Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển du lịch bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khai thác hợp lý các giá trị văn hóa đặc trưng, kết hợp với việc sử dụng nguồn lực hiệu quả chính là chìa khóa kiến tạo bản sắc du lịch độc đáo và phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường tự nhiên mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển du lịch bền vững: Bản sắc, nguồn lực – Kinh nghiệm quốc tế và kiến giải cho Việt Nam” do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức.
Khai thác sáng tạo
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương (Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho biết, bản sắc và nguồn lực là những yếu tố cốt lõi không chỉ góp phần tạo nên sự khác biệt và sức hấp dẫn cho các điểm đến mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo, tài nguyên thiên nhiên quý giá. Tuy nhiên, chúng ta cũng đối mặt với những thách thức lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc kiến tạo bản sắc du lịch đòi hỏi sự sáng tạo trong việc khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên đặc sắc của từng địa phương. Ngoài ra còn cần phải học hỏi những kinh nghiệm quốc tế, kết hợp với nghiên cứu kỹ lưỡng đặc thù của Việt Nam. Khi đó chúng ta mới cùng nhau xây dựng được các giải pháp thực tiễn, phù hợp với bối cảnh phát triển du lịch bền vững của đất nước. Điều đó còn giúp du lịch phát triển một cách hài hòa với cộng đồng và môi trường, định hình những giá trị bản sắc riêng biệt, tạo sức hấp dẫn lâu dài cho điểm đến du lịch Việt Nam.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng (Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ) cũng khẳng định, bản sắc và nguồn lực du lịch giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Đồng thời đóng góp vào sự thịnh vượng về kinh tế và xã hội của nhiều quốc gia. Sự phong phú và độc đáo của tài nguyên tự nhiên, văn hóa và công nghệ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, duy trì tính bền vững trong quá trình phát triển. “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển du lịch bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khai thác hợp lý các giá trị văn hóa đặc trưng, kết hợp với việc sử dụng nguồn lực hiệu quả, chính là chìa khóa kiến tạo bản sắc du lịch độc đáo và phát triển bền vững. Điều này vừa giúp bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường tự nhiên vừa cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tạo sức hấp dẫn cho du khách
Trong tham luận về vai trò của môi trường văn hóa đối với phát triển du lịch bền vững, PGS.TS Lâm Nhân (Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) khẳng định, phát triển du lịch bền vững là một chiến lược quan trọng trong việc tận dụng tài nguyên tự nhiên và văn hóa một cách bền vững. Đồng thời đảm bảo cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho du khách và tạo ra lợi ích kinh tế dài hạn cho cộng đồng địa phương. Để làm tốt công tác phát triển du lịch bền vững, cần chú ý đến bảo tồn và bảo vệ các công viên quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng nguyên sinh; bảo tồn và thúc đẩy các sáng tạo trên nền tảng bản sắc văn hóa địa phương. Thiết kế các sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng từ các tour thám hiểm thiên nhiên đến trải nghiệm văn hóa đặc trưng của cộng đồng địa phương… “Nhìn chung, phát triển du lịch bền vững không chỉ có việc kiểm soát và quản lý tài nguyên môi trường mà còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương, tôn trọng và khuyến khích nâng cao vai trò của văn hóa địa phương. Từ đó tạo ra lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương và bảo vệ sự toàn vẹn của điểm đến du lịch. Xây dựng môi trường văn hóa trong du lịch cần nhìn nhận cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa cần chú trọng đến người dân địa phương bởi chính họ mới là người quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển”, PGS.TS Lâm Nhân chia sẻ.
TS. Nguyễn Tấn Thanh (giảng viên Trường ĐH Trà Vinh) cho rằng, việc phát triển du lịch bền vững cần có sự tham gia đầy đủ của tất cả các chủ thể, sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ để đảm bảo sự tham gia và đồng thuận rộng rãi. Du lịch bền vững là quá trình liên tục và đòi hỏi phải giám sát liên tục các tác động, đưa ra các biện pháp phòng ngừa, điều chỉnh nếu cần thiết. Hơn nữa, du lịch bền vững còn phải duy trì mức độ hài lòng cao của du khách và đảm bảo du khách có được trải nghiệm ý nghĩa, nâng cao nhận thức về các vấn đề bền vững và thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững trong số đó.
Nhiều chuyên gia góp ý, muốn phát triển du lịch bền vững, chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu vì nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, công nghệ số giúp quản lý và phân phối tài nguyên hiệu quả hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương. Thông qua các ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến, du khách có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin, đặt chỗ và lên kế hoạch cho chuyến đi, nâng cao trải nghiệm của họ. Hơn nữa, các công cụ số như thực tế ảo và thực tế tăng cường mang lại trải nghiệm du lịch mới mẻ, giúp quảng bá và bảo tồn văn hóa, di sản. Chuyển đổi số cũng hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh mới, như kinh tế chia sẻ, tối ưu hóa nguồn lực sẵn có và tạo ra thu nhập cho người dân địa phương. Chuyển đổi số còn giúp nâng cao nhận thức của du khách về bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và đảm bảo lợi ích của du lịch được chia sẻ công bằng.
Hồ Trinh
Bình luận (0)