Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Chỉ sợ một ngày tôi nằm xuống…”

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Lê Thị Tuyết bên đứa con gái tật nguyền tại phòng trọMiếng cơm hàng ngày của cả gia đình gồm bốn miệng ăn cùng tiền thuốc thang điều trị bệnh cho mẹ và cô con gái đều trông chờ vào việc buôn bán ở vỉa hè của ông bà Trần Cơ, đã ngoài 70 tuổi. Vốn liếng chỉ là vài chai nước ngọt, đôi ba trái dừa lạnh, ít bánh kẹo, vài gói thuốc lá và bình xăng nhỏ… không quá 150.000 đồng.

Con gái sống đời thực thực vật suốt 29 năm, nay lại thêm mẹ già đau yếu, hai vợ chồng tuổi đã ngoài 70 phải vất vả mưu sinh để lo cái ăn hàng ngày và lo thuốc thang cho hai người bệnh.

Từ khó khăn đến… khó khăn

Đã quá 23 giờ đêm, trời mưa tầm tã nhưng cụ Cơ vẫn phong phanh trong chiếc áo mưa rách tả tơi, nhấc từng bước chân chậm chạp ra che chắn căn chòi bên vỉa hè đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Phong, quận 7. Bên trong người vợ run rẩy nằm co ro trên tấm ván vì lạnh, mưa giăng tứ phía.

Năm 1961, ông Cơ từ Huế vào Bình Dương làm thuê, từ khuân vác, kéo xe đến dọn hàng ở chợ… Năm 1993 ông vào TP.HCM, lại tiếp tục cuộc hành trình mưu sinh đầy gian khó. Vốn chịu thương chịu khó nên người bạn đời của ông càng thương yêu ông hơn, đó là bà Lê Thị Tuyết. Qua bao năm tháng thăng trầm, hết trở ngại này đến khó khăn khác họ đều vượt qua và có với nhau bốn mặt con. Hiện các con lớn đã có gia đình, cuộc sống cũng phải chạy gạo từng bữa nên không có điều kiện để lo cho cha mẹ.

Nhiều năm nay, sức khỏe của ông yếu đi nên không ai thuê mướn gì nữa. Vợ chồng ông phải ra vỉa hè mở quán bán kiếm đồng lời để lo cho mẹ và cô con gái Lệ Ngọc tật nguyền. Bà Tuyết kể: “Hai năm sau khi Lệ Ngọc ra đời, nó bị sốt và chuyển vào bệnh viện, kể từ ngày đó cơ thể nó co rút lại, đôi chân cong quắp không thể đi đứng được”. Để có tiền chữa trị cho Ngọc, gia đình đã phải bán nhà cửa và vay mượn họ hàng nhưng vẫn không chữa khỏi. “31 tuổi nhưng nó sống đời thực vật gần 29 năm nay, cân nặng không đến 25kg, chưa bao giờ bước đi được nửa bước, cũng chưa một lần gọi mẹ, gọi cha. Còn mẹ tôi cũng vậy, gần chục năm nay đau nhức xương khớp triền miên, chỉ quanh quẩn trong phòng trọ chứ không thể đi lại xa hơn được, cứ mươi ngày là phải mất từ 250 – 300.000 đồng tiền thuốc”, bà Tuyết nghẹn ngào nói.

Một đời hi sinh

Căn phòng rộng 12 m2 mà vợ chồng ông thuê tại số 35/19, tổ 2, khu phố 5, đường Lê Văn Lương, quận 7 với giá 700.000 đồng/ tháng cũng chỉ đủ chỗ để kê chiếc giường cho mẹ già, bàn thờ tổ tiên và chỗ nằm của đứa con tật nguyền. Ông Cơ cho biết, sở dĩ vợ chồng ông ngủ ở vỉa hè là vì bán thêm ban đêm để kiếm ít tiền, vả lại về nhà cũng không có chỗ ngủ mà phải ngả lưng ngoài hành lang của nhà trọ.

Những năm trước đây, cứ vào ngày rằm lớn là bà Tuyết dùng xe đẩy, đưa con gái đi xin gạo. Mỗi lần đi, bà con thương tình cho cũng được vài chục kg, bà để dành ăn. Gần đây, sức khoẻ Ngọc sa sút hẳn nên bà không dám đẩy đi vì sợ xảy ra những biến chứng xấu. Đến nay, số tiền gia đình phải vay nóng chữa trị cho mẹ và con tính cả vốn lẫn lãi đã lên con số hàng chục triệu đồng mà gần như không có khả năng trả nợ.

Khó khăn ngày càng chồng chất, bệnh già của ông Cơ cũng ngày một nghiêm trọng hơn nhưng ông vẫn cứ phải dầm mình trong những đêm mưa gió, rất nguy hiểm đến tính mạng. Hôm chúng tôi ghé thăm, cơn mưa cũng vừa dứt, ông run rẩy nói không rõ tiếng: “Tôi cũng già yếu rồi nhưng may mắn là còn kiếm được đồng tiền để lo phần nào cho mẹ và con, bấy nhiêu đó là niềm hạnh phúc của cuộc đời tôi. Tôi chỉ lo mai mốt mình nằm một chỗ thì không ai chăm sóc cho con”.

Bác Dung, hàng xóm khu nhà trọ cho biết: “Dù vợ chồng ông bà Cơ nghèo khó nhưng họ sống nhân hậu, biết quan tâm đến người khác. Hôm nào bán được, ông bà không dám ăn mà tất cả đều dành cho mẹ và con để bồi bổ sức khỏe. Ở đây bà con đều là dân lao động nghèo, thấy hoàn cảnh gia đình ông bà như vậy cũng đứt ruột nhưng biết làm sao được”.

Trần Tuy Antc "Traàn Tuy An"

Bình luận (0)