Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chỉ điều chỉnh nguyện vọng khi cần thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ điều chỉnh nguyện vọng (NV) khi cần thiết, tránh nhầm lẫn điểm sàn và điểm trúng tuyển, chú ý thời hạn xác nhận nhập học tại các trường ĐH…

Các thành viên ban tư vấn lần lượt giải đáp các thắc mắc của thí sinh xem trực tiếp chương trình

Đây là một trong những nội dung quan trọng được Ban tư vấn nhấn mạnh đối với thí sinh trong mùa xét tuyển, nhất là khâu điều chỉnh NV tại chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp Đài Phát thanh – Truyền hình Tây Ninh tổ chức ngày 22-7. Đây cũng là buổi tư vấn “chốt” lại hành trình tư vấn xuyên suốt 20 tỉnh thành trong tháng 7 này.

Trước đó, chương trình đã diễn ra liên tiếp tại các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, được truyền hình trực tiếp trên các đài phát thanh truyền hình các địa phương này.

Chú ý điểm sàn, điểm chuẩn…

Trước nhiều câu hỏi liên quan đến điều chỉnh NV, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, hằng năm, tổng số thí sinh điều chỉnh NV bằng phiếu chiếm 15% trong tổng số gần 50% thí sinh điều chỉnh NV trên cả nước. Bộ GD-ĐT vừa công bố phổ điểm theo môn và khối thi, theo đó, phổ điểm năm nay nhìn chung thấp hơn năm trước. Thông qua các phương tiện truyền thông có thể thấy điểm chuẩn các trường năm nay dự báo sẽ giảm từ mức 2-3 điểm, thậm chí có thể tới 4 điểm. Dựa trên mặt bằng điểm thi chung, thí sinh cân nhắc việc điều chỉnh nguyện vọng, chỉ điều chỉnh khi thật cần thiết chẳng hạn như kết quả của các em cách quá xa điểm trúng tuyển vào ngành đã chọn ban đầu…

TS. Mai nhắc nhở, khoảng cách giữa điểm sàn xét tuyển và điểm trúng tuyển tại các trường cách rất xa nhau, thí sinh tránh nhầm lẫn mà đăng ký không chính xác. Điểm sàn chỉ là mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ. Với các ngành đào tạo GV, năm nay Bộ GD-ĐT ấn định mức sàn 17 điểm ở bậc ĐH, 15 bậc CĐ và 13 bậc TC. Các trường ngoài khối đào tạo sư phạm tự xác định ngưỡng sàn riêng. Qua công bố của các trường ĐH, ngưỡng điểm sàn thấp nhất là 13, đa số trên 14 trở lên.

Vì các trường ĐH hiện sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển nên TS. Mai khuyên thí sinh chú ý thời hạn nhập học ở từng phương thức. Mỗi phương thức có giới hạn thời gian làm thủ tục xác nhận nhập học khác nhau, nếu các em không nhập học trong thời hạn này, coi như từ chối nhập học.

TS. Trần Thiện Lưu (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) thông tin, riêng 4 ngành đại trà xét học bạ THPT tại trường đã công bố kết quả trúng tuyển. Với phương thức xét kết quả thi THPT Quốc gia, trường công bố 2 mức điểm sàn xét tuyển gồm 16 và 14 điểm. Trường đồng thời công bố lại các mức điểm chuẩn những năm gần đây, thí sinh có thể tham khảo phục vụ điều chỉnh NV.

Bên cạnh xét kết quả thi, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thông tin thêm về phương thức xét học bạ để thí sinh tăng thêm cơ hội. Việc xét học bạ tại nhiều trường ĐH được diễn ra theo từng đợt, hoàn toàn độc lập với xét kết quả thi THPT Quốc gia. Đây có thể là phương án “dự phòng” của thí sinh để có được kết quả mong muốn nhất. Tuy nhiên điều kiện và thời hạn xét tuyển mỗi trường khác nhau, các em nên tìm hiểu, nắm thông tin kỹ trước khi đăng ký.

ThS. Dương Duy Khải (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cũng cho hay, trường cũng xét tuyển học bạ phổ thông bên cạnh xét kết quả thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, riêng hai ngành y đa khoa và y học dự phòng không xét học bạ. Năm nay trường tuyển sinh một số ngành mới như: Y đa khoa, vật lý y khoa, đông phương học…

Bên cạnh hệ đại trà, hệ đào tạo chất lượng cao tại các trường ĐH cũng được học sinh quan tâm đặt nhiều câu hỏi. TS. Trần Thanh Thưởng (Trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết, có sự khác biệt trong chương trình chất lượng cao tại trường, cụ thể học phí chất lượng cao tiếng Việt 28 triệu/năm, chất lượng cao tiếng Anh là 30 triệu/năm. Trong khi đó, chương trình đại trà tại trường có mức học phí 15-17 triệu/năm. Tuy nhiên, chương trình chất lượng cao, sĩ số “mỏng”, chỉ 30 sinh viên/lớp; phòng học máy lạnh, được học tiếng Anh tăng cường miễn phí; điểm xét tuyển đầu vào thấp hơn 1-2 điểm.

Còn tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ThS. Nguyễn Anh Vũ (đại diện nhà trường) cho hay, chương trình đào tạo chất lượng cao được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo ở các nước ngoài, nhiều môn được học bằng tiếng Anh, sinh viên được thụ hưởng 300 tiết học tiếng Anh miễn phí, có chương trình đào tạo kỹ năng mềm. Người học được tạo điều kiện kiến tập thực hành tại doanh nghiệp. Sinh viên có kỹ năng ngoại ngữ và hội nhập quốc tế tốt cho công việc sau này. Học phí 29 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với chương trình đại trà.

“Sàn” CĐ là tốt nghiệp THPT

Đối với những thí sinh quan tâm đến CĐ, ngưỡng sàn xét tuyển nhiều trường chỉ là tốt nghiệp THPT. TS. Trần Mạnh Thành (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) chia sẻ, với ngưỡng sàn này, thí sinh có thể đến trực tiếp trường đăng ký, xét kết quả thi THPT quốc gia  hoặc đăng ký trực tuyến. Các em cần cung cấp bằng tốt nghiệp THPT và các giấy tờ ưu tiên cần thiết. Ông Thành nhắn nhủ: “Thí sinh cân nhắc kỹ chọn ngành nghề phù hợp sở thích, điều kiện. Thời gian học CĐ không dài, chỉ trong 2,5 năm, sau đó các em có thể sớm bước vào thị trường lao động, tự khởi nghiệp… đóng góp cho gia đình, xã hội”.

Thí sinh được giải đáp thắc mắc bởi Ban tư vấn chương trình gồm: TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ); TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM); Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Ban đào tạo Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM), TS. Trần Thanh Thưởng (Trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM); ThS. Phạm Thái Sơn (Giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM); PGS.TS. Nguyễn Minh Hà (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM); ThS. Nguyễn Anh Vũ (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM); ThS. Dương Duy Khải (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành); ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM); ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM); TS. Trần Mạnh Thành (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt); PGS. TS. Nguyễn Đức Minh (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM); ThS. Mai Đức Toàn (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Việt Mỹ)…

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng xét tuyển cả 2 phương thức. PGS.TS Nguyễn Đức Minh (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM) cho rằng, năm nay trường xét duy nhất phương thức thi THPT Quốc gia, nhưng do không chung hệ thống xét tuyển với ĐH nên thí sinh sau khi đăng ký xét trực tuyến vào trường phải bổ sung nhiều giấy tờ, hồ sơ cần thiết.

Cũng xét tuyển từ ngưỡng tốt nghiệp THPT, ThS. Mai Đức Toàn (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Mỹ) giới thiệu, trường hiện đào tạo 2 chương trình, thứ nhất là chương trình của Anh được cấp bằng đôi; sinh viên được đào tạo tiếng Anh để đáp ứng đầu ra. Thứ hai, chương trình tiếng Việt đào tạo cho 5 ngành trong đó có thiết kế, ngôn ngữ (biên phiên dịch tiếng Nhật thương mại), công nghệ (theo hướng thiết kế website)… Vì đào tạo theo chuẩn CDIO nên trường đảm bảo trên 70% thời lượng thực hành trong chương trình đào tạo. Với 3.500 chỉ tiêu, hiện trường còn 70% chỉ tiêu sẽ tuyển sinh từ nay cho tới tháng 10.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)