Thế nào là "con người đáp ứng yêu cầu xã hội"? Thế nào là "phân cấp quản lý mạnh đối với các địa phương"? Đề nghị phải viết câu chữ rõ ràng, không ghi chung chung, để đến năm 2020 có thể kiểm chứng lại… Đây là ý kiến của các nhà quản lý phòng GD, hiệu trưởng trường phổ thông ở Hà Nội, góp ý cho dự thảo chiến lược giáo dục 2009 – 2020 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức chiều 14/1.
11 năm hay 20 năm?
Thầy và trò cùng đổi mới phương pháp (Trường THCS Liên Châu, Vĩnh Phúc). Ảnh: Bảo Anh |
"Chúng ta đã có chiến lược 2001 – 2010 và hiện nay, năm 2009, vẫn đang ngồi đây để "chẻ" ra bàn bạc. Nếu cần điều chỉnh lần 1 (2001-2010) thì cứ làm, nhưng lần 2 phải bắt đầu từ năm 2010", ông Trần Thanh Sơn, ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) thẳng thắn.
Ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng nên nói thẳng đây phải là giai đoạn từ 2011 – 2020. Bởi, năm 2009 còn đang phải bàn thảo.
Thậm chí, dự thảo còn… kéo lùi thời gian. Ông Niềm ví dụ, trong giải pháp 4 (trang 18) dự thảo có đoạn: "Hoàn thành việc thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới vào năm 2008...". Thực tế, đã qua năm 2008, không nên có chi tiết này.
Trong mục IV (trang 12) phần Mục tiêu, tiêu đề là "Chiến lược giai đoạn 2009 – 2020" (11 năm) nhưng ngay câu đầu tiên lại ghi "trong vòng 20 năm tới…".
"Chúng ta không thể đặt giáo dục ra ngoài quá trình phát triển kinh tế – xã hội", ông Vũ Mạnh Kha, Chủ tịch Hội khuyến học Hà Nội nói rõ. Trong phần thành tựu, dự thảo có câu "đã đào tạo con người đáp ứng yêu cầu xã hội" nhưng chưa thấy thống kê nào nói về hiệu quả giáo dục – đào tạo.
Thế nào là "con người đáp ứng yêu cầu xã hội"? Ông Kha đề nghị, phải xác định đến năm 2020, con người Việt Nam sẽ ra sao, kinh tế như thế nào để có cơ sở xây dựng chiến lược giáo dục.
Tuyển dụng giáo viên theo cơ chế hợp đồng: Đã làm được 3 năm
Mang tới hội thảo 10 trang góp ý, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Hội Khoa học tâm lý GD Hà Nội) thẳng thắn: Cần đưa lên hàng đầu phần nguyên nhân dẫn đến tồn tại của giáo dục là "do tư duy giáo dục chậm đổi mới".
Dù đồng ý với 2 giải pháp đột phá nhưng ông Lâm vẫn đề nghị "phải viết những câu chữ rõ ràng để thực hiện chứ không phải định hướng, ghi chung chung". Cụ thể, quyền của trường học được thay đổi tổ chức quản lý như thế nào, cơ chế làm nên chất lượng của nhà trường…
Trong giải pháp "xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục" cũng cần nói rõ giáo viên phải thay đổi ra sao để có được chất lượng giáo dục mới". Với chế độ hợp đồng thay biên chế, phải có lộ trình để bồi dưỡng, củng cố người cũ…
Còn ông Trần Thanh Sơn nhìn nhận, "nếu công tác quản lý gặp khó thì chất lượng đào tạo không dễ bật lên".
Bởi, hệ thống các trường quản lý gần như bị giải tán hết. Những người làm quản lý hiện nay phần lớn đều được đào tạo từ sư phạm, dạy các môn Sinh, Hóa, Toán,… sau quá trình tự thân phấn đấu thì lên làm quản lý. Người quản lý phải làm tất cả các việc từ quan hệ đối ngoại, tài chính,… và "nhiều khi quá sức".
Ông Sơn cho rằng, ý tưởng luân chuyển giáo viên khó khả thi. Bởi, cán bộ vùng núi vẫn thiếu nhưng cho người đi học cử tuyển, học xong thì tìm đường ở lại. Đưa cán bộ lên cũng chỉ được 3-4 năm lại loanh quanh chuyển. Vận động giáo viên lên vùng cao 3-5 năm sẽ được về xuôi. Nhưng về đâu khi mà "trường dưới xuôi" đã đủ biên chế?
Cũng trong giải pháp đột phá thứ 2, "từ năm 2010 số giáo viên, giảng viên được tuyển dụng sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế", trao đổi với VietNamNet bên lề hội thảo, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc thực hiện biên chế và hợp đồng dài hạn không khác nhau nhiều, chỉ là cách thực hiện mềm dẻo hơn. Giáo viên có thể kết thúc hợp đồng và thông báo trước cho nhà trường.
Tuy nhiên, nếu quan tâm đến "đầu vào, đầu ra" thì khác doanh nghiệp. Ở các doanh nghiệp, nhân viên không đáp ứng được yêu cầu có thể bị mời ra ngay; còn trong trường học, phải bồi dưỡng thêm. Trường hợp không thể đáp ứng mới chấm dứt hợp đồng.
Từ 3 năm nay, Hà Nội đã có khoảng hơn 10% giáo viên tuyển dụng theo cơ chế hợp đồng dài hạn trong tổng số gần 73 nghìn giáo viên.
Bảo Anh (VNE)
Bình luận (0)