Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chỉ số PMI tháng 5 tiếp tục suy giảm

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam tháng 5 tiếp tục giảm 1,2 điểm xuống còn 48,3 điểm – là mức thấp nhất trong ba tháng qua – so với mức 49,5 điểm của tháng 4 và 50 điểm hồi tháng 3. Chỉ số này cũng thấp hơn 1 điểm so với mức trung bình (49,3) kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4.2011. Dữ liệu này theo báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất do ngân hàng HSBC phối hợp với Markit Economics thực hiện.

Theo báo cáo, sự suy giảm của PMI nằm trong xu thế xấu đi của các chỉ số kinh tế vĩ mô. Các nguyên nhân chính gây sụt giảm là do các điều kiện kinh tế không thuận lợi, sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều giảm vào tháng 5, trong khi các công ty gặp gánh nặng chi phí tăng do giá của các mặt hàng có liên quan đến xăng dầu tăng. Các nhà sản xuất cũng phản hồi có sự giảm nhẹ số lượng đơn hàng mới trong tháng 5, và đây cũng là lần giảm đầu tiên trong ba tháng qua.

Dữ liệu PMI tháng 5 cũng biểu thị sự sụt giảm cả lượng hàng hoá đầu vào và lượng hàng tồn kho, mặc dù tốc độ giảm rất nhỏ. Trong khi đó, hoạt động mua hàng trong tháng 5 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Sự cạnh tranh mạnh trong việc giành các đơn đặt hàng mới đã làm cho giá xuất xưởng trong lĩnh vực sản xuất giảm vào tháng 5, là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 1.

Bà Trinh Nguyễn, nhà kinh tế châu Á của HSBC, phân tích sự sụt giảm sản xuất trong tháng 5 cho thấy nhu cầu nội địa đang trong tình trạng yếu kém.

Chỉ số PMI của HSBC được khảo sát hàng tháng từ 400 nhà quản trị mua hàng ở các doanh nghiệp sản xuất, tổng hợp dựa vào năm chỉ số: đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp, tồn kho các mặt hàng đã mua.

Tuyết Ân

Theo SGTT.VN

 

Bình luận (0)