Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chiến lược Dân số-sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011 – 2020: Mục tiêu và những giải pháp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Công tác dân số (DS) và sức khoẻ sinh sản (SSKSS) là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của  toàn xã hội. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số và Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản (giai đoạn 2001-2010), Việt Nam cơ bản đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên một số vấn đề DS-SKSS hiện vẫn đang là thách thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Trên cơ sở phân tích một số hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Chiến lược DS-SKSS (giai đoạn 2001-2010), Dự thảo Chiến lược lần này đã nêu ra những vấn đề DS-SKSS đặt ra trong 10 năm tới như: chất lượng dân số còn hạn chế, tình trạng sức khoẻ bà mẹ còn nhiều thách thức, cung ứng phương tiện tránh thai gặp khó khăn, tình trạng phá thai và vô sinh còn nhiều, tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và liên tục… Dự thảo Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2020 cũng đã vạch ra các mục tiêu và nhóm giải pháp nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua những thách thức để đảm bảo quy mô, cơ cấu và phân bố dân số ngày càng phù hợp, cải thiện tình trạng SKSS góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Theo đó, trên mỗi lĩnh vực DS và CSSKSS đều có các nhóm mục tiêu cụ thể được đặt ra, bao gồm:
Về DS: thứ nhất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu KHHGĐ của nhân dân, duy trì mức sinh thấp hợp lý để số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (tổng tỷ suất sinh) ở mức 1,8, quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020. Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản có chất lượng, vào năm 2020 phấn đấu giảm 50% trường hợp vô sinh thứ phát so với năm 2010; thứ hai, tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để ít nhất 50% số người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng vào năm 2020; thứ ba, tăng cường lồng ghép các biến dân số vào hoạch định chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện hệ thông tin quản lý về dân số, SKSS, đáp ứng yêu cầu xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành.
Về SKSS, một là, khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh để tỷ số này vào năm 2020 không vượt quá 115, đặc biệt tập trung vào các địa phương có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trầm trọng, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức bình thường; hai là, nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật, và tử vong ở trẻ em. Phấn đấu vào năm 2020 giảm tỷ lệ chết sơ sinh xuống còn dưới 10‰, tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi dưới 12‰, tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi dưới 18‰;ba là, nâng cao sức khỏe bà mẹ, vào năm 2020 giảm 30% tỷ số tử vong mẹ so với năm 2010, thu hẹp đáng kể sự khác biệt về các chỉ báo sức khỏe bà mẹ giữa các vùng, miền; bốn là, giảm mạnh phá thai, đưa tỷ số phá thai xuống dưới 25/100 trẻ đẻ sống vào năm 2020, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn; năm là, vào năm 2020, giảm 30% tỷ lệ nhiễm khuẩn đường sinh sản, giảm 20% tỷ lệ nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục so với năm 2010. Chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm ung thư đường sinh sản, ít nhất 50% số người trong nhóm từ 30 đến 54 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung và 50% số phụ nữ trên 40 tuổi được sàng lọc ung thư vú vào năm 2020; sáu là, cải thiện SKSS vị thành niên và thanh niên, để vào năm 2020 tỷ lệ có thai ở vị thành niên và tỷ lệ phá thai ở vị thành niên đều giảm 50% so với năm 2010 và có ít nhất 75% số điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS có dịch vụ thân thiện cho vị thành niên và thanh niên; bảy là, cải thiện SKSS cho các nhóm dân số đặc thù, chú trọng người di cư, người khuyết tật, người có HIV, một số dân tộc có nguy cơ suy thoái. Đáp ứng kịp thời nhu cầu CSSKSS cho người bị bạo hành giới và trong trường hợp thảm hoạ thiên tai;
Nhằm thực hiện tốt các nhóm mục tiêu trên, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác DS và SKSS, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy đảm bảo quản lý và thực hiện có hiệu quả công tác này.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận; mở rộng giáo dục về DS và SKSS, phòng ngừa HIV, giới và bình đẳng giới, sức khỏe tình dục trong và ngoài nhà trường. Tăng cường sự tham gia của đối tượng và cộng đồng trong việc lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và phản hồi về các hoạt động giáo dục và truyền thông.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới một số các giải pháp điều kiện góp phần giải quyết những mục tiêu trên như: xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về DS và SKSS; xã hội hóa, phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế; tài chính, hậu cần; đào tạo, nghiên cứu khoa học và thông tin tư liệu.
Như vậy, căn cứ vào những mục tiêu và giải pháp đã đề ra, việc thực hiện thành công Chiến lược DS và SKSS giai đoạn 2011-2020 không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước, mà còn tạo cơ sở cho những chuyển biến tiếp tục về các yếu tố DS và SKSS theo hướng tích cực sau năm 2020, với việc điều chỉnh chính sách phù hợp, dân số nước ta sẽ thay đổi mạnh cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố, tạo ra những thuận lợi và thách thức mới. Từ đó, có thể tiếp tục dự báo những xu thế phát triển có liên quan đến DS và SKSS như: Mức sinh và tốc độ gia tăng quy mô dân số tiếp tục giảm; tỷ số giới tính khi sinh sẽ trở lại bình thường; việc tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện và xử lý sớm các trường hợp mắc bệnh, tật nguy hiểm trở thành nhu cầu thiết yếu của các cặp vợ chồng; các dịch vụ CSSKSS được mở rộng toàn diện hơn trong khuôn khổ sức khoẻ gia đình thay vì chỉ tập trung cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi; công tác CSSKSS trở thành nhu cầu thường xuyên của người dân./.
Theo Diệu Linh
(ĐCSVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)