Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chia sẻ hành động dũng cảm của hiệp sĩ đường phố

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Câu chuyện nhóm 'hiệp sĩ đường phố' ở TP.HCM trấn áp tội phạm cướp giật và bị tấn công dẫn đến thương vong đã được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội suốt 2 ngày qua.
Nhiều cơ quan, đơn vị thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình các hiệp sĩ bị nạn	 /// An Huy
 

Nhiều cơ quan, đơn vị thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình các hiệp sĩ bị nạn. AN HUY
Với nhiều người, đó là câu chuyện đẹp vì các hiệp sĩ đã dũng cảm sống vì cộng đồng, mong đem lại bình yên cho cuộc sống. Có lẽ vì thế mà trên mạng xã hội, rất nhiều thành viên, đặc biệt là các fanpage Săn bắt cướp đã cùng nhau để ảnh đại diện màu đen, như là cách để tiễn biệt và thể hiện sự tri ân với những hiệp sĩ không may mắn.
Cùng chung tay quyên góp, giúp đỡ
Trương Trần Thu, sinh viên (SV) Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Sau khi đọc thông tin về vụ nhóm hiệp sĩ bị tấn công thương vong nặng nề, mình vô cùng buồn. Những hiệp sĩ chỉ vì mong muốn giúp cuộc sống bình yên hơn đã phải đánh đổi tính mạng. Thật thương xót”.
Rất nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ nỗi đau mất mát của các nạn nhân vì làm chuyện nghĩa hiệp nhưng phải nhận lại kết cục buồn.
“Mong mọi người cùng chung tay quyên góp để giúp đỡ gia đình các nạn nhân. Vì được biết các anh có hoàn cảnh khó khăn”, Trương Tuấn Khởi, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đăng tải lên trang cá nhân Facebook để kêu gọi bạn bè.
Nhiều đội săn bắt cướp ở nhiều tỉnh thành cũng đang kêu gọi mọi người quyên góp tiền để hỗ trợ gia đình các hiệp sĩ tử vong và bị thương vào đêm 13.5.
Tuấn Khởi cho biết suốt từ đêm 13.5 đã liên tục tìm kiếm và đọc rồi được biết trên cả nước có vô số đội, nhóm, CLB săn bắt cướp được lập ra để nhận diện và truy bắt tội phạm. “Điều này khiến mình thật sự xúc động. Bởi trong cuộc sống hiện đại, dường như mọi người chỉ biết chăm chút cho bản thân, thì vẫn có những người sống vì cộng đồng, không quản ngại khó khăn nguy hiểm, lặng lẽ hành động nghĩa hiệp để đem lại bình yên cho cuộc sống”, Khởi tâm sự.
"Mình từng được nghe nhiều anh em hiệp sĩ chia sẻ rằng cái nghiệp săn bắt cướp dường như đã ăn sâu vào máu, không thể dừng lại được. Họ chấp nhận đánh đổi cả tính mạng để dấn thân vào nghiệp này. Nghe mà khâm phục lắm”, Hoàng Văn Quý, SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng, xúc động nói.
Để “hiệp sĩ” an toàn hơn
Nhưng cũng từ câu chuyện đau lòng này đã khiến nhiều người trẻ trăn trở.
“Mình cảm thấy chông chênh giữa lằn ranh nên hay không nên tình nguyện làm “hiệp sĩ”. Thấy chuyện bất bình thật sự khó chịu, nhưng nếu truy đuổi những kẻ cướp giật có thể phải đối diện với hiểm nguy. “Hiệp sĩ” chưa có kỹ năng, chưa có chính sách phù hợp. Không may tử nạn, ai lo cho gia đình họ?”, Nguyễn Việt Phú, SV Trường ĐH Phan Thiết, suy ngẫm.
Hiện nay có khá nhiều đội, nhóm, CLB săn bắt cướp được thành lập, xuất phát từ những người có chung mong muốn “không cho cướp có đất sống”. Nhưng sau khi nhóm hiệp sĩ đường phố ở TP.HCM bị tấn công dẫn đến thương vong đã khiến nhiều người lo lắng sẽ có những hiệp sĩ bị gia đình can ngăn, hoặc sẽ có những hiệp sĩ chùn bước và bỏ “nghề”. Khi đó, sự thờ ơ, vô cảm sẽ trầm trọng hơn. Chẳng ai còn dám can thiệp vào bất cứ sự vụ ngang trái nào nữa.
Với hy vọng có thể đảm bảo tính mạng cho các hiệp sĩ cũng như lòng tốt, sống đẹp vì cộng đồng được tồn tại và lan tỏa, Trần Anh Tuấn, SV Trường ĐH Đồng Nai, đề xuất: “Cần có những chính sách bảo vệ cụ thể hơn đối với những người hùng nghĩa hiệp săn bắt cướp. Để họ có thể an tâm hơn khi theo đuổi công việc không công nhưng đầy nguy hiểm này”.
Lê Anh Thoa, SV Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, nói: “Sự nguy hiểm trong công việc của những hiệp sĩ ai cũng biết, mà sự ra đi của 2 hiệp sĩ ở TP.HCM là minh chứng rõ nét nhất. Tính mạng mất đi thì không điều gì có thể bù đắp lại được. Vậy thì hơn bao giờ hết, để các hiệp sĩ an toàn hơn, giúp ích cho xã hội nhiều hơn, cần phải đào tạo quy củ, tập huấn bài bản cho những người có mong muốn bắt cướp, cho phép họ được trang bị đầy đủ dụng cụ để trấn áp tội phạm”.
Anh Lâm Hiếu Long, Đội trưởng Đội săn bắt cướp TP.HCM, chia sẻ: “Qua vụ việc này, tôi hy vọng những hiệp sĩ trên cả nước cần nâng cao nghiệp vụ, tay nghề. Bên cạnh đó phải cẩn thận cao độ. Phải mưu trí hơn. Và phải đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng với đồng đội khi săn bắt cướp để tránh những hậu quả đáng tiếc”.
Một thành viên Đội săn bắt cướp Biên Hòa (Đồng Nai) cũng mong được chính quyền địa phương chia sẻ, ủng hộ, hỗ trợ nhiều hơn để cùng các đồng đội an tâm truy bắt cướp, giúp cuộc sống bình yên.
Còn Đỗ Đức Mạnh, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhắn nhủ: “Mọi người nên cẩn trọng hơn khi ra đường để tránh bị cướp giật. Đó là cách không chỉ bảo vệ cho bản thân mình mà tránh được những tai nạn cho các hiệp sĩ đường phố”.
Truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Nguyễn Hoàng Nam
Tặng bằng khen của T.Ư Đoàn cho các hiệp sĩ
Sau vụ các hiệp sĩ bắt cướp bị đâm chết và trọng thương tại TP.HCM vào đêm 13.5, T.Ư Đoàn quyết định truy tặng anh Nguyễn Hoàng Nam huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, tặng bằng khen của T.Ư Đoàn cho các anh Nguyễn Văn Thôi, Trần Văn Hoàng, Nguyễn Đức Huy và Đinh Phú Quý để tuyên dương thanh niên có hành động dũng cảm, lập công xuất sắc trong bảo vệ an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội, dũng cảm bảo vệ, cứu tài sản của nhân dân.
Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn – Thường trực T.Ư Hội LHTN VN đã trao đổi với Ban Công tác bạn đọc Báo Thanh Niên có hình thức thăm hỏi, động viên các hiệp sĩ và gia đình từ nguồn đóng góp ủng hộ công tác xã hội của bạn đọc báo.
Thanh Nam

Xuân Phương/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)