GS. Đào Trọng Thi
|
Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo đề án đổi mới chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) với số tiền tương đối lớn là 70.000 tỷ đồng. Các chuyên gia giáo dục đã đồng loạt lên tiếng về vấn đề này.
Bộ GD-ĐT cũng phải “giải trình” trước công luận rằng con số 70.000 tỷ đó mới chỉ là khái toán. Tuy nhiên, đứng ở một góc độ khác, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã có một cái nhìn toàn diện về vấn đề này.
PV: Thưa GS, đề án đổi mới CT-SGK vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản ứng khá dữ dội của dư luận, ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Vừa qua, dư luận đã lên tiếng rất nhiều về đề án đổi mới CT-SGK của Bộ GD-ĐT. Tôi chưa đọc dự thảo đó và tôi cũng chưa nhận được dự thảo đó vì nó đang ở mức “sơ khai” ban đầu. Qua thông tin báo chí nêu, tôi cũng biết được sơ bộ phần nào.
Chưa có trong tay bản dự thảo nhưng GS cũng đã biết được phần nào, vậy GS đánh giá thế nào về bản dự thảo đề án này?
– Tôi nghĩ, ý kiến riêng của tôi có khác so với một số người. Các nhà giáo dục đều tập trung vào hai khía cạnh của đề án.
Đó là người ta nói nhiều đến đổi mới CT-SGK vào thời điểm này có phải là quy trình ngược hay không? Tại sao nó lại làm trước việc ban hành chiến lược giáo dục Việt Nam 2011-2020? Tại sao chưa tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam như Nghị quyết ĐH Đảng XI đã nêu mà lại đi vào đổi mới CT-SGK? Thực tế là chúng ta phải đổi mới CT-SGK trên cơ sở đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và trước mắt là trên cơ sở chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta làm xong cái này rồi mới bắt đầu cái kia. Trong khi đó, đổi mới là một tiến trình lâu dài. Đổi mới giáo dục không phải bây giờ mới làm mà là đã làm và đang làm. Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 không phải bây giờ mới làm mà chỉ là chưa ban hành được. Như thế đã là quá chậm vì đã sắp hết năm 2011. Lẽ ra, văn bản này phải ra trước năm 2011. Và nếu suy nghĩ như thế thì đề án này không phải là quy trình ngược. Tôi nghĩ, nếu để làm xong văn bản chiến lược rồi mới làm đến đổi mới CT-SGK thì nó sẽ lại quá muộn, có khi đến hết chiến lược rồi vẫn chưa nghĩ xong đổi mới CT-SGK như thế nào. Mình không vội nhưng không thể quá ì ạch. Cái gì cũng phải có sự chuẩn bị. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm cho chuyện này. Có nhiều việc phải làm nhưng chờ mãi không ra được văn bản. Nhưng nếu họ làm dự án mà không quan tâm đến chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam thì là một sai lầm. Về logic thì hai văn bản phải dựa vào nhau.
Bàn về vấn đề kinh phí, theo ông thì 70.000 tỷ có quá lớn không?
– Tôi được biết trong đó chỉ có một số nhỏ đi vào biên soạn CT-SGK, phần còn lại là đầu tư cho ngành giáo dục. Nếu hiểu như vậy, 70.000 tỷ gắn với đổi mới giáo dục (vì phải “nâng cấp” giáo viên, cơ sở vật chất… để phù hợp với CT-SGK) thì con số này có quá lớn không? Tôi nghĩ chỉ có một cái Vinashin đã làm thất thoát của Nhà nước hơn số đó rồi. Tôi cho rằng con số này không lớn khi nó đầu tư cho hàng triệu con em mình đi học. Giá chúng ta có nhiều tiền hơn thì chúng ta còn cho nhiều hơn nếu chúng ta muốn nền giáo dục của chúng ta phát triển hơn.
Tiền đầu tư này không là gì so với chúng ta đầu tư vào cái khác. Tiền chúng ta đầu tư vào giáo dục đã xứng đáng để coi là quốc sách hàng đầu chưa? Đã xứng đáng là một trong 3 khâu đột phá của Nghị quyết ĐH XI khi chúng ta lựa chọn đào tạo nhân lực chất lượng cao, thể chế xã hội, cơ sở hạ tầng?
Nhưng thưa GS, điều người ta lo lắng đó là hiệu quả của đề án này?
– Đúng, tiền không lớn nhưng phải sử dụng hiệu quả. Hiện nay, quan điểm của mình đã biên soạn thì phải làm đầy đủ, cái gì cũng làm. Vậy trong bằng ấy cuốn sách, có phải cuốn nào cũng phải biên soạn lại không? Chương trình nào cũng phải sửa như nhau không? Phải tính toán kỹ. Chúng ta không thể cứ bới hết, coi là cũ hết. Chuyện thay đổi là bình thường nhưng phải thận trọng. Vì đã có nhiều dự án, tốn tiền của Nhà nước nhưng không mang lại hiệu quả.
Xin cảm ơn GS!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)