Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Chỉ với 1 thay đổi nhỏ, người Mỹ đã biến “giao lộ tử thần” thành cực an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

Với thiết kế mới này, tất cả các phương tiện sẽ đồng loạt dừng lại từ mọi hướng khi người đi bộ băng qua, tai nạn nghiêm trọng đã hoàn toàn được xóa sổ.
Ngã tư giữa hai con đường Hollywood Boulevard và Highland Avenue là một trong những giao lộ nổi tiếng nhất thế giới, nơi các ngôi sao sải bước trong lễ trao giải Oscars hàng năm có thể bạn từng thấy trên TV. Không may là khu vực luôn đông nghẹt khách du lịch này cũng 'nổi tiếng' với việc là một trong những nút giao nguy hiểm nhất cho người đi bộ tại Los Angeles (LA). Thế nhưng danh hiệu này đã biến mất kể từ 6 tháng trước với một thay đổi nhỏ trong thiết kế làn đi bộ.
Khoảng cuối năm ngoái, sau rất nhiều tin tức cảnh báo về các vụ tai nạn chết người của người đi bộ qua đây, đã có một số báo cáo điều tra về các khu vực nguy hiểm nhất để đi bộ tại LA.
"High Injury Network", bản đồ chỉ rõ các tuyến đường nguy hiểm nhất trong thành phố.
"High Injury Network", bản đồ chỉ rõ các tuyến đường nguy hiểm nhất trong thành phố.
Đứng đầu danh sách này chính là Hollywood Boulevard và Highland Avenue, hai con đường luôn nhộn nhịp người và xe, cũng là nơi các tài xế rất hay không để ý người qua lại xung quanh. Thêm vào đó, phần vỉa hè đôi khi đông đến mức người ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi tràn xuống lòng đường.
Vào tháng 11, Sở Giao thông LA (LADOT) đã thiết kế lại nút giao này bằng mộtkhu vực đi bộ chữ X mới (còn được gọi là Barnes Dance). Khu vực này được thiết kế để giảm thiểu các vụ va đụng giữa người đi bộ và các xe, đảm bảo sao cho các phương tiện có thể dừng lại đồng loạt ở tất cả các hướng trong khi người đi bộ sang đường.
Thiết kế cũ của giao lộ: Các xe muốn rẽ rất dễ đụng phải người đang sang đường ở làn định rẽ vào, đặc biệt nguy hiểm nếu lái xe bị khuất tầm nhìn.
Thiết kế cũ của giao lộ: Các xe muốn rẽ rất dễ đụng phải người đang sang đường ở làn định rẽ vào, đặc biệt nguy hiểm nếu lái xe bị khuất tầm nhìn.
Với thiết kế mới này, tất cả mọi người có thể đi bộ sang đường theo đường chéo thay vì phải chờ tới hai lượt đèn tín hiệu mới qua được phía bên đối diện. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời với những người luôn sợ sệt phải sang đường. Nhưng trên hết, thiết kế này giúp những người lái xe không vướng phải người đang sang đường khi muốn rẽ ngoặt, xóa sạch tình trạng tranh lượt giữa lái xe và người đi bộ, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến đụng xe.
Để có được sáng kiến này, LADOT đã sử dụng hướng tiếp cận dựa vào phân tích các dữ liệu sẵn có để giải quyết những khúc giao nguy hiểm, một phần trong sáng kiến Vision Zero theo nỗ lực giảm lượng tai nạn giao thông chết người về con số 0 trên toàn cầu.
LADOT đã hợp tác với Sở cảnh sát LA nhằm cung cấp liên tục các dữ liệu cập nhật về các vụ đụng xe để thiết lập một cổng dữ liệu mở cho cộng đồng. Từ năm 2009 đến 2013, số vụ đụng xe trung bình ở nút giao này là 13 vụ/năm. Nhưng kể từ khi được thiết kế lại, con số này đã giảm xuống chỉ còn 1 vụ/năm. Các dữ liệu cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2015, giao lộ này chứng kiến tổng cộng 19 vụ va đụng, trong đó có 13 vụ nạn nhân bị thương. Giảm được con số này xuống còn duy nhất 1 vụ không bị thương thực sự là một thành quả rất ấn tượng.
Giám đốc LADOT Seleta Reynolds chia sẻ: "Giảm lượng tai nạn giao thông là một chặng đường dài đòi hỏi rất nhiều quy trình trước khi chúng ta đến được với phương án hiệu quả. Tuy chúng tôi ăn mừng thành quả bước đầu nhưng những dữ liệu về giao thông vẫn luôn thay đổi liên tục. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu phân tích thêm các dữ liệu 5 năm trở lại đây để hoàn thiện mạng lưới Vision Zero High Injury Network của mình".
Thiết kế mới của giao lộ: Tất cả các phương tiện đồng loạt dừng lại từ mọi hướng khi người đi bộ băng qua, không còn tình trạng tranh lượt hay va đụng với người đi bộ.
Thiết kế mới của giao lộ: Tất cả các phương tiện đồng loạt dừng lại từ mọi hướng khi người đi bộ băng qua, không còn tình trạng tranh lượt hay va đụng với người đi bộ.
Như vậy, nếu mô hình này thành công lâu dài, tại sao những giao lộ khác lại không thể thiết kế theo hướng tương tự? Lý giải một chút thì giá cả cũng đóng một vai trò nhất định. LADOT ước tính chi phí chuyển đổi sang giao lộ mới rơi vào khoảng 100.000 USD. Thế nhưng ngoài chi phí chúng ta cũng cần cân nhắc những yếu tố khác như mục đích của từng giao lộ. Thiết kế chữ X như vậy sẽ là giải pháp hoàn hảo cho những nút giao đông đúc người và phương tiện qua lại. Thế nhưng với những nút giao không quá đông và ngân sách cũng không cho phép thì chính quyền địa phương có thể cân nhắc những giải pháp khác, chẳng hạn như vẽ lại vạch kẻ, hay đẩy rìa vỉa hè lên cao hơn. Thay đổi về đèn tín hiệu cũng có thể là một phương án hay.
Việc một thay đổi nhỏ trong thiết kế có thể tạo ra bước đột phá như vậy có thể là giải pháp tương lai cho các tuyến phố nhộn nhịp, tuy mới chỉ hiện diện chủ yếu ở Mỹ. Loại thiết kế này từng được thử nghiệm khá hiệu quả tại Tokyo hay London, thế nhưng vẫn vấp phải một số ý kiến cho rằng nó sẽ làm gia tăng ùn tắc giao thông. Hẳn là cách thiết kế này sẽ được tán thưởng hơn rất nhiều khoảng nửa thế kỷ trước, khi mà người ta còn chú trọng những người đi bộ hơn các phương tiện. Tại những thành phố lớn như New York, tỷ lệ người đi bộ gặp tai nạn chết người gia tăng đã dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh các thành phố phải thiết kế lại các giao lộ của mình.
LADOT cho rằng đường đi bộ chữ X này rất ưu việt nhưng có lẽ vẫn phải chờ nhiều năm nữa nó mới có thể trở thành chuẩn mực cho các đô thị. Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng nếu thiết kế này được thực hiện từ hai thập kỷ trước khi LADOT lần đầu đề xuất thì hẳn là bao nhiêu mạng sống đã được cứu rồi.
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)