Sáng nay, 19/12, Bộ GD&ĐT và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức hội thảo liêm chính trong nghiên cứu khoa học.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các trường đại học (ĐH), các chuyên gia trong và ngoài nước.
Ảnh: minh họa
Theo ông Tuấn, trên thế giới, có nhiều tổ chức được thành lập để định kỳ đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học và bình chọn vào các danh mục. Các tổ chức này đã đưa ra những công cụ có chất lượng và đầy đủ để đo lường, tìm kiếm, theo dõi chất lượng các tạp chí khoa học thuộc các lĩnh vực và bình chọn vào các danh mục trích dẫn trong cơ sở dữ liệu (CSDL) đa ngành như: Web of Science, Scopus, DOAJ, EBSCO, Proquest, ACI, trong CSDL chuyên ngành (như: Pubmed, Embase, IEEexplore, Inspec, Compendex…).
Trong đó, danh mục Scopus là cơ sở dữ liệu của NXB Elsevier (Hà Lan), sử dụng hệ thống tính điểm STEP thẩm định các ấn phẩm khoa học dựa trên 5 tiêu thức chính: chính sách tạp chí (35%), nội dung (20%), mức độ trích dẫn (25%), tính thường kỳ (10%), sự sẵn có nội dung trực tuyến (10%). Đến tháng 3/2023, Scopus đưa vào danh mục tổng số 43.400 tạp chí khoa học trên thế giới: 27.9333 tạp chí hiện đang còn hiệu lực; 15.466 tạp chí đã bị loại ra khỏi danh mục; 1.217 tạp chí mới được đưa vào năm 2022-2023.
Trong danh mục Scopus tháng 3/2023, có 8 tạp chí khoa học Việt Nam đang còn hiệu lực.
Danh mục Web of Science (WoS) là cơ sở dữ liệu của Institute for Scientific Information, Hoa Kỳ. Web of Science đánh giá và lựa chọn các tạp chí dựa trên các tiêu chí: Tác động, ảnh hưởng, tính kịp thời, đánh giá ngang hàng, đại diện địa lý (impact, influence, timeliness, peer review, geographic representation).
WoS gồm các lĩnh vực: Khoa học Mở rộng (SCIE) với hơn 9.200 tạp chí trên 178 ngành khoa học; Khoa học xã hội (SSCI) có hơn 3.400 tạp chí; Nghệ thuật và Nhân văn (AHCI) có hơn 1.800 tạp chí; Nguồn mới nổi (ESCI) có hơn 7.800 tạp chí thuộc mọi lĩnh vực. Việt Nam có 8 tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu gồm 1 tạp chí thuộc SCIE và 7 tạp chí thuộc ESCI.
Theo ông Tuấn, như vậy tính đến tháng 12, Việt Nam có 13 tạp chí thuộc danh mục Scopus và WoS.
Nguồn: Hội đồng Giáo sư Nhà nước
Đối với danh mục ACI (thuộc Asean), đến tháng 3 vừa qua đã đánh giá và xét chọn được 664 tạp chí khoa học của 10 nước trong khu vực. Trong ACI, Việt Nam có 26 tạp chí; Thái Lan có 201 tạp chí nhưng Singapore chỉ có 10 tạp chí.
Ông Tuấn cũng cho biết các tạp chí khoa học của Việt Nam thuộc danh mục Scopus hay WoS mới chỉ đạt được ở mức tạp chí mới nổi.
Trước thực trạng như trên, ông Tuấn khẳng định hệ quả tất yếu là các nhà khoa học sẽ tìm đến các tạp chí nước ngoài để đăng bài.
Đồng thời cho biết ở Việt Nam, về mặt quản lý nhà nước, cho đến nay, chưa có Bộ tiêu chuẩn chất lượng tạp chí khoa học của Bộ, ngành và của quốc gia một cách chính thức.
Năm 2011, Bộ GD&ĐT triển khai đề án thí điểm nâng cấp tạp chí của một số trường đại học và được tiếp tục triển khai vào năm 2018. Đến nay, đã có tổng cộng 18 cơ sở giáo đại học được thụ hưởng dự án này và cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng.
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)