Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chiến lược dài hơi cho đào tạo nghề

Tạp Chí Giáo Dục

 

Năm nay, theo số liệu của Bộ GD&ĐT có gần 2 triệu thí sinh thi vào ĐH-CĐ, nhưng tổng chỉ tiêu tuyển mới ĐH-CĐ năm 2011 tuy có tăng so với năm trước nhưng cũng chỉ vào khoảng 550.000 sinh viên. Như vậy sẽ có tới trên 1 triệu thí sinh sẽ trượt ĐH-CĐ và học nghề là một trong những lựa chọn có vẻ hợp lí nhất.
Chưa có chiến lược đào tạo nghề tổng thể
Học viên trường CĐ Nghề TP. Hồ Chí Minh trong giờ thực hành Ảnh: PHƯƠNG VY
Nhiều năm nay, việc đào tạo nghề được đánh giá là khá thụ động. Học sinh học hết chương trình phổ thông hầu hết thi các trường ĐH-CĐ, nếu trượt thì thi lại và con đường …cuối cùng được chọn là học nghề.
Mặc dù vài năm gần đây, công tác hướng nghiệp được đẩy mạnh, học sinh cân nhắc kĩ hơn khi chọn cho mình hướng lập nghiệp nhưng học nghề xem ra vẫn được coi là một con đường lập nghiệp thứ yếu, chưa được đặt đúng vị trí.
Hệ thống đào tạo nghề chủ yếu là đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề. Trong khi đó, sau khi học xong các trường ĐH-CĐ, nhiều sinh viên đã không thể tìm được một công việc ổn định, đúng chuyên ngành đã học.
Trong khi chờ đợi, họ đã phải làm các công việc chân tay, đa phần là không cần đến bằng cấp như phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng, nhân viên tiếp thị…và một số công việc khác. “Hiện nay, trên thị trường lao động Việt Nam không thiếu việc làm mà điều lo ngại nhất là thiếu người làm được việc”, nhiều chuyên gia tuyển dụng đã nhận xét như vậy và còn cho rằng kỹ năng của sinh viên ĐH-CĐ mới ra trường là chưa hình thành nếu không muốn nói là không có.
Thậm chí có người còn đưa ra con số cụ thể trên 80% sinh viên mới ra trường có kiến thức nhưng quá yếu kỹ năng xử lý những tình huống. Rõ ràng từ bằng cấp ĐH-CĐ tới việc làm không phải là một con đường  trẻ ngắn và bằng phẳng.
Trong khi đó, nhiều học sinh sau khi học xong chương trình THCS đã chọn cho mình con đường tiến thân bằng học nghề. Khi cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp THPT cũng là lúc họ đã có một nghề có thể tự kiếm sống và nếu muốn, họ hoàn toàn có thể tiếp tục hoàn thành các chương trình CĐ-ĐH. Có thể nói, tâm lí sính bằng cấp không chỉ ăn sâu vào tiềm thức của đại đa số học sinh mà còn cả các bậc phụ huynh. Và để thay đổi nhận thức này cũng như có một chiến lược phát triển lâu dài, đào tạo nghề xem ra là công việc khó đối với các Bộ, ngành liên quan.
Đào tạo theo nhu cầu xã hội, hướng đi cho những năm tới
“Đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn là một trong hai nhiệm vụ chiến lược về đào tạo nghề sẽ được triển khai đồng bộ trong năm 2011”, ông Cao Văn Sâm- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định như vậy khi nói đến công tác đào tạo nghề năm 2011.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có hơn 250.000 doanh nghiệp, thu hút khoảng 9 triệu lao động. Dự kiến chỉ vài năm sau, nước ta sẽ có khoảng trên 600.000 doanh nghiệp, tạo thêm 4 triệu việc làm mới. Đó sẽ là nơi đến cho hàng triệu học viên học nghề. Và mục tiêu trọng tâm của ngành dạy nghề trong năm 2011 là tuyển sinh dạy nghề cho 1.860.000 người, trong đó cao đẳng nghề, trung cấp nghề tăng 16,5% so với kế hoạch năm 2010, hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn xem ra cũng vẫn chưa đáp ứng đủ lao động cho các doanh nghiệp đang cần.
Theo nhận định của Tổng cục Dạy nghề, nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm 2011 sẽ bao gồm các nhóm nghề kỹ thuật như cơ điện tử, lắp máy, xúc ủi hoặc nghề hàn bậc cao, lập trình viên, kỹ thuật viên máy tính. Tiếp theo là nhóm nghề điện tử, dệt may – da giày, chế biến thực phẩm, mộc – mỹ nghệ, trang trí nội thất.
Để đáp ứng nhu cầu này, Tổng cục Dạy nghề đã và đang xúc tiến các mối liên kết giữa các trường dạy nghề với doanh nghiệp để cùng hỗ trợ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu. Với những ngành nghề mũi nhọn và công nghệ cao, các bên sẽ có những hợp đồng đào tạo theo hình thức hợp đồng đặt hàng. Về hiệu quả của các chương trình hợp tác, theo báo cáo chi tiết của các trường trong hệ thống dạy nghề, vài năm tới tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 80%, có nghề đạt 100% ngay sau khi tốt nghiệp.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tuyển sinh đào tạo nghề năm 2011 vừa được Tổng cục Dạy nghề – Bộ LĐ,TB&XH tổ chức tại 4 điểm cầu truyền hình Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, định hướng tuyển sinh năm 2011 được đề ra rất cụ thể. Đó là đào tạo CĐ nghề, trung cấp nghề để hình thành đội ngũ lao động có trình độ phục vụ cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Các đại biểu cũng nhấn mạnh các giải pháp tăng cường tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp học phổ thông nhằm làm tốt việc phân luồng học sinh học nghề sau THCS. Đặc biệt, các trường trung cấp nghề, nhất là các trường thuộc địa phương, vùng sâu, vùng xa được khuyến khích tăng cường tuyển học sinh tốt nghiệp THCS, học sinh chưa tốt nghiệp THPT vào học.
Theo Quốc Hùng
(VH)

Bình luận (0)