Đỗ cùng một lúc 2 trường ĐH có tiếng với số điểm rất cao, ĐH Ngoại thương TPHCM 27 điểm và ĐH Y khoa Huế 25 điểm. Thế nhưng con đường tới giảng đường của Đỗ Thị Hồng Nhạn đang mù mịt hơn bao giờ hết.
Cô giáo của trẻ em đường phố
Đến Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em đường phố số 37 Nguyễn Trãi, TP Huế hỏi thăm Hồng Nhạn ai ai cũng biết. Bởi ngoài học giỏi có tiếng, Nhạn còn là “chị hai” của hàng chục đứa trẻ nghèo, lang thang cơ nhỡ nơi đây. Ngày ngày ngoài giờ lên lớp, Nhạn chăm lo từng miếng cơm, manh áo cho các em nhỏ, tối đến Nhạn lại trở thành cô giáo dạy từng con số, nét chữ cho những đứa trẻ bụi đời nơi đây.
Hồng Nhạn đang tranh thủ dạy chữ cho các em nhỏ đường phố
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo gồm 3 chị em ở làng Văn Xá, xã Hương Văn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, 15 tuổi Nhạn đã phải xa bố mẹ và chị em, vào Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em đường phố để được đến lớp học chữ.
Cảm thương hoàn cảnh của gia đình, lại thấy Nhạn thông minh, ham học nên các thầy cô trong Trung tâm đã mở rộng cánh cửa đón nhận.
Cô Trần Thị Sen, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Trung tâm từ trước tới nay chỉ nhận những trẻ lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa nhưng với trường hợp của em Nhạn thì rất đặc biệt bởi gia đình em ấy quá nghèo nhưng bản thân lại rất ham học. Từ ngày có em ấy, Trung tâm cũng bớt được nhiều phần việc giúp đỡ các trẻ khác”.
Thương bố mẹ, Hồng Nhạn chỉ biết học, học và… học thật giỏi đề bù đắp công lao nuôi dưỡng làm cho bố mẹ vui, bớt phần lo lắng. Liên tục các năm liền Nhạn luôn là học sinh giỏi ở trường, học “siêu” nhất ở các môn tự nhiên, lớp 10 đoạt giải nhì cuộc thi Olympic Toán học khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.
“Em biết hoàn cảnh gia đình mình còn rất khó khăn nên em chỉ biết cách cố gắng học để sau này đỡ đần được phần nào giúp gia đình và các em ở trung tâm” – Hồng Nhạn tâm sự
Giấc mơ tới giảng đường xa vời quá?
Hồng Nhạn chụp ảnh kỷ niệm với bạn ở Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em.
Chúng tôi ghé thăm gia đình Hồng Nhạn ở làng quê nghèo, căn nhà trống hoác bên trong, không một thứ đồ đạc có giá trị. Bố mẹ Nhạn đang đầu tắt mặt tối ở vườn rau muống hiu hắt. Từ ngày biết con mình đỗ cùng một lúc hai trường ĐH, ông Hoàng Đình Thanh (bố của Hồng Nhạn) mừng thì ít mà lo thì nhiều. Ông Thanh cho biết: “Cả nhà tôi nhịn ăn nhịn uống cả năm cũng không đủ tiền để gửi nuôi cháu nó ăn học, chỉ còn mấy hôm nữa là nhập học rồi mà chạy vạy làng trên xóm dưới cũng chỉ có được hơn một triệu đồng”.
Trong khi đó, mẹ của Nhạn bà Lê Thị Giòng đang tranh thủ làm thuê cuốc mướn cho người ta, gom góp thêm dăm bảy chục ngàn cho con chuẩn bị lên đường làm thủ tục nhập học. “Tiền tàu xe, tiền ăn uống rồi tiền học phí hàng tháng không có gửi, không biết rồi con có sống nổi ở Sài Gòn không? Ở nhà mẹ có nhịn ăn, nhịn mặc cũng chỉ có vài ba trăm” – bà Giòng nói mà nước mắt cứ rưng rưng vì thương con.
Chị gái của Hồng Nhạn, Hoàng Thị Anh Đào (sinh viên năm thứ 2 – trường ĐH Khoa học Huế) hiện đang sống nhờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi của Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em đường phố Thủy Xuân. Thương em sắp tới ngày nhập học mà không có đủ tiền tàu xe, Đào nói trong nước mắt: “Em Nhạn học giỏi nhất nhà lại chịu nhiều vất vả nhất, từ nhỏ đã biết sống hy sinh cho người khác”.
Tâm sự với chúng tôi, Hồng Nhạn chia sẻ: “Nếu được bước tiếp trên con đường tới giảng đường, em sẽ lựa chọn theo ngành Kinh tế đối ngoại ở ĐH Ngoại thương (cơ sở phía Nam). Cố gắng vừa học, vừa đi làm thêm để đỡ đần phần nào cho người thân. Mơ ước của em sau này là trở thành một doanh nhân thành đạt, lúc đó em mới có thể giúp được bố mẹ và các em ở trung tâm bảo trợ trẻ đường phố”.
Phan Bá Mạnh (Dan tri)
Bình luận (0)