Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chỉ tuyển sinh khi điều kiện học tập của SV được đảm bảo tốt nhất

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Mặc dù đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, các điều kiện dạy và học cũng hội đủ nhưng trường ĐH Tài chính- Ngân hàng Hà Nội lại tạm dừng tuyển sinh. Việc “bình chân như vại” này chắc hẳn có nhiều lý do. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi và trò chuyện với Ông Bùi Xuân Biên- Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH Tài chính- Ngân hàng Hà Nội.

PV: Năm trước, trong dịp trò chuyện trên một số phương tiện thông tin nhân việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà nội, Ông có dự kiến sẵn sàng tuyển sinh ngay trong năm học 2011 – 2012.Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các trường ĐH, CĐ đã hoàn tất công tác tuyển sinh mà chúng tôi chưa thấy nhà trường tuyển sinh, xin ông cho biết lý do?
Ông Bùi Xuân Biên: Đúng là sau khi Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà nội được thành lập, Bộ GD- ĐT cũng đã cho phép tuyển sinh. Xét trên cơ sở các quy định hiện hành, nhà trường đã có đầy đủ các điều kiện để xin chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2011-2012. Tuy vậy, xuất phát từ những kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo bậc đại học của một số nước trên thế giới và thực trạng của các cơ sở đào tạo trong nước đã và đang diễn ra, chúng tôi quyết định chưa thực hiện xin chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2011. Nguyên nhân được xác định là:
Thứ nhất, hầu hết các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ, sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép hoạt động là khẩn trương bắt tay ngay vào quảng bá, tuyên chuyền và xin chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh bằng nhiều hình thức.
Thứ hai, Khi có sinh viên hầu hết các cơ sở này đều nằm trong tình trạng vừa chuẩn bị thêm cơ sở vật chất, bổ sung bộ máy điều hành, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, vừa phải rà soát chương trình đào tạo và lên kế hoạch, bố trí giảng viên, vừa phải soạn thảo các thể chế pháp lý một cách hết sức khẩn trương…
Thứ ba, Những vấn đề bất ổn định trong quá trình hoạt động rất dễ gây mất uy tín đối với một cơ sở GD- ĐT mới được thành lập.
Để đảm bảo tính chắc chắn và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, tạo môi trường dạy và học tập thật lành mạnh, lấy chất lượng đào tạo làm hàng đầu (đúng theo tôn chỉ, mục đích nhà trường đã cam kết), chúng tôi tạm dừng xin chỉ tiêu tuyển sinh trong năm học 2011 – 2012 để tránh không làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động giáo dục và đào tạo, đầu tư và phát triển bền vững lâu dài của Nhà trường.
Ông Bùi Xuân Biên
Ông Bùi Xuân Biên
PV: Hiện nay nhà trường đã và đang thực hiện các giải pháp gì để tuyển sinh năm học 2012 – 2013 và các năm tiếp theo thưa ông?
Ông Bùi Xuân Biên: Hiện nay chúng tôi đã và đang thực hiện các giải pháp cơ bản  để chuẩn bị thật chắc chắn cho kỳ tuyển sinh năm học 2012 – 2013 và các năm tiếp theo như sau:
Thứ nhất, về Tổ chức bộ máy: Hội đồng quản trị, Sau khi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt quyết định thành lập trường, Hội dồng sáng lập chúng tôi đã tổ chức họp và lựa chọn bầu ra những người có đủ trình độ quản trị, quản lý, có tâm huyết và đạo đức trong sáng, có tầm chiến lược hoạch định những chính sách về quản trị trong lĩnh vực đào tạo đại học, tránh tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ… làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư và phát triển bền vững của Nhà trường.
 Ban giám hiệu, Hiệu trưởng là người đứng đầu nhà trường, được Hội đồng quản trị quyết định lựa chọn và trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt công nhận phải là người có tâm, có tầm, có trình độ quản lý, có trí tuệ thực sự, có kiến thức chuyên sâu, có đạo đức nghề nghiệp để lãnh đạo và điều hành các hoạt động của Nhà trường.
 Các chức danh phó hiệu trưởng, trưởng phòng, ban, chủ nhiệm khoa, giám đốc trung tâm, chuyên viên quản lý, giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng…Hội đồng quản trị cũng tiến hành sàng lọc và quyết định lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, có tâm huyết trong giáo dục đào tạo, có đạo đức nghề nghiệp… để điều hành hoạt động trong các đơn vị.
Thứ hai, về cơ sở vật chất: Chúng tôi đã kiểm tra, rà soát và mua sắm, bổ sung thêm các trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy cũng như học tập, bổ sung các trang thiết bị và tài liệu, sách, giáo trình, các phần mềm về quản trị cho các hoạt động đào tạo và trung tâm thông tin thư viện…
Đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, nhà đa năng, ký túc xá tại khu đất được các cấp có thẩm quyền phê duyệt tại xã Tiền Phong, huyện Mê linh, TP Hà Nội. Khi đưa vào sử dụng, nơi đây sẽ là trung tâm đào tạo hiện đại, khang trang với các phương tiện giảng dạy tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao.
Thư ba, về chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo toàn khóa theo hệ thống tín chỉ của Nhà trường gồm 4 ngành (Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, Quản trị kinh doanh và Kinh doanh thương mại), trong đó được chia ra làm 6 chuyên ngành học (Chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp, Chuyên ngành Ngân hàng, Chuyên ngành Kế toán Doanh nghiệp, Chuyên ngành Kiểm toán, Chuyên ngành quản trị kinh doanh, Chuyên ngành kinh doanh thương mại), đã được rà soát, hội thảo rất nhiều lần và Hội đồng khoa học nhà trường đánh giá rất cao về tính khoa học và thực tiễn, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước hiện nay.
Thứ tư, về các thể chế pháp lý: Nhà trường đã có rất nhiều cuộc hội thảo và tọa đàm để tạo ra được các thể chế pháp lý mang tính khoa học và phù hợp với thực tiễn, hài hòa về các mặt lợi ích…nhằm khắc phục những bất cập và các nguyên nhân còn tồn tại, đặc biệt liên quan đến chế độ chính sách của cả thầy và trò…
PV: Ông có suy nghĩ gì khi các thông tin đại chúng đánh giá về chất lượng đào tạo đại học trong những năm vừa qua?
Ông Bùi Xuân Biên: Theo tôi, chất lượng đào tạo đại học cũng giống như các vấn đề cấp bách khác trong xã hội- nó đều xuất phát từ con người, con người chúng ta có thể suy nghĩ và làm bất cứ những gì mình muốn trừ một số quy luật tự nhiên. Do vậy chúng tôi đã xác định: chất lượng trong đào tạo đại học là phải chuẩn hóa những con người đã và đang quản lý trong các cơ sở đào tạo, chuẩn hóa về nhận thức, trí tuệ, tư duy, nhân cách, văn hóa ứng sử, tạo ra môi trường đào tạo trong sạch, lành mạnh.
 Với xu thế toàn cầu hóa, kinh tế văn hóa xã hội phát triển, đã có một số những con người có vị trí quản lý, quản trị cao trong các cơ sở đào tạo tự đánh mất mình, tự xem nhẹ trí tuệ và nhân cách, nảy sinh nhiều tiêu cực trong học đường, cố tình bao biện và làm trái những quy định của Nhà nước. (Không có tiêu cực trong học đường, Học sinh, Sinh viên buộc phải trau dồi kiến thức và buộc phải học mới qua được các kỳ thi)
Tôi tin chắc rằng làm tốt và quyết liệt những vấn đề trên, chất lượng trong đào tạo đại học sẽ được cải thiện lên rất nhiều. 
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Theo Thanh An
(GD&TĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)