Dù có quy định xử phạt về việc chiếm lề đường, lòng đường gây cản trở giao thông nhưng tình trạng này vẫn thường xảy ra trên địa bàn TP.HCM.
Nhiều phương tiện lấn ra khoảng 1/2 tuyến đường để chờ mua hàng
Không chỉ có những xe bán hàng rong, tiểu thương tại các chợ, các cửa hàng thức ăn nhanh, mà các nơi bán đồ ăn vặt cũng gây ra việc này khi không có chỗ cho khách hàng đậu xe. Vì vậy họ phải đậu trên lề đường, thậm chí tràn xuống đường, gây cản trở giao thông, khiến người đi đường bức xúc.
Thức ăn nhanh, ăn vặt là mặt hàng luôn hút khách. Tuy nhiên, đa số các cửa hàng bán thức ăn nhanh, ăn vặt đều có quy mô nhỏ, được bày bán tại cửa hàng hoặc trên các xe lưu động sát mép đường để khách hàng tiện mua. Cũng chính vì vậy nên những cửa hàng này là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, cản trở giao thông.
Điển hình như tại một cửa hàng bán bánh mì (nằm trên đường Trần Nhân Tôn, đối diện đường Hòa Hảo, Q.10). Nơi đây khách hàng thường rất đông đúc vào buổi sáng và chiều tối nhưng không có chỗ để khách đậu xe. Nhiều lúc khách đông, họ phải đậu tràn ra khoảng 1/3 con đường Trần Nhân Tôn để chờ mua hàng. Để đi qua được đoạn đường này, người đi bộ phải lùi ra đường để đi. Nhiều lúc xe đông trông rất nguy hiểm.
Là người dân nơi đây, cô Nguyễn Thị Bính (55 tuổi) cho biết: “Mỗi sáng tôi đều đi chợ, khoảng từ 6 giờ sáng thì không vấn đề gì nhưng từ 7 giờ trở đi thì khách ghé mua bánh mì rất đông. Người đi bộ đứng đợi mua cũng có, người ngồi trên xe cũng có. Có hôm, khách tràn xuống đường, nhiều lúc thấy họ cản trở giao thông, chiếm phần đường dành cho người đi bộ tôi rất khó chịu nhưng cũng phải chịu vì đó là việc làm ăn, mua bán của người ta mà. Mình là người dân đâu làm gì được”.
Nói về sự việc này, nhân viên của cửa hàng này cho biết, do cửa hàng được thuê nên diện tích khá khiêm tốn. Bên trong chỉ đủ để nhân viên sản xuất bánh mì, còn phía ngoài thì đặt cái quầy để bán cho khách hàng. Cửa hàng nằm sát đường nên không có chỗ để khách đậu xe. “Nhiều người cũng phàn nàn, khó chịu nhưng khách hàng chỉ chờ mua bánh vài phút là họ đi ngay. Khách nào đậu lấn ra lòng đường chúng em có nhắc nhở và ưu tiên bán bánh cho họ trước để không ảnh hưởng đến người đi đường. Em rất mong mọi người thông cảm” – nhân viên cho biết.
Người dân đậu xe tràn ra đường chờ mua bánh mì tại một cửa hàng trên đường Trần Nhân Tôn (đối diện đường Hòa Hảo)
Nhiều tuyến đường khác trên địa bàn TP.HCM cũng xảy ra tình trạng này. Không chỉ có các cửa hàng thức ăn nhanh mới góp phần làm cản trở, ùn tắc giao thông, các gánh hàng rong cũng tận dụng lòng đường để mua bán, khách hàng muốn mua phải dừng xe lại giữa đường. Những đoạn đường nào ít xe thì không ảnh hưởng, còn đoạn đường nào kẹt xe gây ra nhiều khó khăn cho những người tham gia giao thông, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người mua lẫn người bán.
Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM như: Cộng Hòa, Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình), Phan Văn Hớn (Q.12), Hoàng Sa, Trường Sa (Q.3), Quang Trung, Phạm Văn Chiêu, Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1)… tràn lan các phương tiện, hàng quán tự ý dừng đỗ, chiếm dụng diện tích vỉa hè, lòng đường để buôn bán, gây cản trở đến việc di chuyển qua lại của người đi đường. Một số nơi còn có nhân viên cửa hàng đứng đường vẫy tay mời khách ghé cửa hàng của mình khiến cho nhiều người đi đường khó chịu, thậm chí còn làm cho một số người bị giật mình.
Nhìn chung, công tác quản lý, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các quận, huyện đều nỗ lực trong việc thực hiện giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Nhiều quận huyện thường xuyên ra quân kiểm tra, rà soát nên cũng tạo được chuyển biến bước đầu. Một số quận, huyện còn có giải pháp, mô hình hay để khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)