Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Chỉ dùng chữ quốc ngữ cho hoành phi câu đối?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà nghiên cứu về Hán Nôm, PGS-TS Nguyễn Tá Nhí (Viện Hán Nôm) vừa đưa ra ý kiến về việc thay hoành phi câu đối Hán Nôm bằng chữ quốc ngữ.
PGS-TS Nguyễn Tá Nhí nói không thể quên những lần mình đứng đợi bạn cạnh cửa chùa Đồng Quang, đối diện với công viên Đống Đa, Hà Nội. Người qua lại đông là thế, mà đôi câu đối trước cổng chùa chẳng ai dừng lại đọc lấy một lần. “Chứng kiến cảnh tượng lạnh lùng ấy mà thấy chạnh lòng… Gần đây, có vị đến nhờ chúng tôi soạn giùm câu đối cho ngôi chùa mới xây dựng, tôi chân thành khuyên nên thể hiện bằng chữ quốc ngữ để nhiều người đọc được”, vị phó giáo sư nêu ý kiến trong tham luận của ông tại hội thảo Văn hóa Phật giáo VN thống nhất trong đa dạng diễn ra ngày 2, 3.7 tại Hà Nội.

Câu đối chữ quốc ngữ ở chùa Quán Sứ, Hà Nội /// Ảnh: Ngọc Thắng
Câu đối chữ quốc ngữ ở chùa Quán Sứ, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng

Cũng theo ông Nhí, hiện nay nước ta có khoảng hơn 100.000 người có thể đọc được câu đối chữ Hán. Trong khi đó, dân số đã lên đến 90 triệu người. Như vậy, hầu hết người VN không đọc thạo câu đối chữ Hán Nôm. “Thế thì ích lợi của việc thể hiện câu đối đại tự ở chùa thu được bao nhiêu? Trong nhiều năm qua, khi đi thực tế, tôi thấy riêng ở vùng Hà Nội đã có đến hàng trăm câu đối tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm. Giả sử các câu đối đó ghi bằng chữ quốc ngữ thì dễ tiếp thu, dễ truyền thụ biết bao”, ông chia sẻ.

 

Những câu đối, hoành phi hay và ý nghĩa, theo ông Nhí, có thể thấy ở nhiều nơi. Việc chuyển ngữ sang quốc ngữ sẽ khiến chúng trở nên gần gũi hơn. “Chùa Địa Linh, làng Tây Hồ, P.Quảng Bá có đến 16 câu đối chữ Hán chạm khắc rất tinh xảo. Khách đến đều trầm trồ khen nét chữ cổ kính. Giả sử một nửa số chúng được viết bằng quốc ngữ thì số người đọc sẽ tăng lên, lợi ích cũng không sao kể xiết”, ông cho biết. Đặc biệt, với các lời răn dạy của Phật, ông Nhí còn kiến nghị lên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN rằng cần sử dụng chữ quốc ngữ ghi lời Phật dạy ở các ban thờ trong chùa.
Trong ý kiến của mình, thậm chí ông Nhí còn cho rằng, các hoành phi câu đối Hán Nôm nếu liên quan đến hồ sơ gốc của di tích đã có danh hiệu thì có thể để nguyên. Tuy nhiên, các hoành phi câu đối có thể hạ xuống chuyển vào các bảo tàng, thay vào đó là các hoành phi câu đối chép lại chính những nội dung đó, nhưng bằng chữ quốc ngữ!
Cẩn thận kẻo “đường đột với văn hóa”
Ý kiến của ông Nhí đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà văn hóa. PGS-TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng ủng hộ việc sử dụng quốc ngữ trên các hoành phi câu đối. “Chẳng hạn, với những ngôi chùa mới xây ở vùng biên giới, hải đảo, hoàn toàn có thể sử dụng chữ quốc ngữ để viết tên chùa, đại tự, đối liễn… Tuy nhiên, với ngôi cổ tích danh lam thì cần duy trì biển, liễn bằng chữ Hán, thậm chí ở các ngôi tháp cổ vẫn nên dùng chữ Phạn”, ông nêu quan điểm.
Theo ông Thuân, rất nên giữ các hoành phi câu đối chữ Hán Nôm đã tồn tại trong di tích. Nếu muốn để người dân có thể đọc, hiểu và thấy gần gũi thì có thể phiên dịch và đặt thêm bảng giải thích ở bên cạnh. Trên thực tế, ở các di tích, các hoành phi câu đối không chỉ là những lời hay ý đẹp mà người xưa gửi gắm, còn có những điều chép về lịch sử hình thành của chính di tích.
Theo ông Nhí, cũng có một số chùa đã dùng quốc ngữ để viết câu đối, hoành phi như chùa Quán Sứ, Q.Hoàn Kiếm, chùa Đồng Quang ở Q.Đống Đa, Hà Nội. “Thế nhưng đáng tiếc là trào lưu dùng chữ quốc ngữ viết câu đối ở các đình các chùa ở khu vực đồng bằng Bắc bộ VN chưa được xã hội chấp nhận. Nhiều câu đối viết bằng chữ quốc ngữ đã được chỉnh sửa, ghi bằng chữ Hán, như câu đối ngắn đắp vôi ở cổng chùa Đồng Quang, Q.Đống Đa”, ông Nhí cho biết.
Về điều này, PGS-TS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng không nên thay đổi toàn bộ các hoành phi câu đối như vậy. Bởi chúng cũng là một phần trong tổng thể giá trị văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc của một di tích đã có. Ông cũng đồng tình việc có thể đặt các bản dịch bên cạnh để người tham quan hiểu rõ hơn. Với các công trình mới, việc lựa chọn hoành phi câu đối thế nào là tùy chủ đầu tư.
KTS Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn di tích) cũng cho rằng nên đặt các bản dịch bên cạnh các hoành phi câu đối. Hoành phi câu đối cũ tại các di tích cũng có giá trị của nó. Còn việc thay thế ngay trên diện rộng sẽ là đường đột với văn hóa.

Trinh Nguyễn (TNO)

 

Bình luận (0)