Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chích thuốc cho trẻ, coi chừng teo cơ!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Việc tiêm chích cho trẻ phải được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn để tránh nguy cơ teo cơ mông. Ảnh: T.L

Để chấm dứt tình trạng ho, khò khè, sốt kéo dài liên tục ở trẻ, nhiều bậc phụ huynh đã đưa con em mình đến các cơ sở y tế để chích thuốc. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, tồn dư trong thuốc ở lại cơ thể có thể làm trẻ bị teo cơ mông.
Cứ đau là chích
Cuối tháng 2 vừa qua, gia đình chị N.T.L (Bình Thuận) đã đưa bé N.T.G.B (13 tháng tuổi) nhập viện BV Nhi đồng 2  (TP.HCM) trong tình trạng một bên mông trái của bé bị teo lại, lõm xuống bằng cái chén nhỏ. Tại đây, các BS kết luận rằng bé đã bị teo cơ mông bên trái. Cha mẹ bé cho biết, trước đó 5 tháng bé có bị cảm, ho, sốt kéo dài nên gia đình đã đưa bé đến cơ sở y tế gần nhà để chích thuốc. Sau đó, bé có dứt cơn ho, cảm nhưng đồng thời, theo thời gian bên mông chích thuốc dần dần lõm xuống.
Tương tự, bé N.V.C.V (12 tháng tuổi, Bình Dương) lúc 7 tháng tuổi đã được chích thuốc bên mông phải do bé ho, sổ mũi nhiều. 5 tháng sau, gia đình tá hỏa đưa bé đến BV Nhi đồng 2 khám khi thấy bên mông phải của bé có hiện tượng lõm xuống, không đều. Tình trạng bệnh lý của bé cũng được xác định là teo cơ mông. Nguyên nhân ban đầu theo các BS nhận định là do lượng thuốc đã chích không khuếch tán hết, được giữ lại trong cơ thể nên dẫn đến việc teo và xơ cơ mông.
Theo BS. Trương Anh Mậu – Khoa Bỏng chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2, thời gian gần đây, BV tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị teo cơ mông sau khi chích thuốc. Với những trường hợp này, rất có thể trước đó trẻ đã được dùng loại thuốc corticoid dạng tiêm bắp để điều trị bệnh. Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh khi thấy trẻ bị sốt, ho kéo dài, uống thuốc không khỏi thường tìm đến biện pháp cuối cùng là chích thuốc mà không lường hết được trước những di chứng có thể xảy đến với trẻ.
Phải phẫu thuật khi bị teo cơ mông
Teo cơ mông thường xảy ra đối với trẻ nhỏ từ vài tháng tuổi đến 3-4 tuổi. Do ở độ tuổi này, cơ mông vẫn còn rất yếu nên dễ dàng bị tác động. Lượng thuốc tồn dư sẽ tác dụng trực tiếp, từ từ lên vùng mông bị chích trong khoảng thời gian chừng 5 đến 7 tháng. Lúc đó, teo cơ mông sẽ được hình thành rõ rệt. Trẻ càng nhỏ thì thời gian hình thành càng nhanh.
Theo BS. Trương Anh Mậu, loại thuốc corticoid vốn có chỉ định và tác dụng tốt trong bệnh khớp (như viêm đa khớp dạng thấp), bệnh suyễn, bệnh da dị ứng… Tuy nhiên, khi sử dụng cho trẻ nhỏ cần phải hết sức thận trọng vì có thể gây biến chứng nguy hiểm như chậm lớn ở trẻ nhỏ, rối loạn cơ xương: Teo cơ, yếu cơ, loãng xương có thể dễ gãy xương…
Đối với trẻ bị teo cơ mông, khả năng phục hồi vùng mông bị teo là rất khó. Biện pháp điều trị trước tiên là phẫu thuật vùng mông bị tổn thương để lấy ra hết lượng thuốc chưa tan, tránh để thuốc tiếp tục gây ảnh hưởng. Đồng thời cũng sẽ được cắt bỏ các mô xơ và phần da xơ chai. Như trường hợp của bé N.V.C.V, sau khi mổ, các BS đã lấy ra được một số mảnh thuốc màu trắng đục nhỏ, kích thước 0,3-0,5cm nằm xen lẫn trong cơ – khả năng là dư lượng thuốc còn thừa lại. Sau khi phẫu thuật, vùng mông dần dần khôi phục, đầy lên nhưng sẽ không được như hình dạng ban đầu.
Để tránh các tai nạn đáng tiếc cho trẻ sau khi tiêm chích, BS. Mậu khuyến cáo các bậc phụ huynh rằng, với những thủ tục liên quan đến tiêm chích ở trẻ nhỏ thì nên được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn, không nên tùy tiện chích cho trẻ. Đặc biệt, khi trẻ có các triệu chứng ho, cảm, sốt, sổ mũi kéo dài cũng không nên cho trẻ uống thuốc bừa bãi mà tốt nhất phải đưa trẻ đến bệnh viện để các BS khám và tìm hiểu nguyên nhân khắc phục.
Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)