Hoa cảnh chuẩn bị đón năm mới |
Tôi cùng bà xã bất ngờ được đứa con gái khuyến khích đi Mỹ chơi nhân dịp cháu tham dự một hội nghị khoa học ở Chicago vào trung tuần tháng 11 năm 2010. Quá bận rộn với công việc, mà cũng chưa dự kiến du lịch Mỹ trong thời gian gần; nhưng trước sự thuyết phục của con gái yêu quí, người thân và bạn đồng nghiệp, vợ chồng tôi quyết định tham quan một chuyến.
Còn cả tháng nữa mới đến ngày Lễ Giáng sinh và Tết dương lịch nhưng đường phố Chicago đã chộn rộn việc chuẩn bị đón chào năm mới. Việc đón chào năm mới của Chicago, cũng như nhiều thành phố khác ở nước Mỹ, thường bắt đầu từ trước ngày Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) 25-11 hàng năm cho đến sau tuần thứ nhất của năm mới.
Các chậu hoa trang trí đón Lễ Tạ ơn và năm mới trên lề đường Michigan |
Khách sạn Omni, nơi tôi ở một tuần, nằm ở số 676 đại lộ Michigan thuộc trung tâm thành phố Chicago. Mặt tiền và trong sảnh đón khách của khách sạn đã bày sẵn các kệ hoa đủ loại và cây thông trang trí xanh vàng đỏ tím… Khách sạn lộng lẫy với những lẵng hoa đặt tại nhiều nơi ở phòng lễ tân, hành lang, góc cầu thang… một cách tinh tế, bắt mắt.
Ở Chicago một tuần chắc chưa thể hiểu hết chiều sâu văn hóa, tập quán sinh hoạt của người dân nơi đây. Nhưng có một điều cảm nhận được là vẻ thanh lịch, sự hiếu khách của cư dân và đẳng cấp chỉn chu hiện đại của một thành phố vừa có tính tân kỳ vừa có chất truyền thống, được hình thành thuộc vào loại lâu đời nhất của nước Mỹ.
Chiều về trên sông Chicago |
Nằm dọc theo hồ Michigan, Chicago với vô số nhà cao tầng, kiến trúc cổ đan xen hài hòa với những công trình hiện đại; khá nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng, ngân hàng, khu thương mại sầm uất… Như được thiết kế ngay từ đầu, tất cả đều được bố trí ngay ngắn, cái nào ra cái nấy! Và đặc biệt, trong những ngày này, nhiều đường phố kết hoa, đèn trang trí nhiều màu; dường như ở nơi nào cũng có không khí đón chào mùa Giáng sinh sắp tới.
Rất nhiều bồn hoa được sắp đặt dọc theo lề đường. Các thương xá, ngân hàng, trụ sở…, nơi nào cũng có hoa – hoa giả và hoa tươi. Không chỉ có hoa mà tại các tiểu đảo, khay lưu động còn trang trí một cách nghệ thuật nhiều loại cây trái như bắp ngô, cà-rốt, bí đỏ, khoai tây… Người ta kết hợp chào đón Lễ Tạ ơn, Lễ Giáng sinh và năm mới.
Hoa lá pha lê trang trí trên cao |
Chicago vào giữa tháng 11 trời lạnh giá và đầy gió. Dưới những tòa nhà chọc trời, nguy nga, tráng lệ; bên dòng sông trong veo, tôi chạnh nhớ tới cái lạnh ở miền quê nghèo xứ Quảng xa xăm. Nhớ cái không khí trước Tết những ngày cuối đông, đầu xuân năm xưa. Cũng trong cái lạnh cóng ở sân nhà quê tôi, ven bờ sông Vệ, những chòm hoa cải màu vàng tự nhiên khoe sắc, đong đưa trước gió! Cũng nhớ tới Sài Gòn với đường hoa Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi đèn sao nhấp nháy trong mỗi dịp đón xuân về…
Cây thông đón Giáng sinh tại khách sạn Omni – Chicago |
Chicago đẹp vì nằm cạnh hồ và có vài con sông uốn lượn giữa lòng thành phố. Người ta biết giữ gìn các con sông sạch đẹp. Đẹp nhất là sông Chicago. Hai bên bờ sông, những tòa nhà chọc trời phản chiếu lung linh trên mặt nước trong xanh. Nhất là vào ban đêm, khi hàng triệu ánh đèn lấp lánh bật sáng. Con sông tuy đi giữa trung tâm thành phố nhộn nhịp ngựa xe nhưng trông nó thật yên bình!
Nếu không được thông tin từ trước, nhiều du khách đứng trước hồ Michigan sẽ ngỡ là đứng trước biển. Hồ rộng mênh mông. Mùa này, cũng sóng to gió lớn. Nhưng sóng gió ở đây không cuồng nộ. Hồ Michigan góp phần làm nên phong thái riêng cho thành phố Chicago và hình thành tính cách con người nơi đây. To lớn, rộng rãi, trong lành, lịch thiệp! Dù lạnh lắm nhưng ai cũng muốn đi bộ một đoạn dọc bờ hồ và đứng ngắm nhìn mặt hồ mênh mông như biển cả. Hồ Michigan chạy dài và lấn sâu vào lãnh thổ Canada, tiếp giáp thành phố Toronto – địa danh nghe cũng thân quen vì có người bà con sinh sống.
Chicago không có nhiều cư dân châu Á. Hầu hết là người Âu, Mỹ. Đường phố dày kín người đi bộ với vóc dáng cao to. Mùa lạnh nên người nào cũng ăn mặc chỉn chu từ đầu đến chân, ngoài vét còn có măng tô, áo gió… Lại còn khăn quấn cổ, găng tay… Hầu hết họ trang phục màu đen. Hình như màu chủ đạo ở đây là màu đen. Từ quần áo, xe cộ, khăn trải bàn, khăn ăn… Giờ tan tầm nhìn ngoài phố thấy dòng người lúc nhúc màu đen. Ai cũng có vẻ tất bật, vội vã. Mặc dù vậy, hầu hết những người có dịp tiếp xúc đều ân cần, lịch thiệp. Các từ “xin lỗi”, “cảm ơn” luôn sẵn sàng. Nhiều người vui vẻ nhận chụp giùm bạn tấm hình mặc dù không có yêu cầu. Và họ luôn sẵn sàng nhường bước…
Chicago cũng có người Việt nhưng không nhiều. Ăn món Mỹ mới mấy ngày mà đã cảm thấy thèm cơm, thèm mắm và rau xanh. Ở đây hầu như không thấy hàng quán Việt Nam – khác Dallas, hoặc Cali – những nơi tôi có dịp đi qua. Tìm được một quán Việt nằm trên đường North Rush, qua mạng, đặt bàn nhưng taxi đến trễ thế là bị “đì-lay”, đành tìm ăn ở một quán Thái. Món ăn Thái dù sao cũng có khẩu vị tương đồng người Việt nên dễ nhấm nháp hơn.
Một góc phố Chicago bên bờ hồ Michigan |
Tại nhà hàng Việt nêu trên, tuy chưa có dịp ăn và tìm hiểu kỹ, nhưng sao thấy ngồi ở đây toàn là người Pháp và Mỹ, không thấy người châu Á nhỏ con nào. Tất nhiên là thấy trên bàn có cơm, phở, rau muống và đặc biệt có giò chả, bánh chưng… Rất nhiều những món thuần Việt. Xem qua thực đơn công khai treo tường, thấy giá thật đắt – không dưới 15 USD/món, tương đương 300 ngàn đồng Việt Nam (tỷ giá lúc đó). Tôi cũng kịp nhìn những bức ảnh lồng kính to treo trên tường để trang trí. Đó là những bức ảnh gia đình người Việt những năm cuối thế kỷ IX và đầu XX: bộ bàn trà kiểu cổ Việt Nam, người mặc áo dài, khăn đóng… Có cả ảnh vài vị vua triều Nguyễn… Có lẽ một ai đó muốn giữ lại chút hồn Việt xưa ở một nơi xa xăm, cách nửa vòng trái đất!
Đến phố người Hoa (China Town) có lẽ cũng làm vơi bớt nỗi nhớ quê hương của người Việt ở Chicago xa nhà lâu năm. Vì nó mang nhiều sắc thái sinh hoạt của người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn. Phố Hoa ở đây không lớn như ở San Francisco nhưng cũng khá trù phú, tấp nập, đông vui. Hàng quán tuy cũng to nhưng không kiêu sa xa cách. Tập quán buôn bán của người Hoa ở đâu cũng có nét gần giống nhau. Không khí chuẩn bị đón Tết Tây và Tết ta ở đây khá đậm nét với các mặt hàng truyền thống của các dân tộc có cùng ngày Tết âm lịch.
Năm nay, theo nhiều người sống ở đây lâu, không khí trước mùa Giáng sinh và năm mới của Chicago và cả nước Mỹ có phần kém hơn ba năm về trước, do suy thoái kinh tế toàn cầu – nặng nhất là Mỹ.
Rời Chicago đã mấy tuần, nhưng cái lạnh, cái gió, bầu không khí nô nức cùng với cảnh vật chuẩn bị đón năm mới và con người Chicago lịch thiệp đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong tôi. Mong sao sẽ có ngày thăm lại thành phố tráng lệ và đáng yêu này.
Nghiêm Ý
Bình luận (0)