Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển 1 lần

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển 1 lần  trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong 2 phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. 

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2016. Năm nay, các em được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 1 lần sau khi có kết quả thi THPT quốc gia

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về công tác tuyển sinh ĐH hệ chính quy và tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2017.

Hai phương thức điều chỉnh nguyện vọng

Tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh “Cùng bạn quyết định tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức mới đây, PGS.TS Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT) cho biết, năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ cùng thời điểm đăng ký dự thi THPT quốc gia. Dự kiến ngày 17 đến 22-7, khi đã có kết quả thi THPT quốc gia 2017, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng đăng ký dự thi lần nữa. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, quan trọng vẫn là khâu đăng ký ban đầu, chỉ những trường hợp bất đắc dĩ thí sinh mới phải điều chỉnh vì thời gian rất gấp rút. Đồng thời, với việc cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng đã tạo nhiều cơ hội cho các em.

Điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến, thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện. Phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển. Còn thông qua phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng đã đăng ký ban đầu và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định. Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ để cán bộ máy tính cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Lưu ý, thí sinh ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại. Nơi thu nhận hồ sơ phải yêu cầu thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót, nếu có.

Các sở GD-ĐT phải cập nhật phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh và chịu trách nhiệm về thông tin đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của bộ. Trong trường hợp nhập sai thông tin so với phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh, phải điều chỉnh lại khi thí sinh đề nghị và lưu bản đề nghị điều chỉnh sai sót của thí sinh. Chỉ đạo các trường THPT mở các phòng máy tính có nối mạng internet để thí sinh sử dụng thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Các trường ĐH-CĐ công khai mức điểm nhận đăng ký xét tuyển đối với các tổ hợp khác nhau sau khi có kết quả thi THPT quốc gia phù hợp với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định và các điều kiện khác không trái với quy chế tuyển sinh. Trong thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Bên cạnh đó, các trường phải bố trí bộ phận thường trực gồm những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trong tuyển sinh, nắm vững quy chế để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác xét tuyển của trường và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Tạo điều kiện hỗ trợ thí sinh được sử dụng các phòng máy tính nối mạng internet của trường để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến (nếu thí sinh có nhu cầu).

Đăng ký ngành yêu thích trên cùng

Ông Trần Văn Nghĩa lưu ý thêm, khi đăng ký tuyển, thí sinh nên ưu tiên chọn ngành yêu thích nhất đặt lên trên cùng, cho dù ngành này được các trường xét với mức điểm khá cao. Kế đến, các em đăng ký lần lượt theo thứ tự ưu tiên giảm dần, từ cao xuống thấp. Nếu đăng ký ngành yêu thích nhất xuống dưới, khi xét, thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành không thật sự mong muốn, làm lỡ cơ hội học những ngành mình đam mê. Trong khi, thí sinh đặt ngành yêu thích nhất trên cùng, ngành này sẽ được ưu tiên xét trước, nếu trượt, các em sẽ được xét các ngành tiếp theo.

Ông Nghĩa phân tích, trong quy chế có 1 điểm quan trọng đáng lưu ý khác, khi xét tuyển, các ngành đều được xét bình đẳng (tức cùng 1 ngành tại 1 trường nào đó, thí sinh đăng ký nguyện vọng ưu tiên 1, thí sinh khác đăng ký nguyện vọng ưu tiên thứ 2 hay nguyện vọng ưu tiên thứ 3 sẽ được cùng xét bình đẳng nhau) và những thí sinh nào điểm cao hơn sẽ đậu. Tuy nhiên, trong trường hợp ngành đó có nhiều thí sinh đăng ký nhưng bằng điểm nhau và cùng có tiêu chí phụ như nhau, khi ấy, em nào đăng ký ở nguyện vọng cao hơn sẽ được ưu tiên xét tuyển.

Thục Trân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)