Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Chiếc gương thông minh” theo dõi sức khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

“Chiếc gương thông minh” của ba sinh viên Nguyễn Hữu Vinh, Lê Tự Hiếu và Phan Ngọc Điệp (từ trái sang)
Với mong muốn có một “chiếc gương thông minh” vừa để làm đẹp, vừa thông báo các chỉ số cân nặng, chiều cao cơ thể…, ba sinh viên đã mày mò nghiên cứu sáng chế ra được một chiếc gương như thế. Sản phẩm này đã đoạt giải nhì tại Cuộc thi TI MCU toàn quốc vừa tổ chức tại Đà Nẵng đầu tháng 11.
Ba sinh viên làm ra sản phẩm thần kỳ trên là: Lê Tự Hiếu, Phan Ngọc Điệp và Nguyễn Hữu Vinh – cùng học năm cuối Khoa Điện tử – Viễn thông của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
1. Sản phẩm độc đáo trên đã khiến nhiều bạn trẻ đi từ ngạc nhiên đến thán phục. Hiếu (trưởng nhóm) chia sẻ: “Hiện nay chất lượng cuộc sống đã được nâng cao hơn nhiều so với trước đây. Các bạn trẻ bây giờ ai cũng phát triển về chiều cao, cân nặng, rất ít người có hình dáng nhỏ bé. Trong khi em lại rơi vào số ít đó. Do đó em rất muốn mình sở hữu một hình dáng đủ “chuẩn” như các bạn. Nhưng để làm được điều đó không phải là chuyện dễ khi mà em luôn ngủ muộn, sinh hoạt không được điều độ. Thế là em nảy ra ý tưởng sáng chế một sản phẩm vừa có thể theo dõi chiều cao, cân nặng đồng thời nhắc nhở mình giữ vững tiến độ tăng cân. Ý tưởng làm ra “chiếc gương thông minh” ra đời từ đó!”.
Hiếu cho biết thêm: “Sau khi có ý tưởng, em rủ rê thêm hai bạn Điệp và Vinh tham gia nghiên cứu. Chúng em phân công mỗi người một việc tùy theo khả năng. Cái khó ở đây là sản phẩm được chế tạo bởi ba người nên việc lắp ráp hoàn chỉnh, phát huy được hiệu quả gặp không ít trục trặc. Nhưng sau khi bàn bạc, tìm ra tính thống nhất thì hiệu quả đã cao hơn”.
2. Công việc được nhóm chia như sau: Vinh đảm nhận khâu thiết kế tạo sự đồng bộ giữa màn hình điện thoại và màn hình LCD gắn trên gương. Còn Hiếu thiết kế cảm biến, trong khi đó Điệp đảm nhận thiết kế các nút chạm cảm ứng, âm thanh cho thiết bị. Hiếu nhớ lại: “Dù đã phân công công việc cụ thể như vậy, nhưng khi tiến hành lắp ráp thì tụi em gặp rất nhiều trục trặc, do thiết kế không khớp nhau, có đến 30 lần bị cháy mạch… Có lúc nhóm thấy mình quá đuối nhưng không thể vì thế mà buông xuôi. Thế là cả ba thành viên tự động viên nhau “sai ở đâu làm lại ở đó”. Cuối cùng, sau nhiều lần làm đi làm lại, các chi tiết của cả ba làm ra mới được lắp khớp về kỹ thuật”. Suốt 3 tháng trời, ngoài giờ học trên giảng đường, thời gian còn lại nhóm lăn vào chế tạo các chi tiết cụ thể để sớm hoàn thành sản phẩm. Trong khi kinh phí mua thiết bị chủ yếu được dành dụm từ những bữa nhịn ăn sáng nên rất hạn hẹp. Ngoài ra, nhóm còn tận dụng các chi tiết thiết kế từ những đồ án đã làm những năm trước hoặc mượn tạm của các anh chị khóa trước… Hiếu cho biết “chiếc gương thông minh” thiết kế hoàn toàn bằng cảm biến. Cụ thể, các chi tiết kết nối với nhau qua thiết bị không dây, tự khởi động khi có người đứng trước gương. Các nút điều khiển được thiết kế cảm ứng, người dùng có thể tùy chỉnh ánh sáng theo sở thích của mình. Điều đặc biệt, bên cạnh chức năng tự động hiện cân nặng, chiều cao, nhịp tim của người soi gương chiếu lên màn hình LCD, người soi còn được nghe những bản nhạc vui nhộn từ chính điện thoại của mình thông qua kết nối bluetooth, hoặc nghe radio. Ngoài ra, người dùng còn có thể viết lời nhắn gửi cho người thân trên điện thoại rồi truyền tải qua gương bằng kết nối bluetooth…
“Điều đặc biệt hơn là tụi em có thiết kế một bộ cảm biến nhiệt độ không dây được đặt bên ngoài hoạt động bằng năng lượng mặt trời, để khi người sử dụng gương sau khi tiến hành cân, đo, kiểm tra sức khỏe thì còn được chiếc gương này nhắc nhở mang theo ô, áo mưa phòng khi trời mưa hay đội mũ tùy theo tình hình thời tiết”, Điệp cho biết.
3. Khi được hỏi về chuyện đưa sản phẩm tham dự Cuộc thi thiết kế TI MCU, Vinh cho biết ban đầu thấy Ban tổ chức yêu cầu những người sáng chế sản phẩm dự thi phải trình bày ý tưởng bằng tiếng Anh cũng lo lắm. Thế là, trước khi quyết định đưa sản phẩm dự thi, nhóm lại hì hụi luyện thêm tiếng Anh cho nhuần nhuyễn. Số tiền 800 USD nhận được từ giải thưởng giải nhất vòng chung kết miền Trung, nhóm đã dành gần hết để mua thêm trang thiết bị, đầu tư hoàn chỉnh sản phẩm để tham dự vòng chung kết toàn quốc. Và sản phẩm của nhóm được Ban giám khảo đánh giá cao ở phần đa chức năng, được thiết kế bởi nhiều mô đun nhưng lại không tốn điện năng và thuận tiện đối với người dùng.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Hy vọng “chiếc gương thông minh” sẽ giúp cho các bạn trẻ có thêm động lực để rèn luyện cũng như chăm sóc sức khỏe của mình một cách tốt nhất. Đây cũng là bước đi đầu tiên để nhóm mạnh dạn hơn trong việc đưa ra các ý tưởng, hình thành sản phẩm có ích cho xã hội”, nhóm trưởng Lê Tự Hiếu cho biết.
 

Bình luận (0)