Thuở ấy nào có xa xôi gì! Đó là vào khoảng những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX ở miền Bắc, hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam.
Khẩu hiệu hành động của toàn quân, toàn dân lúc bấy giờ là “Tất cả cho sản xuất, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”. Miền Bắc chi viện hết sức mình cho miền Nam đánh Mỹ như nhà thơ Tố Hữu về sau đã viết: “Hỡi miền Bắc đó nặng đôi vai/ Gánh cả non sông vượt dặm dài/ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”… Do vậy, mọi sinh hoạt với bao thiếu thốn, gian khổ bắt buộc con người phải mau chóng thích nghi và làm chủ cuộc sống, làm chủ bản thân mình. Vì cuộc sống thời chiến nên mọi người đòi hỏi phải nắm thông tin kịp thời, nhanh chóng, chính xác, chính thống. Đời sống vật chất lúc này có thể thiếu nhưng đời sống tinh thần thì không thể thiếu được! Đó là một yêu cầu chính đáng, hết sức cần thiết trong sinh hoạt thời chiến hàng ngày. Báo chí rất hiếm, chỉ có các cơ quan Nhà nước, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang mới có một số tờ như: Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Thống nhất, Báo Độc lập, Báo Nông nghiệp, Báo Người giáo viên nhân dân… Đa số người dân, nhất là vùng nông thôn, chủ yếu nghe thông tin qua chiếc đài bán dẫn. Hồi đó, nhà nào có chiếc đài là cả một gia tài quý giá, rất tự hào vì ít nhà có được. Muốn sử dụng đài bán dẫn này, mọi người phải đăng ký nơi cơ quan chức năng thì mới được phép sử dụng. Nhiều người muốn “lên mặt” với bạn bè, xóm giềng nên thường mượn đài về, ngồi xe đạp (cũng của mượn) chạy lòng vòng, vai mang chiếc đài đang nói oang oang, tỏ ra rất hãnh diện với bà con lối xóm.
Người dân quê tôi thuở ấy say mê thời sự một cách kỳ lạ. Họ luôn ngồi chăm chú lắng tai nghe hàng giờ, như nuốt lấy từng lời phát ra từ chiếc đài bán dẫn. Họ bàn bạc, tranh luận từ những thông tin vừa nắm bắt được. Và không hiếm những tràng pháo tay khi nghe tin quân dân miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ; quân dân miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đánh cho quân xâm lược những đòn đau… Bởi trong những chiến công hào hùng đó, có sự đóng góp của con em mình nên ai cũng phấn khởi, tự hào. Những buổi “Tiếng thơ” nghe ngọt lịm từng lời của nghệ sĩ Châu Loan ngâm bài thơ “Mẹ Suốt”: Lặng nghe Mẹ kể ngày xưa/ Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình/ Mẹ rằng quê Mẹ Bảo Ninh/ Mênh mông sóng biển, lênh đênh mạn thuyền… Bố tôi là cán bộ của một lâm trường, cơ quan cách nhà chừng 40 cây số. Cuối tuần, bố chạy chiếc xe đạp về thăm nhà (xe đạp hồi đó có số đăng ký; số xe của bố tôi là DC 150). Vai ông mang theo chiếc đài bán dẫn mượn của cơ quan. Dọc đường nghe hát oang oang là biết bố đang về đầu ngõ. Tối thứ bảy hàng tuần, gia đình nấu nồi nước chè xanh mời bà con lối xóm đến ngồi chật nhà, vừa uống nước vừa nghe thời sự và các chương trình khác đến tận khuya. Khi có tốp ca nữ hát bài nào đó, có người còn chạy lại nhìn săm soi phía sau chiếc đài để xem các cô “trốn” ở đâu mà hát hay thế! Hồi ấy, ở xóm trên có một người du học ở Ru-ma-ni về, mang theo một chiếc đài Ô-ri-ông-tông to tướng. Nó to gần bằng chiếc va li, mạ kền sáng loáng. Loại đài này phải là người có sức khỏe tốt mới mang đi được. Mỗi khi mở ra, vặn nút khoảng trung bình là cả xóm đều nghe rõ mồn một. Nhưng gia đình cũng vặn “vừa đủ nghe” vì loại đài này “ăn” pin dữ lắm (khoảng sáu cục pin đại). Mà hồi đó, việc mua pin “nuôi sống” đài là cả một vấn đề nan giải. Có gì buồn hơn khi đang nghe thời sự, đến đoạn tin chiến thắng ở miền Nam thì đài “thở” khọt khẹt vài ba cái rồi rè rè… không nói gì nữa.
Nghe tin tức thời sự trên đài là một nhu cầu như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Những tin tức nóng hổi từ chiến trường miền Nam luôn được người dân quê tôi háo hức đón nhận. Khi phát thanh viên đọc lên “Mời chiến sĩ và đồng bào nghe bản tin chiến thắng” là mọi người như nín thở chờ tin. Dù đang ăn nửa bữa cũng tạm dừng lại để nghe cho trọn vẹn những dòng tin chiến thắng. Giọng đọc khỏe khoắn, hùng hồn như thôi thúc, như giục giã lòng người. Ai đã từng nghe giọng đọc của phát thanh viên hồi ấy thì không thể nào quên được chất giọng hào sảng ấy! Chúng tôi đâu có biết sau những dòng tin chiến thắng làm nức lòng người ấy là kết quả công sức lao động của bao con người thầm lặng! Đó là những phóng viên chiến trường dũng cảm cầm máy, cầm viết như cầm súng xông lên bám sát cùng các chiến sĩ giải phóng quân trong những trận công đồn, trong những trận chống càn ác liệt… Để có những dòng tin nóng bỏng có sức mạnh như một đạo quân ấy là những hy sinh, mất mát của người phóng viên – chiến sĩ! Đó là công sức biên tập, dàn dựng, phát thanh của đội ngũ cán bộ, kỹ thuật… say mê nghề nghiệp. Nói làm sao hết được niềm vui khi Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cả xóm nhỏ quê tôi vỡ òa trong niềm vui sướng; nước mắt trào ra quanh chiếc đài của bố tôi. Hòa bình rồi! Hòa bình rồi! Ai ai cũng như đua tranh nói với phát thanh viên đang hùng hồn đưa tin quang cảnh xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập; sự bình yên của Sài Gòn ngày đầu giải phóng…
Thời ấy còn có những chiếc đài mang nhãn hiệu “Hồng Kỳ”, “Xeng mao” của Trung Quốc nhưng chất lượng không bằng các nhãn hiệu Nhật Bản như Standard, National… Những loại này thường rất hiếm, phải là cán bộ cao cấp mới có được. Do đó, người sử dụng thường trân trọng, quý từng cục pin, luôn tìm mọi cách khai thác hết công năng của nó bằng nhiều biện pháp thủ công. Đó là khi pin yếu, họ thường phơi pin trên mái nhà lúc trời nắng, pin sẽ hồi phục phần nào, cũng đủ nghe nửa buổi. Độc đáo hơn, không biết kỹ sư điện nào phổ biến cách đóng đinh vào pin từ cực âm. Thông thường đóng ba đinh, loại 4, 5 phân vào để “lèn chặt” vỏ than trong đó rồi phơi nắng. Quả nhiên, pin phục hồi như cũ… |
Tháng 8-1977, tôi ra quân và thi đậu vào ngành văn Trường ĐH Cần Thơ. Học xong 4 năm, có người rủ tôi về quê dạy học vì quê tôi cũng rất cần người dạy. Nhưng tôi không về quê vì còn mắc nợ với con người miền Tây Nam bộ; ở lại để trả món nợ ân tình. Bố tôi đã về hưu và ông mua lại được một chiếc đài “National” của người bạn. Chiếc đài trở thành người bạn thân thiết của bố tôi. Lúc nào, dù làm cỏ ngoài vườn hay nằm võng nghỉ trưa, bố đều để chiếc đài bên mình và nghe các chương trình phát thanh quen thuộc. Có khi nghe chương trình “Tiếng thơ”, ông reo lên khi nghe tên tôi cùng bài thơ được giới thiệu trên đài. Ông đi khoe khắp xóm và viết thư cho tôi về “sự kiện” ấy với lòng tự hào về đứa con đã lớn nên người.
Bố tôi về với tổ tiên, chiếc đài trở thành kỷ vật thiêng liêng của bố để lại. Tôi cầm chiếc đài trên tay mà như thấy cả một khoảng trời thơ ấu ùa về trong nỗi nhớ. Chiếc đài vẫn hoạt động tốt như thuở nào. Đêm nằm bên chiếc đài của bố, nghe những dòng tin tức, tôi như sống về một thời gian khổ mà hào hùng. Chiếc đài là cầu nối tôi với cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Có chiếc đài ở bên, tôi như có một người bạn tri âm tri kỷ.
Xin cảm ơn những phóng viên có mặt khắp mọi miền đất nước, từ rừng núi cao đến biển đảo xa đã kịp thời đưa về những thông tin nóng bỏng để tôi luôn tự hào khi mở đài luôn nghe giọng nói vang lên thân thiết, tự hào: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam!”.
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)