Có thể kể đến như: pháp luật, nhân đạo, từ thiện, giao thông, môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, sức khỏe, giới tính, hướng nghiệp v.v. Hoạt động nào cũng liên quan đến việc giáo dục phát triển nhân cách toàn diện đối với học sinh.
Bất cứ một Hiệu trưởng nào cũng muốn cho nhà trường mình có thành tích. Mà muốn đạt được thành tích, tất nhiên phải tổ chức các hoạt động và các phong trào thi đua có hiệu quả.
Bất kỳ một hoạt động nào cũng cần có người chủ trì, mà cốt lõi để mang lại hiệu quả cao là cần có người có kiến thức, có năng khiếu về lĩnh vực đó.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, người Hiệu trưởng dù có tài năng đến mấy cũng không thể việc nào cũng giỏi, việc nào cũng biết. Do vậy, cái cần để tất cả mọi việc đều được thực hiện, mấu chốt là biết phát huy tiềm năng ở trong tập thể sư phạm.
Nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV), họ rất muốn được thể hiện năng lực, rất muốn có những đóng góp thật sự cho sự phát triển của nhà trường. Do vậy, họ cần có cơ hội để thực hiện ý chí và nguyện vọng của mình. (Tất nhiên vẫn có những người thờ ơ, cá nhân chủ nghĩa).
Tạo cơ hội, chia sẻ quyền lực cho những người có tâm huyết không chỉ là một thái độ ứng xử khôn khéo mà còn là một biện pháp quản lý cần thiết của người Hiệu trưởng để tạo động lực mạnh hơn trong việc hướng đến mục tiêu chung.
Từ thực tế và kinh nghiệm cho thấy, nếu Thủ trưởng đơn vị mang tư tưởng chuyên quyền, phương pháp quản lý bao biện thì sẽ dẫn đến sự kìm hãm vai trò dân chủ trong cơ quan, đồng thời sẽ làm hạn chế sự phát triển của đơn vị.
Ngược lại, nếu Thủ trưởng buông lỏng quản lý, không thiết lập và duy trì trật tự tổ chức thì ắt hẵn sẽ dẫn đến tình trạng "mạnh ai nấy được", đoàn kết cơ quan sẽ không được củng cố, siết chặt. Cả hai xu hướng này người quản lý cần phải nhận ra để gở bỏ.
Trong mối quan hệ quản lý: chủ thể và khách thể; lãnh đạo và thừa hành, người Hiệu trưởng có quyền lực rất lớn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng quyền lực và uy lực quản lý hoàn toàn không đồng nghĩa với nhau.
Điều này có thể cắt nghĩa được rằng, mỗi khi tôi chia sẻ quyền lực cho ai đó nhằm để cho người đó thực hiện ý chí của mình mà thực hiện đạt hiệu quả cao thì có nghĩa là uy lực của mình càng lớn.
Như vậy, thiết nghĩ, người Hiệu trưởng nhà trường cần mạnh dạn chia sẻ quyền lực không chỉ đối với cấp dưới của mình là phó Hiệu trưởng, các tổ trưởng, mà đối với tất cả thành viên trong nhà trường. Có thể coi đây là cách để thực hiện việc đổi mới phương pháp quản lý giáo dục.
Cách tốt nhất có thể hướng đến là tăng cường quản lý công việc hơn là quản lý con người. Mỗi khi đã chú trọng vào việc quản lý công việc thì ắt sẽ thúc đẩy mỗi thành viên làm việc mới tự chủ, sáng tạo và mang lại hiệu quả thực sự, còn quản lý con người thì họ sẽ làm việc chỉ với mục đích đối phó.
Ngoài việc chia sẻ quyền lực cho các Phó Hiệu trưởng thì các Tổ trưởng chuyên môn là những người cần nghĩ đến đầu tiên trong việc chia sẻ quyền lực.
Quản lý công việc đối với Tổ trưởng chuyên môn trước hết là làm sao cho Tổ trưởng bộ môn cũng thực hiện công tác quản lý tổ với đầy đủ các chức năng quản lý (Phân công giảng dạy, kiểm tra giáo án, dự giờ, đánh giá xếp loại, đề xuất khen thưởng…); Tổ trưởng chủ động đề xuất với Hiệu trưởng những nội dung, giải pháp, biện pháp tổ chức giáo dục, dạy học…
Vai trò, chức năng quản lý của các Tổ trưởng được phát huy nhiều hơn, công việc của Tổ trưởng đáp ứng với mục tiêu của nhà trường ngày càng tốt hơn thì có nghĩa là sự phân quyền có hiệu quả và, tất nhiên người Hiệu trưởng đã giảm được nhiều thời gian hướng dẫn mang tính chất hành chính không đáng có.
Phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực cá nhân. Người Hiệu trưởng cần để tâm nhiều hơn trong việc phát hiện năng lực, năng khiếu, động cơ của CBGVNV. Mỗi người có những tố chất nổi trội, nếu tố chất đó có cơ hội được bộc lộ, thể nghiệm thì công việc mà họ đảm nhiệm sẽ đạt hiệu quả cao.
Hai xu hướng hạn chế của người quản lý thường gặp: một là, chưa lưu tâm để phát hiện; hai là chưa tin tưởng để giao việc. Và, đây cũng là nguyên nhân sâu xa của căn bệnh chuyên quyền, bao biện trong quản lý.
Như ban đầu tôi đã trình bày, trong trường học có rất nhiều hoạt động, nếu như biết chia sẻ, mạnh dạn giao từng việc cho mỗi giáo viên, chắc chắn họ sẽ làm được, có thể lần đầu làm chưa tốt, nhưng lần sau sẽ tốt hơn. Đây là cơ sở làm thước đo đánh giá đội ngũ trong công tác quản lý giáo dục bằng công việc.
Điều cần lưu ý là, sự phân công lao động trong tập thể phải thực sự hợp lý, công bằng. Trước khi giao việc phải nghĩ đến sự tương quan trong tập thể đồng thời phải nghĩ đến sự đãi ngộ trong tương lai.
Mấy nguyên tắc có thể vận dụng trong việc phân công lao động và chia sẻ quyền lực trong quản lý:
1. Xây dựng các quy chuẩn được tập thể sư phạm đồng thuận, thống nhất và thực hiện nghiêm túc.
2. Chú trọng và tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học (Phương pháp dạy học bao gồm phương pháp giảng dạy (của giáo viên) và phương pháp học tập (của học sinh).
3. Xây dựng cơ chế thi đua khen thưởng hợp lý (Công khai tiêu chuẩn, các hình thức thưởng, mức thưởng), tạo động lực để CBGVNV hăng hái, nhiệt tình nhận việc và làm việc có hiệu quả.
4. Có kế hoạch bồi dưỡng công tác quản lý cho cán bộ chủ chốt của đơn vị.
5. Chỉ đạo bằng văn bản, thông tin, thông báo, hạn chế tổ chức các cuộc họp mang tính hành chính, sự vụ; tăng cường sinh hoạt Tổ bằng việc trao đổi, chia sẻ chuyên môn.
6. Phát huy vai trò cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của nhà trường, gắn với việc phân công lao động sư phạm.
Những nội dung mà tôi đề cập trên đây như là một đề xuất để các đồng chí quản lý giáo dục có thể tham khảo, vận dụng. Quản lý giáo dục là một lĩnh vực khó khăn và phức tạp.
Tuy thế, chúng ta phải có quyết tâm cao để luôn đổi mới trong quản lý giáo dục. Thiết nghĩ, sự linh hoạt trong biện pháp quản lý vừa sẽ có những thách thức nhưng, cũng tạo được nhiều cơ hội để có sự chọn lựa vận dụng hợp lý mang đến hiệu quả cao nhất.
Làm quản lý thì ai cũng cần nhận được sự hợp tác, đồng thuận củanhiều người. Ý nguyện này muốn đạt được, có lẽ trước hết cũng cần có thái độ cầu thị và tin tưởng được nhiều người để có ý chí chia sẻ quyền lực cho nhiều người.
Mỗi khi nhĩa vụ và quyền lợi của cá nhân hài hòa, thống nhất thì trách nhiệm, tình cảm và ý chí của họ cũng sẽ thống nhất. Trong tập thể bao giờ cũng có sự ảnh hưởng lan tỏa và, vô hình trung đã tạo nên sự đồng hành tích cực.
Ngô Viết Đức- Phòng TCCB – Sở GD&ĐT Quảng Trị/GD&TĐ
Bình luận (0)