Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chiến lược GD chưa “xứng tầm” chiến lược quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Theo lộ trình lấy ý kiến của Bộ GD-ĐT cho dự thảo “Chiến lược phát triển Giáo dục 2009-2020” lần thứ 14 sẽ được kết thúc vào cuối tháng 2 này. Tuy nhiên, buổi lấy ý kiến khối các trường ĐH, CĐ cả nước qua 4 điểm cầu truyền hình (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ) diễn ra sáng nay (27/2) khá sôi nổi với nhiều ý kiến không đi…"chung đường" với Bộ?
"Những chủ nhân tương lai của đất nước…" Ảnh Lê Anh Dũng
Giáo dục ĐH: Chưa có giải pháp đột phá 
Ý kiến ở đầu cầu TP.HCM chiếm gần 1/3 tổng số gần 20 ý kiến góp ý cho dự thảo lần thứ 14. Mặc dù, quá 12 giờ nhưng Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà phải “ngắt mạch” đầu cầu ý kiến của TP.HCM và xin tiếp thu ý kiến bằng văn bản.
“Phát nổ” gây xôn xao đầu cầu Hà Nội là  ý kiến của Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCMVõ Văn Sen khi ông này thẳng thắn: “Nếu Chiến lược phát triển Giáo dục Việt Nam 2009-2020” là kế hoạch dài hạn thì ổn. Còn là “Chiến lược quốc gia” thì tiếp tục phải điều chỉnh nhiều mới có thể công bố. Vì sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, trong khi nhiều chỉ số đưa ra không sát thực….
Ông Sen cho rằng, kế hoạch phát triển giáo dục ĐH đến 2020 trong chiến lược chưa đề ra giải pháp đột phá, đón đầu. Thực tế, việc mở trường ĐH, CĐ thời gian qua đã quá chú trọng vào số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng.
Nếu so sánh với tốc độ phát triển dân số nước ta thì không cần phát triển quá nhiều trường ĐH (mục tiêu Vụ Giáo dục ĐH đề ra đến năm 2020 số trường ĐH, CĐ phải nâng lên 600, tăng gần 200 trường so với hiện nay) nhưng lại thiếu trường đạt chuẩn, được xã hội tin tưởng.
Bộ cần có một đợt tổng kiểm tra tất cả các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc và công bố thống kê các trường không đạt. Việc mở trường đã nhanh, có nhiều ngành mới-lạ ra đời cũng rất nhanh thế mà vẫn mở được mới lạ!?
Cùng quan điểm này, GS Lê – Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo TW chia sẻ:  việc củng cố, đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo…mở ngành đào tạo cũng mất vài năm. Việc thiếu cán bộ quản lý, giảng viên giàu kinh nghiệm là thách thức lớn đang đặt ra đối với các trường ĐH, CĐ.
GS Lê còn chỉ rõ hiện tượng phổ biến tại các trường ĐH hiện nay: Trong khi, một số trường ĐH hiện không chú trọng nghiên cứu khoa học mà tuyển sinh đào tạo CĐ, TCCN dẫn đến chất lượng thiếu và yếu.  Giáo dục ĐH chưa có giải pháp đột phá, đi trước, đón đầu nên chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu.
Chiến lược không chỉ của ngành
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội Nguyễn Văn Hùng thì: những giải pháp dự thảo Chiến lược vạch ra vẫn theo lối viết kinh điển. Từ những ý đồ, ý tưởng và kế hoạch đặt ra phải có “gói” giải pháp thực hiện đồng bộ, tổng thể, nhất quán và khách quan. “Gói” giải pháp ở chiến lược 14 này vẫn chưa rõ.
Do vậy, phải có bổ sung, điều chỉnh để Chiến lược không chỉ trong ngành GD thực hiện mà tất cả các cấp, bộ ngành khác đều thực hiện thì mới thành công, đưa giáo dục thực sự là “quốc sách hàng đầu”. Chiến lược này mới khoanh vùng ở ngành GD chưa phải ở tầm quốc gia nên khó giải quyết những tồn tại của ngành đang đặt ra.  
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM Thái Bá Cần nêu quan điểm, giải pháp được hiểu là hành động để thực thi mục tiêu. Nhưng điều “lạ” ở trong Chiến lược này thì các giải pháp đều không có liên kết với các mục tiêu đề ra!?
Ông chứng minh: trong mục tiêu không đề cập đến “đổi mới quản lý để nâng chất lượng” nhưng ở phần giải pháp lại coi đó là “mấu chốt” quan trọng thực hiện thành công đổi mới. Chưa kể, một số mục tiêu trong Chiến lược đưa ra không có giải pháp thực hiện như: thu hút 15.000 sinh viên nước ngoài vào Việt Nam theo học… Để thực hiện được điều này cần một loạt các giải pháp mở rộng, giao lưu…, nhưng Chiến lược chưa thấy thể hiện rõ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long thừa nhận, những ý kiến nêu: Chiến lược chưa làm rõ được những chủ trương, những tư tưởng lớn và chưa có sức nặng. Cách viết phù hợp với một nghị quyết hơn là 1 chiến lược quốc gia… – là rất xác đáng và sẽ có điều chỉnh phù hợp.
Đầu tư công sức…viết lại?
Đề cập tới giáo dục mầm non, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ băn khoăn: “Chúng ta chưa thật sự quan tâm đến bậc học này, thời gian qua giáo dục mầm non có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra không thể đổ hết lỗi cho các cô giáo mà phải chỉ rõ cả trách nhiệm của cả các địa phương. Cô giáo mầm non hàng ngày phải làm việc quá sức trong khi đó chế độ lương bổng còn quá thấp không tương xứng…
Thạc sĩ Nguyễn Thị Chim Lang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa- Vũng Tàu góp ý cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, không nên dùng từ tiến tới mà phải dùng từ thay đổi nhanh cơ chế tuyển dụng đội ngũ bằng chế độ hợp đồng thay cho biên chế để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu trong đội ngũ nhà giáo…
Số đông các đại biểu đều cho rằng, các chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược cần phải gắn với ngân sách giáo dục, vì nếu ngân sách giáo dục không tăng thì các chỉ tiêu đề ra rất khó thực hiện.
Hiện nay, xã hội hóa là một xu thế tất yếu trong bối cảnh trường công không thể gồng gánh hết được. Tuy nhiên, xã hội hóa cũng phải quan tâm đến chất lượng đào tạo ở các trường. Vì vậy, cần có chiến lược công tư phối hợp (trường công cung cấp nhân lực giảng dạy, trường tư cung cấp cơ sở vật chất…).
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM Nguyễn Kim Phúc cho rằng: "Với mục tiêu xã hội học tập, học tập suốt đời thì vai trò của ĐH mở rất quan trọng, quy mô đào tạo của các nước ở hình thức này cũng rất lớn. Ở Việt Nam quy mô đào tạo của ĐH mở gấp 3 lần ĐH chính qui, do đó rất cần sự quan tâm của nhà nước. Trong khi đó chiến lược chưa nêu ra được những giải pháp cụ thể.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà cho biết, Bộ đang chỉ đạo xây dựng mô hình 2 ĐH mở Hà Nội và TP.HCM trở lại đúng với nguyên lý, cách thức hoạt động của ĐH mở trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Thường trực Bành Tiến Long đã yêu cầu, thường trực Ban soạn thảo đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, thời gian phối kết hợp với các vụ chức năng của Bộ đầu tư nhiều trí tuệ, công sức nhiều hơn để xây dựng một bản Chiến lược đúng yêu cầu phát triển GD đào tạo quốc gia đến năm 2020.
 Kiều Oanh (Vietnamnet) 
TS Trần Thị Quốc Minh, Hiệu trưởng CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM: “Đến lúc phải có chế độ đãi ngộ giáo viên…”
Tôi ủng hộ việc phân chia từng giai đoạn thực hiện. Nhưng mỗi giai đoạn nên có một chiến lược trọng tâm để toàn ngành, toàn dân cùng dồn sức thực hiện
Đã đến lúc chúng ta phải có chế đội đãi ngộ giáo viên thật rõ ràng, đồng thời phải có những tiêu chí đặt ra cho người thầy. Một khi đã có những tiêu chí thì những người làm công tác quản lý sẽ rất nhẹ nhàng. Cứ chiếu theo tiêu chí để biết được ai đáp ứng được yêu cầu, ai cần phải bồi dưỡng thêm và ai chưa đáp ứng…
Trong thời gian tới, tôi cũng muốn Bộ tập trung giải quyết những lãng phí trong ngành giáo dục. Hiện nay, chúng ta đặt mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ, nhưng chúng ta chưa có giải pháp nào để tránh lãng phí chất xám mà hiện tại chúng ta đang có.
Không ít trường hợp, trường có 5-7 tiến sĩ nhưng chỉ có 1-2 người có môi trường để hoạt động, thể hiện tài năng của mình ở các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học. Còn lại chỉ là giảng dạy đơn thuần. Như thế rất lãng phí!
 

PGS TS Trương Ngọc Thục – Chủ tịch Hội đồng quản trị (Trường CĐ Viễn Đông):“Mục tiêu phải đi kèm với giải pháp”

Ban soạn thảo nên nêu rõ những luận cứ khoa học làm căn cứ xây dựng chiến lược. Trong đó, phải mổ xẻ thực trạng nền giáo dục của chúng ta hiện nay nhất là những yếu kém trong quản lý, những bất cập trong cơ cấu hệ thống giáo dục.
Cụ thể, không ở đâu lại tồn tại trường CĐ nghề khi không có được kiến thức cơ sở của bậc CĐ, ĐH. Hiện nay chúng ta đang quản lý phân hóa, manh mún
Mấu chốt để xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục là phải nhanh chóng cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân thành một hệ thống thống nhất, tập trung đầu mối quản lý nhà nước về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chiến lược phát triển là phải xây dựng cho được sứ mạng và tầm nhìn của giáo dục Việt Nam đến năm 2020. Từ đó mới xây dựng được mục đích và mục tiêu lâu dài của nền giáo dục. Và hơn hết, mục tiêu chiến lược phải đi kèm với các giải pháp hữu hiệu.
·                                 Đoan Trúc

Bình luận (0)