Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chia sẻ điều tích cực

Tạp Chí Giáo Dục

“Đà Nẵng cố lên. Xứ Quảng cố lên. Việt Nam chiến thắng!”, dòng chia sẻ của bạn tôi (một hot Facebooker) nhanh chóng thu hút nhiều lượt like và chia sẻ. Vài dòng thông tin không thể giải quyết hết tình hình dịch bệnh, nhưng nó giữ cho lòng người không xô lệch, hoang mang và người trẻ có cách truyền tải niềm tin để lan tỏa tới cộng đồng trạng thái tích cực nhất có thể.

Các nhóm bạn trẻ sẵn sàng tham gia tuyên truyền phòng dịch, như giai đoạn cách đây 3 tháng
Các nhóm bạn trẻ sẵn sàng tham gia tuyên truyền phòng dịch, như giai đoạn cách đây 3 tháng

Tìm lối đi trong tình huống khó
Đã có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở Đà Nẵng sau hơn 3 tháng. Mặc dù TPHCM chưa quá căng thẳng để đi đến những quyết định như giãn cách hay cách ly xã hội như thời gian trước, nhưng cũng đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Đọc thông tin trên báo, bạn tôi – Thu Trang (25 tuổi, chủ cửa hàng thời trang tại quận 5) gọi điện thoại chia sẻ: “Từ hôm dịch tới giờ, tôi duy trì luôn phần mềm quản lý và bán hàng online cho tiệm quần áo, để nhân viên tư vấn size qua livestream cho khách. Bây giờ, doanh thu online cũng không thua gì khách mua trực tiếp, nếu tình hình có căng thẳng như trước đây thì vẫn bán ổn định qua online, không phải loay hoay tìm cách xoay xở”.
Dù làm tại nhà hay ngồi quán cà phê, Thiện Toàn (24 tuổi, nhân viên kỹ thuật, ngụ quận Tân Bình) vẫn chủ động và thoải mái với công việc. Là nhân viên bộ phận bảo mật và xử lý phần mềm nội bộ khi có sự cố, không đòi hỏi có mặt thường xuyên, nhưng phải có mặt ở công ty khi cần, Toàn kể: “Mấy tháng trước, dịch bệnh căng thẳng, tổ làm việc của tôi chia nhau lịch trực ở công ty và làm việc online. Khi mọi thứ ổn, công ty hoạt động lại bình thường, các bộ phận khác đi làm như thường ngày, riêng tổ của tôi được sếp đồng ý duy trì cách làm này. Hiện tại, thông tin dịch bệnh căng thẳng, công ty cho phép một số bộ phận duy trì làm online và chia nhau lịch trực. Nếu tình hình dịch bệnh căng thẳng như trước đây, chúng tôi vẫn làm việc bình thường, không bị động”.
Là giáo viên dạy đàn piano kiêm yoga, công việc buộc phải hướng dẫn trực tiếp học viên, nhưng Nguyễn Thu Hoài (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) không hề lo lắng. Thu Hoài chia sẻ: “Tôi cũng mới đến lớp dạy lại hơn 2 tháng nay thôi, lúc dịch bệnh, tôi và các học viên đã quen với cách dạy và học online. Bây giờ, cảm thấy chủ động lắm, dù là dạy trực tiếp hay online. Nếu tình hình dịch bệnh có căng thẳng, tôi và các học viên vẫn duy trì được buổi học. Tôi cũng hay trò truyện với các học viên, dặn các bạn phải quen dần với cách học online và giữ bình tĩnh vì trước đây dù căng thẳng nhưng nước mình vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh đó thôi”.
Lan tỏa thông tin tốt
Thay vì điệp khúc “toang” khi phát hiện những ca nhiễm mới như trước đây, người trẻ khi tham gia vào mạng xã hội đã ý thức hơn trước việc chia sẻ thông tin. Kêu gọi mọi người duy trì thói quen đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, cập nhật thông tin chính thống về các ca bệnh… là những điều dễ thấy trên trang cá nhân của các bạn trẻ. Không chỉ riêng các bạn trẻ, nhiều tổ chức đoàn thể, hội nhóm cũng bắt đầu đăng tải thông tin chính thống về các ca nhiễm, chia sẻ lại cách rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách lên mạng xã hội, để tránh trường hợp nhiều người hoang mang bởi fake news (tin giả).
Công việc là food stylist và food blogger, Lê Thành Hưng (21 tuổi, ngụ quận 7) thường xuyên chia sẻ hình ảnh và video ẩm thực trên trang cá nhân mỗi ngày để tăng tương tác với người xem. Tuy nhiên, khi thông tin xuất hiện trở lại ca nhiễm trong cộng đồng, thường trực trên trang cá nhân của Hưng là những hình ảnh cổ động tinh thần chống dịch ở Đà Nẵng và kêu gọi mọi người nhớ đeo khẩu trang, rửa tay. “Tôi có học về thiết kế nên vẽ mấy hình ảnh cổ động này không khó, thông tin về dịch bệnh thì ai cũng sợ, dù sợ nhưng mình phải hiểu rõ cách phòng chống nó. Tôi chia sẻ những hình ảnh này lên mạng xã hội, hy vọng có thể gửi một vài thông tin tốt đến mọi người”, Hưng kể.
Dù lịch trình chuyến đi miền Trung không đến Đà Nẵng, nhưng Trần Thị Ngọc An (27 tuổi, nhân viên kiểm toán, ngụ quận 6) vẫn hủy vé và chấp nhận mất 20% số tiền đặt tour. “Trong thời điểm này, tôi nghĩ việc ở nhà sẽ tốt hơn đi du lịch, tôi chấp nhận mất tiền để đảm bảo an toàn cho chính mình và gia đình. Hiện tại, tôi và ông xã vẫn đến công ty làm việc  bình thường, nếu có tình huống phải giãn cách như trước đây, chúng tôi vẫn có thể làm việc trên phần mềm online và quản lý từ xa”.
Sau giờ làm, Đặng Anh Tài (25 tuổi, kỹ sư hóa vô cơ, ngụ quận 8) bắt đầu mua nguyên liệu và lọ đựng để làm nước rửa tay khô. “Vì tôi học chuyên ngành hóa học nên việc làm một lọ nước rửa tay khô đúng chuẩn không khó. Tôi làm để sẵn cho gia đình dùng và phát cho mọi người trong chung cư tôi ở nếu ai cần. Tôi nghĩ, lúc này điều quan trọng là không hoang mang hay lo lắng rồi tin mấy cái tin giả trên mạng, nên nhắc nhở người thân rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách là cách phòng chống an toàn”.
Với tâm thế sẵn sàng, bình tĩnh và chia sẻ, nhiều người trẻ đã chuẩn bị bước vào giai đoạn khó khăn sắp tới với tinh thần lạc quan.
KIM LOAN (theo SGGP)

Bình luận (0)