Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Chia khó”cùng phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

“Quà cho bé” là món quà được cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (GVCN lớp 1/12, Trường TH Bình Trị 2, Q.Bình Tân) gửi đến toàn bộ 46 học sinh lớp 1/12 trước thềm năm học mới, mỗi phần quà bao gồm đồ dùng học tập, bánh kẹo, sữa và rau, củ quả.


Cô Huyền soạn rau của quả, bánh, sữa “chia khó” cùng phụ huynh vượt qua dịch bệnh

Riêng 12 học sinh nghèo, cận nghèo trong lớp, giáo viên này xây dựng thêm chương trình “hỗ trợ mùa dịch”, gửi đến phụ huynh bột giặt, SGK cũ, mì tôm, gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu, Các chương trình được cô Huyền “gói ghém” từ tình yêu thương dành cho học sinh, nhằm hỗ trợ, đồng hành, “chia khó” cùng phụ huynh, an tâm bước vào năm học mới.  

Xoa dịu khó khăn của phụ huynh trong đại dịch

Trước buổi họp phụ huynh trực tuyến đầu năm thống nhất về phương pháp giảng dạy, “quà cho bé” đã được cô Huyền trao đến tận tay từng phụ huynh học sinh.

Mỗi món quà gồm 1 bộ 6 phiếu hướng dẫn trẻ viết chữ với độ cao sẵn; 1 bộ học vần với các hình thù ngộ nghĩnh; tập được bao, dán nhãn sẵn; 1 cây bút chì; 1 bảng đen; phấn; nhãn tập in sẵn tên trường, lớp và tên từng học sinh; bánh, kẹo, sữa.

Chia sẻ về “quà cho bé”, cô Huyền cho biết, lớp 1/12 có 46 học sinh, đa phần phụ huynh đều là người lao động nghèo. Thống kê, nắm tình hình học sinh đầu năm học có tới 12 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; 6 học sinh gia đình là F0. Ngoài chiếc điện thoại hỗ trợ con học trực tuyến thì chỉ có 4 học sinh có sẵn bút chì, 7 học sinh có sẵn tập cho năm học mới.

“Hơn 20 năm làm giáo viên lớp Một nên nhà có sẵn bút, tập, phấn để gửi các em. Còn bảng, bánh kẹo, sữa là tôi xin từ phụ huynh cũ. Mất thêm vài ngày ngồi chấm sẵn gần 300 phiếu hướng dẫn trẻ tập viết và in các bộ học vần, dán nhãn. Mỗi món quà tuy nhỏ nhưng mang giá trị động viên tinh thần phụ huynh, học sinh rất lớn. Phụ huynh rất vui khi nhận quà, còn chụp hình các con cười tươi nhận quà gửi cô… ”, cô Huyền kể.

Với những học sinh gia đình là F0, cô Huyền xây dựng phương pháp kèm cặp riêng từng em theo hình thức 1 kèm 1, giúp trẻ làm quen cô, làm quen môi trường học và đặc biệt là an ủi trẻ khi ba mẹ bệnh. “Đây là lúc các em rất cần sự gần gũi từ giáo viên, mỗi lời động viên hay đơn giản chỉ là nụ cười của cô lúc này cũng giúp các em không còn sợ hay hụt hẫng. Khi phụ huynh an tâm với con, sức khoẻ cũng sẽ phục hồi nhanh hơn…”.

Sau chương trình “quà cho bé”, cô Huyền tiếp tục thực hiện chương trình “hỗ trợ mùa dịch”. Từ chương trình này, 12 phần quà đã được trao cho 12 phụ huynh học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo của lớp, mỗi phần quà có gạo, mì, rau củ quả, sữa, thậm chí cả bột giặt, trứng, kẹo, SGK cho học sinh.

Các món quà đều từ sự chung tay của bạn bè, phụ huynh học sinh cũ được cô Huyền kêu gọi, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn cho phụ huynh, giúp phụ huynh học sinh an tâm trong năm học mới.

“Năm học này thực sự quá nhiều âu lo. Khi nói chuyện với phụ huynh, những câu chuyện không phải là sự hào hứng tươi vui về một năm học mới như những năm học trước, mà đều là sự âu lo. Tôi nghe thấy cả tiếng thở dài của họ, có khi đó còn là tiếng khóc nghẹn lo cho con giữa ngổn ngang khó khăn của gia đình trong dịch bệnh…

Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng, cô ơi, nhà tôi còn đang lo cái ăn từng bữa, công ty nghỉ dịch, mất việc làm, không có thu nhập, tiền nợ ngân hàng, tiền nhà trọ còn đang không biết kiếm đâu để gửi, cuộc sống còn đang xáo trộn vì dịch thì làm gì có tâm trạng mà ngồi học trực tuyến với con… Nghe thương và xót học sinh vô cùng, chỉ ước có thể chạy đến, ôm các em vào lòng”, cô Huyền nghẹn ngào.

Trái ngược với những lo lắng của phụ huynh, cô Huyền cho hay, học sinh lại rất háo hức được học, được gặp bạn, gặp cô. Trong những video làm quen phụ huynh gửi, em nào cũng hồn nhiên, tươi vui, hớn hở. Mỗi món quà, dù không quá giá trị nhưng sẽ phần nào an ủi, xoa dịu những khó khăn của phụ huynh, để phụ huynh hiểu rằng, giáo viên sẽ luôn đồng hành cùng các em, sẽ không để một trẻ nào bị bỏ lại phía sau do dịch bệnh…

Cùng phụ huynh vượt qua khó khăn

“Mục tiêu những tuần đầu năm học chỉ nhằm hình thành và rèn cho trẻ khả năng giao tiếp, trao đổi với bạn, kỹ năng làm việc với cô, trả lời cô và thực hiện một số yêu cầu cơ bản. Ví dụ như dạy trẻ biết thưa khi trả lời với cô, giơ tay khi muốn phát biểu ý kiến, biết quan sát tranh…”.

Các kỹ năng này, theo cô Huyền, khi dạy trực tuyến không đòi hỏi quá nhiều, quá cao về thiết bị, đồ dùng dạy học ngoài điện thoại của ba mẹ. Tuy nhiên, để hình thành được cho trẻ thì lại đòi hỏi rất cao sự đồng hành, phối hợp của phụ huynh với giáo viên.

Trong khi đó, sĩ số 46 học sinh là thách thức, khó khăn lớn đối với giáo viên để tiếp cận từng phụ huynh, học sinh, hiểu được tâm tư, tình cảm, khó khăn, hoàn cảnh của từng gia đình.  

“Để dễ dàng trao đổi với phụ huynh, tôi chia lớp thành 5 nhóm. Sau đó, tôi trao đổi riêng với từng phụ huynh để nắm thêm những khó khăn. Phương án dạy học cũng sẽ được xây dựng linh hoạt theo nhóm, căn cứ trên hoàn cảnh của phụ huynh, để phụ huynh dễ dàng tiếp cận, hỗ trợ nhất…”, cô Huyền nói.

Hơn 20 năm làm giáo viên tiểu học, cô Huyền nhìn nhận, chưa bao giờ năm học mới lại nhiều thách thức như năm nay. Việc gặp gỡ phụ huynh, học sinh lớp 1 chỉ qua điện thoại, màn hình, nếu không có sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ lẫn nhau thì rất khó để đồng hành giáo dục trẻ. Những quan tâm, chia sẻ, xây dựng phương án hỗ trợ, gỡ từng nút thắt cho phụ huynh lúc này sẽ là những “liều vắc xin” tinh thần trao đến phụ huynh, để phụ huynh “mở” lòng ra với giáo viên.

“Khi phụ huynh đã mở lòng ra chính là lúc con đường thấu hiểu, đồng hành giữa giáo viên và phụ huynh dễ dàng hơn rất nhiều. Như vậy, không lo sẽ không vượt qua những khó khăn, rào cản trong năm học mới dù là nhiều thách thức…” cô Huyền tin tưởng.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)