Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Chiếc phao” của người Huế trong mùa mưa lũ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong tình huống khẩn cấp, nhất là những ngày mưa lũ nước ngập chia cắt giao thông đường bộ, người dân Thừa Thiên – Huế đã liên hệ đến Tổng đài 19001075, kích hoạt ứng dụng Hue-S để được lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời. “Chiếc phao” này đã giúp ích cho hàng ngàn người dân tỉnh này trong mùa mưa lũ.


Người dân vào Hue-S theo dõi thông tin mưa lũ

1.Miền Trung vào mùa đông, những cơn mưa triền miên trắng trời. Dăm ba bữa, nước dâng ngập thôn xóm, làng quê và cả thành phố. Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng không ngoại lệ, nhiều nơi, nước lũ ngập cả tuần mới chịu rút. Trận mưa lũ gần đây nhất vào giữa tháng 11, hơn 15.000 ngôi nhà bị ngập. Giữa bốn bề nước bạc bủa vây, cuộc sống của người dân gặp vô vàn bất tiện và khó khăn. Có hơn 8.000 nhân khẩu ở các vùng thấp buộc phải rời nhà cửa của mình, di dời đến nơi an toàn. Hỏi về trận lũ ấy, chị T.T.M., trú đường Tuy Lý Vương (TP.Huế) vẫn chưa hết bàng hoàng. Nước ngập khá nhanh, chị M. đang mang thai không thể nào xoay xở được khi các đồ đạc trong nhà dần chìm trong nước. Chị đã gọi đến Tổng đài 19001075 thuộc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế và không lâu sau đó, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời đưa chị đến nơi an toàn.


Nhờ tổng đài hỗ trợ khẩn cấp và ứng dụng Hue-S, nhiều người dân Huế được hỗ trợ và chủ động ứng phó với mưa lũ

Thống kê của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy, các đợt lũ lụt trong năm 2023 đến nay, Tổng đài 19001075 đã tiếp nhận hỗ trợ hơn 400 trường hợp. Đa số là các trường hợp nhà ngập sâu cần di chuyển đến nơi cao, bệnh nhân đi viện, bà bầu đi sinh, tìm người thân bị mất tích, hỗ trợ di chuyển qua các tuyến đường ngập sâu… Ông Bùi Hoàng Minh – Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết, tổng đài đường dây nóng 19001075 đã trở thành đầu mối thống nhất trên toàn tỉnh để tiếp nhận thông tin cho bà con trong các đợt thiên tai, bão lụt. Hệ thống tổng đài đảm bảo hoạt động liên tục 24/24h để phục vụ nhu cầu ứng cứu khẩn cấp trong tình hình bão lớn, mưa lũ chia cắt. Bộ phận trực ở trung tâm này sẽ xác minh thông tin sau khi người dân gọi tới tổng đài và sẽ chuyển đến địa phương nơi cần ứng cứu để lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân.

2.Ngoài tổng đài khẩn cấp kể trên, người dân cần ứng cứu cũng có thể kích hoạt ứng dụng Hue-S trên điện thoại. Đồng thời, Hue-S còn cung cấp thông tin kịp thời về mưa lũ để người dân nắm bắt và lên kế hoạch tránh lũ. Nhà ở vùng thấp trũng, mỗi năm đến mùa lụt, ông Phạm Thanh (huyện  Quảng Điền) thường theo dõi thời tiết qua ti vi, chủ động kê cao đồ đạc trước nhiều ngày phòng khi lũ đến. Tuy vậy, nhiều lúc lũ bất ngờ đánh úp giữa đêm, không kịp trở tay nên lúa gạo bị ướt buộc phải vứt bỏ. “Bây giờ có ứng dụng Hue-S, tôi dễ dàng theo dõi mực nước trên các sông để ước tính tình trạng ngập lụt. Nhờ đó, tôi có thể chủ động và bớt lo lắng hơn trước đây”, ông Phạm Thanh chia sẻ.


Một góc bình yên xứ Huế

Theo ông Bùi Hoàng Minh, ứng dụng Hue-S có nhiều  chức năng để người dân cập nhật thông tin. Với chức năng phát hình ảnh camera trực tuyến trên Hue-S, có 12 địa điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt được Hue-S phát hình ảnh trực tuyến công khai cho người dân theo dõi. “Thông qua ứng dụng thời tiết thiên tai trên Hue-S, người dân còn xem được thông tin về tình hình thời tiết hiện tại trên địa bàn tỉnh trong mọi thời điểm; Theo dõi thông tin lượng mưa ở các hồ chứa nước, đập thủy điện và các địa phương; Theo dõi tình hình mực nước trên sông Hương, sông Bồ giúp người dân chủ động ứng phó khi địa phương bước vào mùa mưa bão. Chức năng gửi ứng cứu khẩn cấp giúp người dân gửi yêu cầu ứng cứu khẩn cấp kèm thông tin và địa điểm được định vị chính xác trên bản đồ…”, ông Minh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết: “Trong vòng hơn 1 ngày trong đợt lụt giữa tháng 11 vừa qua, hệ thống đã tiếp nhận gần 400 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ. Hoạt động này đã trở thành kịch bản thường xuyên trong các năm qua. Tổng đài này có hơn 30 người thay ca nhau trực, để đảm bảo 24/24 tiếp nhận yêu cầu của người dân. Đây là một phần của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế và đã phát huy hiệu quả qua các kỳ bão lụt đặc thù của tỉnh cũng như trong dịch bệnh đã kết nối hỗ trợ hơn 30.000 người Huế tại các tỉnh, thành phía Nam và rất nhiều trường hợp khác”.

3.Hiện, ứng dụng Hue-S đã phát triển hơn 50 chức năng vàhơn 20 dịch vụ. Với người Huế, mỗi khi cần phản ánh những vấn đề trong đời sống đều dùng Hue-S để cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc xử lý. Cùng với đó, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai, vận hành hệ thống thông tin, truyền thông đa kênh thông qua các kênh như Fanpage HueIOC (hơn 154.000 người theo dõi), Zalo HueIOC (hơn 100.000 người quan tâm). Trong đó, việc truyền thông trên ứng dụng Hue-S thông qua các chức năng phòng, chống bão lụt đã trở thành một kênh truyền thông số “đặc biệt” thu hút rất lớn sốlượng người dân quan tâm.

Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết: “Trong vòng hơn 1 ngày trong đợt lụt giữa tháng 11 vừa qua, hệ thống đã tiếp nhận gần 400 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ. Hoạt động này đã trở thành kịch bản thường xuyên trong các năm qua. Tổng đài này có hơn 30 người thay ca nhau trực, để đảm bảo 24/24 tiếp nhận yêu cầu của người dân. Đây là một phần của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế và đã phát huy hiệu quả qua các kỳ bão lụt đặc thù của tỉnh cũng như trong dịch bệnh đã kết nối hỗ trợ hơn 30.000 người Huế tại các tỉnh, thành phía Nam và rất nhiều trường hợp khác”.

Hàn Giang

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)