phụng, dự luật quy định 2 hình thức đào tạo: tập trung và không tập trung. Dự kiến hình thức không tập trung sẽ bao gồm đào tạo bán thời gian và từ xa. Trong tờ trình thuyết minh dự luật mà Bộ GD-ĐT dự kiến gửi Chính phủ, Bộ này cũng khẳng định là chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo.
Bà Phụng giải thích: “Chúng tôi gọi là đào tạo không tập trung với hàm ý là chỉ khác nhau về phương thức đào tạo, còn từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá và chuẩn đầu ra phải được xây dựng giống như hình thức tập trung. Vì vậy, xác định là sẽ không có 2 loại văn bằng với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, bằng thường xuyên. Bằng cấp cũng không phân biệt. Hay nói cách khác là không ghi loại hình đào tạo trên bằng nữa. Và điều đó chúng tôi kỳ vọng các cơ sở đào tạo khi quan tâm đến chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì sẽ phải cẩn thận khi cấp văn bằng. Tất cả văn bằng cấp ra là phải đạt chuẩn, không phân biệt tại chức hay chính quy”.
Bà Phụng cho rằng chính sách chất lượng và quản lý chất lượng trước hết là của các trường. Khi các trường đào tạo và cấp bằng thì cũng phải đảm bảo chất lượng bằng cấp. Xã hội giám sát, còn nhà nước sẽ quản lý chủ yếu bằng kiểm định. Sắp tới, kiểm định chương trình đào tạo sẽ được đẩy mạnh.
Theo bà Phụng, hầu hết các nước phát triển không phân biệt văn bằng mà chỉ quan tâm việc làm thế nào có các biện pháp quản lý chất lượng. Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành thông tư quy định về đào tạo từ xa, trong đó quy định rõ điều kiện, quy trình đào tạo để được triển khai hình thức đào tạo này, nhằm quản lý chặt chẽ và chất lượng hơn.
“Khi đã quy định một loại văn bằng thì chắc chắn các trường không thể cấp một cách thoải mái cho người học hay cho hình thức đào tạo không đảm bảo chất lượng”, bà Phụng khẳng định.
Xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành
Theo bà Phụng, điều 38 luật Giáo dục ĐH hiện hành quy định chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo cả “gói” cho mỗi trường, trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và thiết bị. Nhưng trong quy chế tuyển sinh Bộ GD-ĐT ban hành xác định rõ công thức, cách tính chỉ tiêu tối đa, trên cơ sở đó từng trường xác định chỉ tiêu cho mình. Việc xác định chỉ tiêu đó, như Thông tư 32, là theo từng nhóm ngành. Còn dự luật quy định: “Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành đào tạo. Như vậy, dự luật này là văn bản đầu tiên đề cập việc xác định chỉ tiêu theo ngành”, bà Phụng cho biết.
Cũng theo bà Phụng, đưa ra quy định này, những người tham gia soạn thảo dự luật hy vọng sẽ tránh được tình trạng các cơ sở giáo dục ĐH xác định khối chỉ tiêu tổng thể trong khi chỉ tiêu các ngành trong đó không đồng đều, dồn chỉ tiêu cho những ngành có nhiều người dự tuyển mà cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên có thể chưa đảm bảo. Bà Phụng cho hay các trường ĐH tự chủ hiện đã được tự mở ngành. Dự kiến đưa vào luật, những trường có hội đồng trường thì được quyết định mở ngành.
Bà Phụng cho rằng quy mô tuyển sinh sẽ phụ thuộc vào khả năng đầu tư của trường. Đầu tư đến đâu thì tuyển sinh đến đó nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh tình trạng tuyển sinh chỉ phụ thuộc vào nhu cầu người học chứ không phải theo năng lực đáp ứng của cơ sở.
“Việc tuyển sinh theo ngành đòi hỏi một sự tính toán rất phức tạp đối với các trường, từ hoạch định chính sách cho đến việc đầu tư, rồi việc xác định chỉ tiêu trong từng năm học. Vì thế, đây là một nội dung chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến từ xã hội, đặc biệt là từ các trường”, bà Phụng nói.

Quý Hiên/TNO

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)