Dư luận cho rằng thống kê GDP của Việt Nam chưa phản ánh đúng bức tranh của nền kinh tế. Tổng cục Thống kê cần có trách nhiệm đưa ra các chỉ số xác thực
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước 9 tháng đầu năm ước đạt 5,14%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,63% so với tháng 12-2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012… Những con số thống kê trên cho thấy tăng trưởng kinh tế đã khởi sắc hơn. Thế nhưng, các số liệu này đang vấp phải sự phản ứng của giới chuyên môn.
Thiếu phân tích, đối chứng
Không ít chuyên gia kinh tế bày tỏ sự nghi ngờ về độ chính xác của những chỉ số quan trọng để đánh giá “sức khỏe” nền kinh tế quốc gia. Nhiều chuyên gia thẳng thắn nhận định con số GDP được công bố hằng năm không chính xác bởi nhiều năm nay, địa phương nào cũng công bố GDP của mình tăng cao nhưng số liệu do Tổng cục Thống kê công bố chỉ bằng một nửa. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với các chỉ số CPI, IIP…
Ở Việt Nam, giao dịch tiền mặt còn quá lớn, tỉ lệ người được trả lương bằng tiền mặt chiếm tỉ trọng cao nhưng chưa được đưa vào danh mục tính GDP là bất hợp lý.
Trong ảnh: Giao dịch tiền mặt tại một ngân hàng ở TP HCM Ảnh: HỒNG THÚY
Trong ảnh: Giao dịch tiền mặt tại một ngân hàng ở TP HCM Ảnh: HỒNG THÚY
Theo các chuyên gia kinh tế, GDP của Việt Nam được cơ quan thống kê tính theo phương pháp sản xuất chứ không phải tính theo tiêu thụ, lẽ ra phải có kiểm tra chéo bằng cách tính tổng tiêu thụ hoặc tính theo 2-3 phương pháp khác nhau để kiểm tra, đối chiếu và cho ra số liệu chính xác nhất.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng chúng ta không có thống kê nào ngoài số liệu công bố của Tổng cục Thống kê về các chỉ số kinh tế vĩ mô nên rất khó phản bác các con số đó có chính xác hay không. Quan ngại lớn nhất là cách tính này chính xác đến mức nào và cơ quan thống kê đem các danh mục hàng hóa, dịch vụ nào để tính cũng như cách tổng hợp chỉ số GDP. Nhiều địa phương có chỉ số GDP rất cao nhưng tổng hợp GDP cả nước lại rất thấp. Hai số liệu này chỏi nhau, không biết sự thiếu chính xác nằm ở phần “ngọn” hay phần “gốc”. Cũng có thể chỉ số GDP chưa chính xác là do độ chính xác trong cách tính không cao; sự hợp lý và chính xác của các danh mục hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được đem vào tính GDP. Ngoài ra, có thể do sự kết nối GDP của các địa phương trong tổng thể nền kinh tế có vấn đề… “Tổng cục Thống kê cần có trách nhiệm đưa ra giải trình về tính xác thực của các chỉ số” – TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tại các nước phát triển, danh mục trong GDP được thống kê chặt chẽ; hàng hóa, dịch vụ được định giá trên đơn vị tiền tệ của các quốc gia đó và các giao dịch được thực hiện chủ yếu thông qua ngân hàng nên độ chính xác của GDP cao hơn. Tại Việt Nam, giao dịch tiền mặt còn quá lớn, tỉ lệ người làm thuê, người làm công được trả lương bằng tiền mặt chiếm tỉ trọng lớn nhưng chưa được đưa vào danh mục tính GDP.
Không phản ánh đúng giá trị thật
Một chuyên gia kinh tế cho biết thống kê GDP của Việt Nam hiện tại không phản ánh bức tranh của nền kinh tế mà chỉ phục vụ nhu cầu… thành tích. Năm 2013, nhiều tỉnh, thành dự kiến không đạt chỉ tiêu thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn ở mức 7%, tăng trưởng kinh tế trên 5%. Trong khi tỉnh nào cũng gặp khó khăn, vậy mức tăng trưởng này từ đâu ra?
GDP là thước đo quan trọng trong việc định lượng sự tăng trưởng của nền kinh tế. Từ con số này, nhiều quyết sách được ban hành. Chỉ số GDP không chính xác dẫn đến hàng loạt hệ lụy. Theo các chuyên gia kinh tế, trường hợp GDP thực không đúng như mức công bố sẽ khiến các chính sách kinh tế và an sinh xã hội ban hành dựa trên nền tảng này không ổn, khó đi vào thực tế. Sự thiếu chính xác của các số liệu thống kê không chỉ tác động đến chính sách, ngân sách của Chính phủ mà còn ảnh hưởng đến các tổ chức tài chính, kinh doanh…
TS Nguyễn Quang A cho rằng bản thân con số GDP khi bị sai lệch sẽ không còn ý nghĩa gì, không phản ánh được sự phát triển của đất nước mà chỉ là con số để làm đẹp báo cáo. “GDP là chỉ số rất quan trọng nhưng khi đã được tính vống lên thì không phản ánh giá trị thực mà chỉ có tác dụng giúp người ta ngất ngây trên chiến thắng ảo. Nó không phản ánh đúng chất lượng mà chỉ là con số thuần về vật chất. Có thể lấy dẫn chứng là ngành giao thông thi công 1 con đường, làm gian dối, vài tháng sau phải phá bỏ làm lại nhưng cả 2 quá trình làm đường này đều góp phần làm tăng GDP” – TS Nguyễn Quang A phân tích.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng muốn tái cấu trúc nền kinh tế hiệu quả, trước tiên phải điều chỉnh lại tính chính xác của các chỉ số cơ bản. Đó là cơ sở quan trọng để tái cấu trúc nền kinh tế. Ngoài Tổng cục Thống kê, cần có một đơn vị độc lập thực hiện việc thống kê, trên cơ sở đó so sánh đối chiếu và có được số liệu chính xác nhất, thuyết phục nhất.
Phải chống bệnh thành tích
Theo các chuyên gia kinh tế, để có được số liệu thống kê chính xác, không có giải pháp nào khác hơn là làm thống kê một cách nghiêm túc, đúng phương pháp. Theo đó, cần kiểm tra lại phương pháp luận, danh mục tính các chỉ số; giảm thiểu hiện tượng tiền mặt trong giao dịch kinh tế; chuẩn hóa cách tính các số liệu ở trung ương cũng như các địa phương… Nếu cần thiết, có thể mời các tổ chức quốc tế có tính độc lập hỗ trợ Tổng cục Thống kê trong hoạt động này và phía Việt Nam phải bảo đảm làm việc với họ một cách minh bạch, nghiêm túc. Nhưng trên hết là phải chống bệnh thành tích.
Theo NLĐ
Bình luận (0)