Sinh ra và lớn lên ở xã Quảng Hưng, vùng ven TP Thanh Hóa, em Nguyễn Vũ Hoàng (đang học lớp 10A6, Trường THPT Nguyễn Trãi) luôn ấp ủ ý tưởng chế tạo máy vệ sinh trang trại gà vịt để giúp đỡ mẹ dọn phân vịt, gà, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nguyễn Vũ Hoàng, tác giả của máy vệ sinh trang trại gà vịt. Ảnh: Hoàng Lam |
Sau hơn năm tháng nghiên cứu, thực hiện, chiếc máy từ ý tưởng trên hoàn thành và đã đạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 5- 2009” (do Trung ương Đoàn, Bộ GD&ĐT, Bộ KH-CN và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức vừa qua).
Chiếc máy vệ sinh trang trại gà, vịt này gồm ba bộ phận, khung máy, chuyển động, hốt và thải phân. Một phần Hoàng xin tiền mẹ để mua đồ, phần nhiều Hoàng tận dụng các bộ phận của xe đạp và các máy nông nghiệp hỏng.
Thời gian Hoàng nghiên cứu sáng chế thì cũng là lúc em đang ôn thi vào lớp 10 THPT. Vì vậy, mỗi khi thấy con trai ngồi hàn, xì, gõ đập, chị Nguyễn Thị Ngãi (39 tuổi) – mẹ của Hoàng không khỏi lo lắng. Hoàng luôn an ủi mẹ: “Con làm việc này, nhưng không sao nhãng việc học tập đâu, mà con đang muốn giúp mẹ đỡ vất vả mà”.
Theo nguyên lý hoạt động, máy vận hành bằng động cơ điện 220V. Sau khi cắm điện, chiếc máy di chuyển đến chỗ phân cần hốt dưới sự tác động của lực li tâm do bộ phận guồng cào phân quay tròn tạo ra, phân sẽ được cào vào bản hốt. Băng chuyền tiếp nhận phân và di chuyển phân đến bộ phận máy đánh tơi và đưa ra bằng cửa thoát.
Mô hình máy vệ sinh trang trại gà vịt |
Hoàng cho biết thêm, được biết, kinh phí mà Hoàng đầu tư cho chiếc máy này chỉ gần hai triệu đồng. Hoàng áp dụng ngay vào việc dọn vệ sinh trang trại nuôi vịt, gà (hơn 400 con) của gia đình, chỉnh sửa những điểm chưa hợp lý để xây dựng thành mô hình mang đi dự thi.
Vừa đi nhận giải thưởng ở Hà Nội về, Hoàng còn nhiều băn khoăn bởi chưa thực sự hài lòng về chiếc máy của mình: “Công suất làm việc của máy vệ sinh trang trại gà vịt có thể đạt là 25m2/giờ. Máy có thể vừa sử dụng hốt phân gà vịt ở các trang trại lớn vừa sử dụng hốt phân gà vịt cho gia đình.
Đặc biệt, có thể thay những thanh guồng cào phân bằng những cái chổi để có thể mang ra đường phố hốt vật liệu xây dựng như đất, cát, đá mạt do ôtô chở vật liệu làm rơi vãi. Tuy nhiên, máy vẫn còn một số hạn chế như băng chuyền chuyển phân chưa có rãnh, nên vẫn để rơi phân ra ngoài. Em sẽ tiếp tục nghiên cứu, khắc phục các hạn chế này”.
Hoàng Lam (TPO)
Bình luận (0)