Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chiếc lốp xe và nền giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Có một người bạn đã cùng ta đi suốt quãng đời học sinh. Nhịp xoay tròn đã đi vào thơ ca, chở những ước mơ, hoài bão, đưa ta đến chân trời khoa học. Chiếc xe đạp bình dị mà thân thương. Chỉ những ai đã từng gắn bó với xe đạp, mới thấu hiểu nỗi lo bị lủng lốp. Nhìn chiếc lốp xe bị vá víu chi chít mà lòng quặn đau. Nhưng phương tiện thô sơ này đã dần thay thế bằng những chiếc xe tay ga đắt tiền. Lốp xe không ruột là sự cải tiến để tiện lợi cho người sử dụng. Có lẽ xin mượn hình ảnh chiếc lốp xe để mạn bàn về giáo dục hiện nay. Giai đoạn khó khăn của đất nước đã được san sẻ bằng những tâm huyết của các nhà giáo dục, của những thầy ngày ngày không mệt mỏi đứng trên bục giảng. Giai đoạn đó con người cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân, hoài bão để đưa đất nước đi lên, như chiếc xe đạp phải nhờ người tiếp sức. Dù có bận rộn đến đâu, khi lốp xe đạp bị thủng thì người ta vẫn ngồi lại để dò, để vá. Ngành giáo dục đã từng như thế! Còn chiếc lốp không săm không còn sợ bị thủng, dẫu trong mình mang đầy những đinh nhọn. Thời đại mới, với nhu cầu chuyên chở nhiều hơn, nhanh hơn, thì những tiện ích được đặt ra. Có lẽ vì thế chiếc xe cứ mãi chịu đau, như những gì đang diễn ra với ngành giáo dục. Sự việc bê bối tiêu cực của giáo dục tại Hà Giang, Sơn La là lỗ thủng cần được vá. Nhưng còn bao nhiêu Hà Giang, Sơn La nữa thì liệu rằng ngành giáo dục có vá được hết chăng? Điều mong muốn lớn hơn là niềm tin của nhân dân vào giáo dục nước nhà. Sau rất nhiều những cải cách, thí điểm, thực nghiệm của Bộ GD-ĐT thì số lượng học sinh đi du học nước ngoài vẫn tăng, trong khi trình độ của thầy cô giáo vẫn không như kỳ vọng. Áp lực thi cử, siết đầu vào nhưng lỏng đầu ra, thực trạng nâng điểm khống để tạo thuận lợi cho thí sinh đỗ tốt nghiệp. Khi một cơ chế thiếu giám sát, kiểm định, thiếu ràng buộc chất lượng sản phẩm giáo dục, thì đâu đó sẽ vẫn còn tiêu cực. Chiếc xe cũ kỹ, oằn trên vai những chắp vá của yếu tố vay mượn nước ngoài, của tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta cần một hoạch định bền vững, cần một đầu tàu đủ sức bật, đầy tâm huyết, biết lắng nghe những góp ý từ các nhà trí thức, đến các thầy cô giáo, học sinh, và tiếng nói của phụ huynh, của dư luận xã hội. Giáo dục vị nhân sinh, giáo dục nhân văn, chứ không phải “nhân bản” từ sách vở, hay một mô hình nào đó được chào mời sau những chuyến công du. Con người mới là yếu tố quyết định. Chỉ khi giáo dục hướng đến lợi ích người học thì giáo dục đó mới có chỗ đứng trong một thế giới hội nhập.

Lâm Vũ Công Chính

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)