Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng đột biến

Tạp Chí Giáo Dục

Vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế về cường độ tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 cả nước đã tăng gần gấp 3,5 lần so với tháng 8 và đạt đỉnh tăng 2,2%. Với mức tăng đột biến này, CPI tháng 9 đã lập kỷ lục về mức tăng cao nhất so với các tháng 9 kể từ năm 1995 đến nay và đạt mức tăng cao nhất so với các tháng, kể từ tháng 6/2011 đến nay.

Khách chọn mua hàng hoá tại siêu thị Big C Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Số liệu được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 24/9 cho thấy, CPI tháng 9 tăng 2,2% so với tháng trước, tăng 6,48% so với cùng kỳ 2011; đưa CPI 9 tháng qua tăng 5,13% so với tháng 12/2011 và tăng 9,96% so với bình quân cùng kỳ.

Điều đáng quan tâm là CPI tháng 9 đã tăng ở cả 11/11 nhóm trong Rổ Hàng hóa chung với mức tăng từ 0,01- 23,87%; trong đó mức tăng cao nhất thuộc nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng thấp nhất là nhón bưu chính viễn thông.

Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (TCTK) Nguyễn Đức Thắng cho biết: CPI tháng 9 tăng đột biến là do sự tăng giá mạnh và đồng loạt của nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như: Thuốc và dịch vụ y tế, Giáo dục, Giao thông, Nhà ở và Vật liệu xây dựng.

Theo đó, các nhóm này đã đóng góp tới 2,1% trong 2,2% mức tăng CPI chung cả nước tháng 9 này.

Cụ thể, trong tháng 9, 32 tỉnh, thành phố trong cả nước đã đồng loạt tăng giá dịch vụ y tế với các mức tăng khác nhau, khiến cho nhóm hàng hóa này tăng tới 23,87% so với tháng 8, tăng 43,2% so cùng kỳ năm 2011và tăng 42,2% so với tháng 12/2011; góp phần làm CPI chung cả nước tăng khoảng 0,94%.

Các tỉnh, thành phố có chỉ số giá tăng cao gồm: Hải Dương tăng trên 240%), Thái Bình và Cao Bằng tăng trên 220%, Lào Cai tăng gần 248%, Lạng Sơn tăng gần 148%, Hà Tĩnh tăng gần 306%.

Bên cạnh đó, bắt đầu vào năm học mới, 42 tỉnh, thành phố đã điều chỉnh đồng loạt tăng học phí khiến cho nhóm giáo dục tăng 10,54%; đóng góp 0,6% trong mức tăng CPI chung cả nước.

Cùng đó, chỉ số giá nhóm giao thông đã tiếp tục tăng 3,83%, cao hơn nhiều so với mức tăng 1,07% của tháng trước; góp phần đẩy CPI chung cả nước tăng 0,34%. Trong đó, chỉ số giá xăng dầu chung đã tăng 7,94%; giá một số dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,82%.

Cũng là nhóm hàng hóa thiết yếu, chỉ số giá nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng đã tăng 2,18%, góp 0,22% vào mức tăng CPI chung do giá dầu hỏa tăng 6,38%, giá gas tăng 11,8%.

Đặc biệt, với tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu CPI chung, việc CPI của cả hai đầu tầu kinh tế cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng rất cao trong tháng 9 với mức tăng theo thứ tự là 2,47% và 1,21% cũng đã tạo lực “đẩy” mạnh lên CPI chung.

Dự báo về mức tăng CPI trong tháng tới, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết: Nếu loại trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai “ông lớn” chưa có kế hoạch tăng giá dịch vụ y tế, trong tháng 10 tới, vẫn còn khoảng 20 tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá loại dịch vụ này.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng sẽ điều chỉnh mức học phí. Vì vậy, CPI trong tháng 10 có thể sẽ tiếp tục tăng cao do hai nhóm này đã chiếm khoảng 10% trong cơ cấu CPI chung
Cũng theo ông Thắng, hiện CPI 9 tháng đã tăng 5,13% so với tháng 12/2011. Vì vậy, với quy luật tiêu dùng nóng trong những tháng cuối năm, cộng với nhiều yếu tố biến động giá khác như tác động trễ của gói kích cầu, nới lỏng tín dụng, CPI cả năm 2012 sẽ khó giữ được ở mức 7%.

TTXVN/ Tin Tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)