Gần cả tháng nay, người dân sống tại thôn Bắc Tiến, xã Kì Thượng, huyện Kì Anh, Hà Tĩnh cực kì khan hiếm nguồn cá, tôm dù đây là vùng có nhiều sông suối. Vì thế mà dân đã dùng chích điện để săn cá tôm. Đây một một cách làm rất nguy hiểm, dễ gây chết người.
Hai bạn nhỏ Tuấn và Tú đi chích điện tìm nguồn thực phẩm cho gia đình |
Nhọc nhằn và… “tận diệt”
2 giờ chiều, chúng tôi theo chân 2 hai bạn nhỏ Tuấn và Tú (ngụ tại thôn Bắc Tiến, xã Kì Thượng, huyện Kì Anh, Hà Tĩnh) mới 15 tuổi tới con suối Rào bắt đầu buổi “săn”… tép. Đồ nghề đi “săn” khá đơn giản, gọn nhẹ chỉ một bình ắc quy đeo trên lưng, một chích thẳng và một cần vợt dài gần 2 mét được nối vào bình ắc quy và túi đựng. Đều đặn vào các trưa, cả hai đều mang máy chích điện ra đây như một nhiệm vụ cho bữa cơm chiều thêm dĩa tép kho. Thế nhưng, những giọt mồ hôi mặn chát giữa cái nắng 37 độ của mùa khô hạn, công sức của hai bạn nhỏ không được đền đáp xứng đáng. Sau gần 2 giờ đầm mình dưới nước chỉ được một ít tép và vài con cá con. Tú cho biết “ở đây người ta đi chích điện như thế này rất nhiều nên bây giờ tôm cá còn ít lắm. Cả ốc cũng khó còn con lớn có thể ăn được. Buổi chiều hoặc tối thì có thể bắt được nhiều hơn”.
4 giờ chiều, ở một đoạn suối ngắn anh Sơn và người em của mình đang chăm chỉ gí 2 cần chích điện xuống nước, tay khéo léo điều khiển chiếc vợt cá. Vài con tép và cá con nhảy khỏi mặt nước rồi nằm bụng trắng đáy nước. Sau hơn 2 tiếng “quần thảo” vòng lên ngược xuống dưới nước thành quả cũng chẳng khá hơn là một nhúm tép con, đành phải vác cần chích lên vai trở về nhà. Những tưởng, chiều mát cá tôm trốn trong hang ra đi ăn thì sẽ mang về nhiều tép, cá hơn thế nhưng họ lại thất thểu đi về với cái túi không.
Theo Nghị định số 103/2013/ NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản có quy định rõ về hành vi lạm sát thủy sản. Cụ thể, phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng kích điện. Nếu tàng trữ, vận chuyển phương tiện kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác bị phạt 2-5 triệu đồng. Nếu sử dụng lưới điện để khai thác bị phạt 10-15 triệu đồng. Riêng hành vi sử dụng lưới đánh bắt bị phạt 300.000-500.000 đồng. Biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu dụng cụ đánh bắt trái phép. |
Trên dòng suối đã cạn nước còn trơ những tảng đá mấp mô giữa lòng suối người dân hai bên bờ thay nhau chích điện vớt cá bất kể ngày đêm. Bởi nước cạn nên việc đặt đó đặt lờ không được, đành chọn phương pháp… tận diệt này.
Những mối họa khôn lường
Nhìn những con tép, cá li ti chưa kịp lớn không chịu nổi sung điện bị bỏ lại dưới đáy dòng suối trôi vật vờ ta tự hỏi với cách “đuổi cùng giết tận” thì liệu dòng suối sau này có còn tôm cá để bắt nữa hay không?
Bạn Tú cho biết thêm “sau khi nhặt những con tép lớn, bạn thường thả những con tép nhỏ và cá nhỏ trở lại lòng suối. Người lớn họ chỉ bắt cá, tép lớn rồi bỏ đi”. Thế nhưng trên thực tế quan sát thì sau khi trở về với dòng suối chúng khó có thể sống sót trở lại.
Bên cạnh người dân nghèo khan hiếm thức ăn bất đắc dĩ phải chọn cách dùng kích điện đi “săn” thì cũng có những người dân đi “săn” theo trào lưu. Chính tâm lý thi nhau chích điện này mỗi khi mùa nước cạn đã khiến cho thức ăn trong dòng suối vốn đã nghèo nàn lại càng trở nên cạn kiệt.
Ngoài ra, một mối nguy hiểm khác đang rình rập chực chờ những người dùng điện chích cá đó là, dẫu chỉ là bình ắc quy và cần gí điện thô sơ thế nhưng chúng ta cũng khó mà lường trước nếu xuống nước bị chập điện sẽ bị giật. Thậm chí, những chỗ nối trên dây điện được người dân “băng bó” bằng miếng băng keo đen nếu dính nước sẽ tuột ra ngay.
Dẫu biết việc đánh bắt cá bằng kích điện nguy hiểm rình rập bản thân cũng như khiến cho nguồn tôm cá bị cạn kiệt nhưng người dân tại đây vẫn bế tắc không tìm được cách nào thay thế. Bên cạnh đó, việc dùng kích điện công khai hàng ngày thế nhưng chính quyền địa phương ở đây vẫn chưa có biện pháp để ngăn chặn.
Bài, ảnh: Phạm Quyên
Bình luận (0)