Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), sông Thu Bồn và Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã và sắp thoát cảnh ô nhiễm rác thải nhựa nhờ máy thu gom rác tự động ứng dụng khoa học công nghệ.
Thành viên dự án và tình nguyện viên giới thiệu những thùng rác sau khi trang trí
Với mong muốn giảm thiểu rác thải nhựa trên sông, cải thiện chất lượng môi trường nước, một nhóm bạn trẻ đưa ra ý tưởng cho dự án có tên Green River. Theo đó, Green River tập hợp những người trẻ yêu môi trường là sinh viên, giảng viên ở nhiều chuyên ngành đang học tập, làm việc trong và ngoài nước, gồm: Nguyễn Hoàng Sơn (21 tuổi), Huỳnh Ngọc Thái Anh (30 tuổi), Bùi Mỹ Nhật (25 tuổi), Trần Thanh Tâm (22 tuổi) và Trần Long Hải (23 tuổi).
Vì những dòng sông không rác thải nhựa
Khởi động từ giữa năm 2020, dự án Green River bắt đầu từ việc tặng thùng rác cho tiểu thương đặt trên ghe, hộ kinh doanh bên bờ sông và đưa vào hoạt động máy thu gom rác tự động. Điểm đầu tiên mà dự án triển khai là chợ nổi Cái Răng với dự án con là Cái Răng Green River 1. Đây là khu vực có đông người mua bán, thu hút khách du lịch từ khắp nơi, vì vậy lượng rác thải mỗi ngày cũng cao hơn những nơi khác. Theo khảo sát, chỉ sau 3 tháng hoạt động, lượng rác thải tại đây đã giảm đến 70%.
Dự án Green River tặng thùng rác cho tiểu thương chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)
Bên cạnh hoạt động tặng thùng rác, thu gom rác tự động, dự án còn tuyên truyền thông điệp giảm rác thải nhựa bảo vệ môi trường đến tiểu thương và du khách thông qua các baner treo trên ghe, tàu lớn. Nguyễn Hoàng Sơn (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trưởng dự án) bộc bạch: “Thành công bước đầu ngoài mong đợi của dự án là đã kết nối được với hàng trăm người trẻ, tình nguyện viên có tình yêu đặc biệt với môi trường cùng hành động. Đặc biệt là 100% tiểu thương đồng tình, các hộ kinh doanh du lịch lớn trên địa bàn cũng nhiệt tình hỗ trợ dự án. Trong quá trình thực hiện, nhóm được tiếp xúc, học tập kinh nghiệm từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức hoạt động môi trường. Đây là cơ hội để nhóm tiếp tục mở rộng dự án ở một số địa phương”.
Nhóm khảo sát thực hiện dự án tại Cù Lao Chàm
Ban đầu, nhóm dự định mua thùng rác rồi trang trí xung quanh. Tuy nhiên, ý thức được việc tái chế rất quan trọng trong việc giải quyết bài toán kinh tế cũng như góp phần giảm thiểu rác thải nhựa nên nhóm quyết định thu gom thùng sơn, chai nhựa đã qua sử dụng để tái chế thùng rác cỡ lớn. Tương tự, đối với máy thu gom rác tự động, ban đầu nhóm có ý định thuê tàu lớn để thu gom nhưng chi phí cao, hơn nữa máy không hoạt động tốt trên mặt nước. Từ đó, nhóm bắt tay thiết kế máy thu gom rác tự động điều khiển từ xa phù hợp với điều kiện mặt nước…
Ứng dụng công nghệ giải quyết ô nhiễm
Máy thu gom rác tự động có thiết kế khá đơn giản với các phần vỏ, khung, lưới cuộn, hộp chứa rác và động cơ. Thông qua hệ thống vi mạch kết nối với điện thoại di động, người sử dụng điều khiển từ xa để rác cuộn vào lưới đưa vào hộp chứa, sau đó di chuyển đến nơi có xe thu gom. “Để có được chiếc máy với chi phí thấp nhất (khoảng 7 triệu đồng) nhưng vẫn đảm bảo hoạt động lâu dài, nhóm phải mất 3 tháng cho các công đoạn. Khó khăn lớn vẫn là khâu tìm nguyên liệu, tính toán thiết kế phù hợp để đảm bảo độ nổi của máy trong quá trình vận hành. Máy thu gom rác tự động do nhóm thiết kế được UNESCO bình chọn là một trong 8 ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa”, Hoàng Sơn tự hào cho biết.
Các thành viên của dự án thuyết trình tại vòng ươm tạo chương trình Sáng kiến thủ lĩnh khí hậu Việt Nam
Tại vòng ươm tạo chương trình Sáng kiến thủ lĩnh khí hậu Việt Nam do UNICEF, Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường & phát triển (CHANGE) cùng SIHUB (Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) phối hợp tổ chức, ông Trần Công Bình (chuyên gia UNICEF tại Việt Nam) đánh giá dự án đã đưa ra những giải pháp cụ thể giải quyết được vấn nạn rác thải trên sông. Điểm nổi bật của dự án là ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với xu hướng công nghệ.
Mục tiêu của dự án Green River là giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, cải thiện chất lượng môi trường nước, qua đó nâng cao nhận thức của người dân cùng chung tay hành động vì môi trường. |
“Từ kết quả bước đầu của Cái Răng Green River 1, hiện dự án đang tiếp tục triển khai, mở rộng tại Cần Thơ. Theo đó, dự án mở rộng sẽ đi sâu vào giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm trên sông và tạo sinh kế cho tiểu thương”, Hoàng Sơn cho hay. Cùng với đó, dự án đang thực hiện tại Hội An (Quảng Nam) nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Thu Bồn và Cù Lao Chàm. Từ sự hỗ trợ của UNESCO và một đơn vị đồng hành, nhóm đang gấp rút hoàn tất các công đoạn cuối cùng để kịp bàn giao cho Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và đưa vào hoạt động vào ngày 26-5 tới.
Nói về dự án Green River trong tương lai, Hoàng Sơn cho hay: “Hiện nhóm đang cải tiến thiết kế máy thu gom rác tự động với vật liệu chống ăn mòn, nhỏ gọn và dễ dàng tháo lắp. Đặc biệt là máy có lắp camera, camera HD để quan trắc dưới mặt nước và nhận diện, phân loại rác. Đồng thời sẽ mở rộng dự án ở nhiều tỉnh/thành với mong muốn những con sông xanh hơn, môi trường sống trong lành, thân thiện hơn”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)