Sự kiện giáo dụcTin tức

Chia sẻ nỗi đau cùng khúc ruột miền Trung

Tạp Chí Giáo Dục

Cơn bão số 9 có tên quốc tế Ketsana chà xát dãy đất miền Trung và một số tỉnh Tây Nguyên gây thiệt hại nặng nề nhất trong 10 năm qua. Mấy ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin bài, hình ảnh về bão lũ, về những thiệt hại nặng nề của bão dữ hoành hành đồng bào. Số người chết và mất tích liên tục tăng từng giờ, lên đến con số hàng trăm, có cả những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ cứu người cũng bị lũ dữ cuốn trôi, ra đi mãi mãi; có những thầy cô giáo trên đường đến lớp bị cây gãy đè đến mức tử vong, có em học sinh chưa kịp về đến nhà đã bỏ mình ở dòng nước lũ. Mất mát ấy không có gì bù đắp nổi, nỗi đau ấy không chỉ riêng của gia đình mỗi nạn nhân… Số nhà cửa tan nát, sập đổ hoàn toàn, hoa màu, nông sản, vật nuôi, cây trồng, tài sản gầy dựng cả đời của hàng chục triệu gia đình phút chốc bị bão lũ cuốn trôi. Nhìn hình ảnh các cụ già rưng rưng nước mắt ăn tạm gói mì khô ai cũng nghẹn lòng! Nhìn các em học sinh ở huyện đảo Lý Sơn nhặt từng trang sách sót lại rách tả tơi sau bão lũ để chuẩn bị cho việc trở lại trường trong cái cảnh nhà sập, người thân bị thương, phương tiện làm ăn của dân biển bị sóng nhấn chìm mà não ruột! Mới đó mà mấy chục triệu người khốn đốn, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất! Khúc ruột miền Trung một lần nữa chịu nỗi đau thương mất mát quá lớn!
Tại các trường học, không cần có văn bản chỉ đạo của ngành giáo dục, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đội TNTP Hồ Chí Minh đã triển khai ngay việc vận động hỗ trợ các bạn học sinh vùng bão lũ. Các em sinh viên học sinh hưởng ứng với tinh thần biết chia sẻ vì bạn bè, tiết kiệm phần ăn sáng của mình góp tay xoa dịu nỗi đau. Có bạn trẻ đập cả con heo đất tích góp bấy lâu nay mang đến tòa soạn báo để tặng các bạn học sinh nghèo đang cần sự sẻ chia để được đến trường sau cơn bão. Có chú xích lô sau một ngày mệt lã mồ hôi kiếm vài chục ngàn khiêm tốn đã ghé qua nơi thu nhận cứu trợ nộp ít tiền gửi tặng bà con vùng quê bị tàn phá bởi thiên tai… Đó là biểu hiện rất cụ thể và đậm tình nghĩa đồng bào theo cái nghĩa “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”! Nỗi đau thương, mất mát với đồng bào vùng lũ là quá lớn! Sự sẻ chia của mỗi chúng ta sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau, tạo thêm niềm tin, chỗ dựa để bà con vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và bắt tay làm lại từ đầu sau khi bão lũ đi qua!
NGUYỄN VĂN CẢI
(GV Trường THPT Quang Trung, Củ Chi, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)