Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chia sẻ giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong trường học thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 24-12, tại Trung tâm Hội nghị 272, Hội thảo “Ứng dụng Khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng trường học thông minh” đã được diễn ra. Hội thảo do Báo Giáo Dục TP.HCM, Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Công ty Cổ phần giải pháp thiết bị Sao Mai.


Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Hồng Tây – Vụ phó, Phó trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM; ông Hồ Như Duyến – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam, Bộ GD-ĐT; ông Nguyễn Công Kỳ – Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam, Bộ GD-ĐT; ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM; ông Đặng Minh Sự – Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức; ông Lâm Văn Quản – Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, đồng Trưởng Ban tổ chức; ông Đào Ngọc Hoàng Giang – Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Sao Mai cùng đại diện trên 100 trường ĐH, CĐ, TC, phổ thông trên địa bàn TP.HCM.


Ông Đào Ngọc Hoàng Giang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị Sao Mai chia sẻ tham luận tại hôi thảo

Hội thảo là cơ hội để các đơn vị giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm và giải đáp các giải pháp công nghệ phù hợp với mô hình, điều kiện của đơn vị mình thông qua, từ đó xây dựng phòng học thông minh, trường học thông minh hướng tới xây dựng TP thông minh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức cho hay, trong nền giáo dục thông minh thì nguồn lực con người mới là nguồn lực chủ yếu cho sự phát triển kinh tế xã hội thay vì nguồn lực tài chính hay nhân công rẻ, kém chất lượng. Lớp học số hoá, các thiết bị thông minh, thiết bị không dây và đa phương tiện kỹ thuật số ảo được phát triển mạnh, khoá học trên thiết bị di động và thiết bị trò chơi học tập là những công nghệ được hình thành trong kỷ nguyên số, làm cho giáo dục phải thay đổi để phù hợp và tiệm cận với xu thế phát triển của công nghệ. “Công nghệ giáo dục thay đổi thì những xu hướng học tập trong nền giáo dục thông minh cũng phải thay đổi, một số xu hướng giáo dục sẽ hình thành như xã hội học tập, chia nhỏ bài học, tài nguyên giáo dục mớ và thiết bị học tập cá nhân sẽ xuất hiện”.


Đông đảo các đại biểu tham dự hội thảo

Theo ông Tú, giáo dục thông minh đòi hỏi giáo viên phải sử dụng thành thạo bảng tương tác, thiết kế và thường xuyên áp dụng bài giảng e-learning trong dạy học, khai thác và đóng góp cho kho dữ liệu dạy học mở, ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học… Giáo dục thông minh sẽ hình thành cho học sinh kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, làm việc nhóm. “Hội thảo sẽ một lần nữa giúp chúng ta nhìn nhận lại, tiến tới đáp ứng xu thế CMCN 4.0, thực hiện tốt mục tiêu của Đề án giáo dục thông minh, Đề án xây dựng TP thông minh giai đoạn 2017-2025 và Đề án chuyển đổi số tại TP.HCM của Thành uỷ, UBND TP.HCM, thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020-2030, Chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030”, ông Tú khẳng định.

Nhấn mạnh tại hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Tây đánh giá, trước yêu cầu cần đổi mới thích nghi với cuộc CMCN 4.0, trong bối cảnh dịch Covid-19, các nhà trường đang đẩy mạnh các hoat động của trường bằng cách đưa ứng dụng CNTT vào giảng dạy, kết nối, chuyển đổi số trong đào tạo, xây dựng trường học thông minh. Với GDNN, việc đa dạng hoá gắn với doanh nghiệp, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức đào tạo gắn với mô hình giáo dục mở, gắn với thị trường lao động đang là yêu cầu hết sức cấp thiết và cấp bách. Hội thảo với những giải pháp thiết thực sẽ giúp nhà trường có cách nhìn tổng quan, hỗ trợ chuẩn bị nguồn lực giáo viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất.


Thành phần Ban chủ tọa trong hội thảo

Xuyên suốt chương trình, với các bài tham luận đến từ các chuyên gia giáo dục, các nhà cung cấp, hội thảo đã tập trung thảo luận làm rõ các giải pháp trong xây dựng trường học thông minh, tháo gỡ những khó khăn của các đơn vị GDNN khi xây dựng trường học thông minh.

Là đơn vị công nghệ chuyên sâu phát triển nền tảng giáo dục thông minh, ông Đào Ngọc Hoàng Giang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị Sao Mai nhìn nhận,  trường học thông minh là trung tâm của mọi hoạt động nhà trường, đưa hoạt động nhà trường trở nên tốt hơn, tăng tính liên kết, quản lý được nguồn cơ sở dữ liệu hiệu quả. Xây dựng trường học thông minh cần qua 4 bước: xây dựng được nền tảng hạ tảng CNTT, hoàn thiện hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu; xây dựng thư viện thông minh; hệ thống đào tạo trực tuyến; nâng cấp và xây dựng các phòng học thông minh hiện đại để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. “Một trong những giải pháp xây dựng trường học thông minh bắt nguồn từ xây dựng thư viện thông minh bởi thư viện chính là trái tim, nền tảng cốt lõi, phuc vụ mọi hoạt động giảng dạy nghiên cứu, tự học, xây dưng hệ thống đào tạo trực tuyến phục vụ việc giangr dạy mọi lúc mọi nơi. Với thư viện thông minh, hoạt động nhà trường sẽ trở nên linh hoạt hơn, thầy cô không cần đến lớp mà vẫn chia sẻ được tri thức đến người học”.


Ban tổ chức tặng hoa cho các đại biểu trong hội thảo

Ngoài thư viện thông minh, ông Giang cho hay, phòng học thông minh cũng sẽ là bước khởi đầu, là thành tố để xây dựng trường học thông minh với điểm danh nhận dạng bằng khuôn mặt, đanh giá cảm xúc của người học mà không cần phải dự giờ qua hệ thống camera trí tuệ nhân tạo.

Đặt ra câu hỏi rằng trước những giải pháp thông minh thì con người sẽ sử dụng như thế nào, TS. Nguyễn Thanh Tùng – Viện trưởng Viện quản trị tri thức, Sở KH&CN TP.HCM cho rằng, trước hết phải đổi mới phương pháp dạy nghề thông minh để có thể tương thích với các giải pháp thông minh. Bằng cách thay đổi tư duy của người dạy, đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ những điều nhỏ nhất như ứng dụng MXH (FB), nền tảng công nghệ số vào trong việc giảng dạy.

Trong hội thảo, đại diện các đơn vị giáo dục cũng đã được lắng nghe những chia sẻ về các giải pháp phần mềm quản trị trường học, giải pháp hạ tầng CNTT từ các đơn vị công nghệ số như Công ty TNHH Tiến bộ Sài Gòn, ASUS…

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)