Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu các ngành, các địa phương đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải đa dạng, cụ thể, sát với nhu cầu của người dân và thực tiễn sản xuất. Theo đó chỉ tổ chức dạy nghề khi đã xác định được nơi làm việc và có khả năng thu nhập cao hơn sau học nghề.
Phó thủ tướng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động. Kiên quyết không để các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện, tổ chức kém hiệu quả tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời thực hiện việc lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án, chương trình khác nhau, giữa các đối tượng đào tạo, các địa phương; lồng ghép với các vấn đề về giới, về môi trường, văn hóa, xã hội, kiến thức kinh doanh trong quá trình đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Phó thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục hoàn thiện dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại điều 1 quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để có hiệu lực từ ngày 1-7.
Được biết, sau 5 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (giai đoạn 2010-2014), cả nước đã có gần 3,2 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 70,8% mục tiêu; đặt hàng dạy nghề trình độ TC, CĐ cho 10.534 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế…
PV
Bình luận (0)