Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chia sẻ “rắc rối” của HS

Tạp Chí Giáo Dục

Vì thiếu hiểu biết về giới tính mà không ít học sinh đã rút ngắn cơ hội học tập (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi
Hiện nay, xã hội đang gióng lên những hồi chuông báo động khi phải đau lòng chứng kiến nhiều câu chuyện buồn từ lối sống sai lầm của giới trẻ nhất là trẻ vị thành niên.
Một thực tế đáng buồn
Trẻ vị thành niên chưa thực sự trưởng thành trong nhận thức, chính vì thế, những cái xấu dễ dàng “tấn công” và được các em “hấp thụ” nhanh hơn.
Ở giai đoạn này, tâm sinh lý trẻ đã phát triển, cơ thể đã hoàn thiện các chức năng cơ bản, bắt đầu có “nhu cầu”, trong khi đó, sự hiểu biết, nhận thức, vốn sống của các em chưa hoàn toàn trưởng thành. Trong khi đó, ngày nay, trẻ vị thành niên có điều kiện tiếp xúc rất sớm với thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng và nhiều nguồn thông tin khác. Vì thế, dù người lớn có muốn hay không muốn thì các em cũng đã được cung cấp một số kiến thức nhất định về giới tính và sức khỏe sinh sản, tuy nhiên các em chưa đủ kinh nghiệm sống, cộng với tâm lý tò mò và lo sợ, không có sự hướng dẫn, chỉ bảo đầy đủ của gia đình, người thân nên dẫn đến những kết quả không mong muốn.
Tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên hiện nay đang ở mức báo động, tăng theo chiều dựng đứng. Theo tổng hợp của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai; trong đó, số ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 20% và hầu hết họ chưa lập gia đình. Tỉ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam (điều tra năm 2011) là 46/1.000, tỉ lệ này cao hơn so với nhiều nước ở châu Á.
Trăn trở trước những “rắc rối” của học sinh
Như một tính cách đã ăn sâu trong nếp nghĩ Á Đông, những vấn đề liên quan đến sức khỏe giới tính được xem là điều thầm kín, mà đã gọi là thầm kín thì thật khó để bộc bạch.
Tôi dạy khối THCS, có một năm dạy lớp 6, đã chứng kiến cảnh cô học trò phải ngồi bất động trong giờ ra chơi, mặt mày tái xanh vì hoảng sợ khi có kinh lần đầu. Rồi một năm dạy lớp 9, tôi nhìn thấy em học sinh nữ ngồi mếu máo vì thấy máu trong người cứ chảy ra thành vũng dưới nền phòng học. Là một giáo viên từng làm công tác chủ nhiệm, tôi nhiều lần được học trò đưa những bức thư tình mà các em lấy được của các bạn cùng lớp. Những rung động đầu đời không “hời hợt” ở ánh nhìn trìu mến, ở việc giúp nhau cùng học tập và rèn luyện tốt mà là những lời yêu đương mùi mẫn… Cách đây mấy năm, tôi có cô học trò lớp 8, đang học thì có thai và phải thôi học để làm mẹ.
Vậy đấy, vì sự thiếu hiểu biết mà các em học sinh đã rút ngắn cơ hội học hành, không thể làm chủ được số phận, tương lai bản thân.
Không chỉ riêng tôi mà nhiều đồng nghiệp khác đều thấy sự cần thiết của việc đưa kiến thức giới tính, sinh sản vào trường học. Chúng tôi luôn mong muốn có những sân chơi liên quan đến kiến thức sức khỏe sinh sản để các em có cơ hội thắc mắc những “rắc rối” về giới, về những thay đổi trên cơ thể, về tình dục…
Chiến dịch cùng chia sẻ
Tham dự tiết hoạt động ngoại khóa của “Chiến dịch cùng chia sẻ” do Bộ GD-ĐT tổ chức, tôi thật vui mừng khi những trăn trở bấy lâu trước thực tế “rắc rối” về giới, về sức khỏe sinh sản của học sinh đã được giải tỏa.
Những kiến thức về sự khác biệt của giới, về sức khỏe sinh sản được công khai giới thiệu với các em. Khi vấn đề tế nhị được công khai giữa thanh thiên bạch nhật, đúng là có rất nhiều em học sinh đỏ mặt cúi đầu khi cấu tạo của bộ phận sinh dục nam, nữ hiện trực quan trên màn hình. Nhưng lúc được tận mắt chứng kiến đoạn phim Cuộc chiến tinh trùng, các em đã rất chăm chú xem, những kiến thức về sinh sản được truyền đạt rất sống động đã tạo trong các em hứng thú tiếp nhận. Khi được giáo viên giao thực hiện bài tập nhóm với những câu hỏi nhạy cảm như “Có những biện pháp tránh thai nào? Ưu và nhược điểm của từng biện pháp?”, các em đã hưởng ứng rất sôi nổi, chủ động thực hiện bài tập và háo hức chờ kết quả từ giáo viên.
Rất hấp dẫn với ý tưởng để các em nhập vai, diễn một tiểu phẩm ngắn với ý tưởng một cặp học sinh yêu nhau và hẹn hò, cậu con trai đã đòi hỏi bạn nữ chứng tỏ tình yêu của mình bằng việc đồng ý quan hệ tình dục. Rồi cũng có tình huống ngược lại là bạn nữ “đòi hỏi” như một lần “thử” để biết “chuyện ấy”. Tất cả các em khi bị “rủ rê” đều có câu trả lời hướng đến một ý: Yêu nhau và quan hệ tình dục thì như một tất yếu nhưng điều đó không dành cho tuổi học trò. Hãy yêu nhau bằng việc giúp nhau vượt khó, học tập tốt, rèn luyện tốt.
Nói là chuyện dễ, làm được mới là một vấn đề. Biết điều này song chúng tôi, những giáo viên có trách nhiệm đều tin rằng, khi các em được trang bị đầy đủ, thấu đáo những kiến thức về sức khỏe sinh sản, các em sẽ biết cách yêu hơn bản thân, biết bảo vệ chính mình. Sự chia sẻ cởi mở những vấn đề về giới, về sức khỏe sinh sản sẽ giúp các em mở cánh cổng tương lai thật an toàn.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
(GV Trường THCS và THPT Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên)
Theo tổng hợp của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai; trong đó, số ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 20% và hầu hết họ chưa lập gia đình. Tỉ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam (điều tra năm 2011) là 46/1.000, tỉ lệ này cao hơn so với nhiều nước ở châu Á. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)