Bất kỳ hoạt động nào cũng cần có bộ tiêu chí, mục đích và kết quả đạt được phải đong đếm được. Vì thế, hoạt động dạy và học cũng phải được đong đếm trên số liệu thực có, song không vì thế mà quên mất cảm nhận của người dạy và người học.
“Với những thành tích và cố gắng của ban giám hiệu, tập thể giáo viên và công nhân viên nhà trường, năm qua trường ta đã hoàn thành… kế hoạch, chỉ tiêu. Và tiếp nối kết quả đạt được, năm nay thay mặt nhà trường đưa ra kế hoạch, chỉ tiêu cho năm học mới như sau: Tỉ lệ lên lớp 100%, tỉ lệ học sinh giỏi và khá 74,12%…”, một phó hiệu trưởng trình bày tại cuộc họp hội đồng sư phạm đầu năm. Một loạt những yêu cầu với tỉ lệ % “không tưởng” được đưa ra xin ý kiến của tập thể.
Một giáo viên ngán ngẩm sau cuộc họp mà không dám công khai phát biểu trước hội đồng “lên lớp 100%!, sao không để giáo viên tìm cách cố gắng dạy, phối hợp với phụ huynh để giáo dục còn lên lớp được hay không là kết quả rèn luyện và cố gắng của học sinh chứ?”, một giáo viên khác chen vào giễu cợt “học sinh lên lớp được hay không là “phạm trù” của giáo viên, dứt khoát phải lên lớp hết”. Hệ lụy khôn lường là nâng điểm, dạy thêm, cho biết đề trước… mà ai ai cũng biết nhằm hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên, đẹp thành tích cho nhà trường, báo cáo lên cấp trên được nhận nhiều lời khen.
Hiện nay, bệnh thành tích đang gây quá nhiều áp lực cho giáo viên lẫn học sinh (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: N.Trinh |
“Chúng ta cố gắng để hoàn thành kế hoạch đề ra, luôn phấn đấu để đáp ứng quan điểm chỉ đạo từ cấp trên “năm sau cao hơn năm trước”, tinh thần là như vậy”, từ câu cửa miệng đã thành lời văn trong các văn bản của các cuộc họp tổng kết năm học và kế hoạch cho năm học mới. Cụm từ “năm sau cao hơn năm trước” luôn là nỗi ám ảnh “kinh hoàng” với giáo viên trực tiếp thực thi kế hoạch được giao. Có giáo viên lạc quan tếu: “Nếu cứ năm sau cao hơn năm trước rồi có lẽ chỉ ít năm mọi chỉ tiêu đều là 100%”.
Ý chủ quan từ cấp quản lý là một áp lực rất lớn đối với giáo viên, hệ quả cho nền giáo dục và xã hội nước nhà: Một thế hệ là nguồn nhân lực tương lai không thể lớn mạnh và vững chãi khi được “bảo kê” quá nhiều lúc trẻ, niềm tin vào kết quả thực học bị giảm sút, khả năng sáng tạo trong khoa học và khả năng làm chủ chính bản thân bị hạn chế…
Những chỉ tiêu, kế hoạch ở mức độ quá cao diễn ra khắp vùng miền, cả đô thị và nông thôn không chỉ riêng một trường nào (ở mức độ khác nhau) đã được báo động và điểm mặt chỉ tên là “bệnh thành tích trong giáo dục” từ nhiều năm trước nhưng chưa hề thuyên giảm. Bệnh này không hoàn toàn xuất phát từ đòi hỏi cao của xã hội, vì kỳ vọng của người dân đối với nhà trường muốn con cái trở nên giỏi giang là chính đáng.
Bệnh thành tích trở nặng có lẽ cũng xuất phát từ chính những người làm quản lý giáo dục, tự chạy theo thành tích ảo bằng các con số quá cao và gần như hoàn hảo. Bệnh thành tích trong giáo dục – vấn đề nội tại nằm chính nơi các cấp quản lý.
Y Hân
Bình luận (0)