Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chi ngân sách cho tiểu học: Mỗi nơi một kiểu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mặc dù 72% chi tiêu công bậc tiểu học đã tới các trường, nhưng thực tế cho thấy, sự phân bổ nguồn ngân sách này không đồng đều giữa các địa phương, hao hụt dần qua các khâu trung chuyển.


Chi ngân sách cho tiểu học còn nhiều bất cập (ảnh minh họa)

Chi phí trong sổ sách cao hơn thực tế

Theo bản “Khảo sát chi tiêu công dành cho giáo dục tiểu học ở Việt Nam” do Bộ Tài chính, Bộ GDĐT, Công ty tư vấn Mê kông Việt Nam, Tập đoàn tư vấn Nordic Na Uy thực hiện cho thấy, 72% chi tiêu công bậc tiểu học đã tới các trường. Thế nhưng, mỗi địa phương có cách phân bổ khác nhau, tỉ lệ chênh lệch khá nhiều, không những thế từ tỉnh xuống huyện, xuống trường đều có những hao hụt đáng kể. Bản khảo sát chỉ rõ, tại tỉnh Đồng Nai, ở cấp huyện, trung bình mỗi học sinh được 1.486.012 đồng/năm nhưng đến cấp trường còn là 1.036.818 đồng/năm. Ở tỉnh Lào Cai, mỗi học sinh cấp huyện là 2.706.993 đồng/năm nhưng khi xuống đến cấp trường chỉ còn 2.253.212 đồng/năm. Tính trung bình hiện nay, chi tiêu ngân sách nhà nước dành cho học sinh tiểu học cấp huyện là 1.994.397 đồng/học sinh/năm nhưng khi về đến cấp trường chỉ còn 1.606.076 đồng/học  sinh/năm.
Trong một khảo sát khác được tiến hành năm 2008 tại 89 trường tiểu học thuộc 6 tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Phòng, Lào Cai và Quảng Ngãi, các chuyên gia phát hiện ra nhiều địa phương sử dụng kinh phí này một cách tùy tiện. Có phòng giáo dục huyện quản lý tài khoản và kinh phí cho các trường tiểu học, cả việc trả lương giáo viên. Kiểm tra tại các trường thì số lượng giáo viên nhận lương ít hơn giáo viên theo bảng lương tại phòng. Tại một huyện khác, chi phí mua văn phòng phẩm cho phòng được phân bổ vào chi tiêu cho các trường… Các chuyên gia nhận định, những trường hợp này là nguyên nhân khiến cho chi phí của các trường trong sổ sách thường cao hơn chi tiêu thực tế. Các chuyên gia cũng phát hiện ở cấp tỉnh, huyện chi phí cho cán bộ quản lý được tính vào chi phí nhân sự ở cấp trường. Đây là việc làm tùy tiện và là nguyên nhân khiến cho chi phí giáo dục tiểu học tăng cao.
Quá nhiều khoản đóng góp
Tại các trường ở đô thị, 30%-60% nguồn thu của trường là từ các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh với nhiều tên gọi như hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, quỹ khuyến học, quỹ tài năng, tiền nước uống, chất đốt… Cá biệt, có trường số phí và các khoản đóng góp lên tới 15 loại.
Các khoản phí do cha mẹ học sinh đóng góp cũng chệnh lệch giữa các địa phương. Hiện nay, phí theo quy định ở nông thôn khoảng 5.000 -50.000đồng/học sinh, khu vực thành thị 28.000 – 70.000 đồng/học sinh, còn các trường ở miền núi không thu phí. Tuy nhiên, với việc thu phí dưới hình thứ tự nguyện đóng góp khiến đầu năm đã khiến các bậc phu huynh phải đóng khá nhiều khoản. Việc xây dựng và duy trì cơ sở vật chất có mức cơ bản từ 70.000 – 180.000 đồng/học sinh, nhưng nhiều trường thu 270.000 – 600.000 đồng/học sinh.
Bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GDĐT khẳng định, Bộ rất quan tâm đến các khoản thu ngoài quy định của Nhà nước, ngay từ đầu năm học, Bộ đã có 2 công văn chỉ đạo về vấn đề này, đề nghị các trường phải công khai từ nguồn ngân sách được cấp, chi tiêu cho những nội dung gì, thu của phụ huynh bao nhiêu và chi vào đâu? Thời gian qua, Bộ GDĐT đã đi kiểm tra 11 tỉnh và kịp thời chấn chỉnh những địa phương có biểu hiện chưa tốt.

Nguyên Minh / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)