Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Chỉ thích một lối vào đời cho con em?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ 17 đến 29-4, học sinh làm phiếu đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 công lập và nộp tại các trường THCS nơi đang học lớp 9.

Trước đó, nhiều trường đã mời phụ huynh đến để thông báo kế hoạch tuyển sinh và tư vấn đăng ký nguyện vọng. Theo đó, các trường đã thông tin, năm nay chỉ tiêu lớp 10 công lập toàn thành phố là hơn 63.000, trong khi số học sinh chuẩn bị vào lớp 10 khoảng 82.000 em, nghĩa là có gần 20.000 em sẽ rớt lớp 10 công lập. Đồng thời các trường cũng lưu ý tỉ lệ vào lớp 10 công lập năm nay khoảng 76-77% và chủ trương của Sở GD-ĐT là sẽ giảm dần đến 70% vào năm 2020 nhằm thực hiện phân luồng sau THCS. Bên cạnh đó, các trường THCS cũng cho biết số học sinh rớt lớp 10 công lập có nhiều cửa để lựa chọn như vào hệ GDTX, các trường THPT tư thục và trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, sau buổi tư vấn, rất nhiều  phụ huynh bày tỏ lo lắng về việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập sẽ “cạnh tranh” hơn. Hầu như phụ huynh nào cũng muốn cho con em mình học lên bậc THPT mà ít nghĩ đến việc chuyển sang học nghề.

Đây cũng là tâm lý chung của phụ huynh ở nhiều địa phương khác, thậm chí của cả nước. Do đặc điểm văn hóa, hầu hết các gia đình Việt Nam đều coi trọng học chữ hơn học nghề, coi trọng bằng cấp hơn thực học. Mặt khác, trước đây hoạt động dạy nghề chưa phát triển, chưa phổ biến nhiều như ngày nay nên tầm nhìn của các bậc phụ huynh cũng bị hạn chế, chỉ nghĩ học chữ là con đường tiến thân duy nhất. Nếu không làm thay đổi tâm lý cố hữu này thì chủ trương phân luồng sau THCS và THPT của Bộ GD-ĐT có nguy cơ phá sản.

Như chúng ta đã biết, trong một lớp học không phải mọi học sinh đều có năng lực, trình độ như nhau; năng khiếu và sở thích của mỗi em mỗi khác. Bởi vậy, việc học lên THPT có thể thuận lợi với em này nhưng là nỗi khổ sở của em kia. Phân luồng học sinh sau THCS là nhằm giải quyết vấn đề này, tạo ra nhiều lối vào đời hơn cho các em. 

Thực tế cũng có nhiều câu chuyện chứng minh cho chủ trương đúng đắn này. Người viết bài này có một người cháu, sau tốt nghiệp THCS bố mẹ bắt học lên THPT dù cháu không thích. Kết quả là ba năm THPT cháu chỉ đạt kết quả ở mức trung bình. Tuy vậy, bố mẹ lại thúc ép cháu học lên ĐH (tất nhiên là một ĐH tư chỉ xét học bạ) cho “bằng chị bằng anh”. Học đến năm thứ hai, chịu hết nổi nên cháu nghỉ, chuyển sang học nghề thiết kế đồ họa trên máy tính của một trường nghề. Đây là ngành cháu thích và kết quả là chỉ sau hơn một năm học giờ đã có việc làm, thu nhập ổn định. Tuy lỡ mất nhiều năm nhưng quyết định học nghề của cháu là đúng đắn.

Tiếc rằng, quan niệm “phải vào ĐH bằng mọi giá” vẫn còn khá phổ biến trong nhiều gia đình Việt Nam. Hệ quả là tình trạng thừa thầy thiếu thợ chưa có dấu hiệu giảm; hàng vạn kỹ sư, cử nhân ra trường vẫn còn thất nghiệp.

Phân luồng sau THCS và sau THPT là để giải quyết tình trạng này. Phân luồng sớm còn ngăn được tình trạng lãng phí và nâng cao hiệu quả đào tạo, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực đa dạng hơn đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Để tăng sức hấp dẫn của các trường nghề, hàng loạt chính sách mới có lợi cho người học đã ra đời trong những năm qua như miễn học phí, tốt nghiệp trung cấp nghề được công nhận tương đương tốt nghiệp THPT hệ bổ túc văn hóa, tuyển sinh nhiều đợt trong năm, dễ dàng học liên thông lên CĐ, ĐH…

Rõ ràng, các trường nghề đang chuyển mình, có sức hấp dẫn hơn. Tuy nhiên để đánh tan một quan niệm cố hữu đòi hỏi toàn ngành giáo dục phải nỗ lực và kiên trì hơn nữa.

Từ Nguyên Thạch

Bình luận (0)