Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chiến lược giáo dục: Số liệu đánh giá không rõ ràng

Tạp Chí Giáo Dục

Với các số liệu đánh giá không rõ ràng,  phân tích chưa thật sâu sắc và đầy đủ các cơ hội và thách thức, các nhà chiến lược có dựa trên các điều tra khảo sát thực trạng để phân tích hay không? v.v… Từ những lý do này, TS Fulbright Trần Thị Bích Liễu "thực sư băn khoăn về luận cứ khoa học và khả năng thực thi" nếu dự thảo chiến lược giáo dục 2009-2020 được thông qua. 

> Dự thảo Chiến lược Giáo dục 2008-2020: Nhiều chỉ tiêu duy ý chí

Các số liệu đánh giá (thô và tỉ lệ %) không rõ ràng 


HS thi tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008. Ảnh: Lê Anh Dũng

Để chứng minh đúng các thành tựu và các yếu kém thì phải có tỉ lệ % được tính từ các số liệu thô và so sánh với một con số khác. 

Ví dụ: Một số đánh giá sau: Các cơ sở giáo dục ngoài công lập ngày càng phát triển. Vào năm học 2007-2008, cả nước có gần 6.000 cơ sở giáo dục mầm non, 95 trường tiểu học, 33 trường THCS, 651 trường THPT, 308 cơ sở dạy nghề, 72 trường trung cấp chuyên nghiệp và 64 trường CĐ, ĐH là các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Số HSSV học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập ngày càng tăng. Năm học 2007-2008, tỷ lệ HSSV ngoài công lập là 15,6%, trong đó tỷ lệ HS phổ thông là 9%; học sinh trung cấp chuyên nghiệp là 18,2%; học nghề là 31,2%; sinh viên CĐ, ĐH là 11,8%.  

Ở đây, có hai câu hỏi đặt ra:  

– Tỉ lệ % của các trường ngoài công lập này so với trường công lập là bao nhiêu từ các số thô này? Tăng % từ năm 2007-2008 so với một năm học nào đó là bao nhiêu và giúp giải quyết những vấn đề gì của hệ thống GD? Sở dĩ phải có những đánh giá như vậy là để thấy tốc độ tăng đó là mừng hay lo? Tác dụng của hệ thống GD ngoài công lập phải được nhận định đúng thì mới có chính sách phát triển đúng cho hệ thống này và trả lời câu hỏi: đặt nó vào vị trí nào trong chiến lược? 

– Tỉ lệ % HS/SV ngoài công lập này so với tỉ lệ HS/SV công lập hay so với HS/SV trong độ tuổi? Sao không có số thô để chú thích cho tỉ lệ %? Nếu người viết bản chiến lược này trình bày theo cách sau thì tôi sẽ cảm thấy yên lòng hơn: năm học 2007-2008 tỉ lệ HS/SV ngoài công lập là 15,6% so với tỉ lệ HS/SV trong độ tuổi dân số (số lượng HS/SV ngoài công lập/HS/SV trong độ tuổi dân số) hay tỉ lệ HS/SV ngoài công lập là 15,6% so với tỉ lệ HS/SV toàn hệ thống GD ((số lượng HS/SV ngoài công lập/ HS/SV trong hệ thống). 

Các cơ hội và các thách thức phân tích chưa thật sâu sắc và đầy đủ 

Năm 2005-2006, TS Trần Thị Bích Liễu được quỹ Học bổng Fulbright tuyển chọn nghiên cứu về giáo dục ĐH ở Mỹ. Đề tài nghiên cứu: "Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH ở Mỹ và bài học áp dụng cho Việt Nam". Hiện nay, TS Liễu công tác tại Khoa Sư phạm, ĐHQG Hà Nội.

Dự thảo chưa nhìn thấy hết các xu thế phát triển giáo dục của thế giới, đặc biệt là Hiệp định GATS và vấn đề dịch vụ, thị trường giáo dục. Theo tôi, cần phân tích rõ hơn và sâu sắc hơn các vấn đề sau:

  Tác động của nền kinh tế thị trường đối với GD ở các nước và xu hướng phát triển GD trong nền kinh tế thị trường của các nước – họ đã vận dụng các qui luật của thị trường như thế nào để phát triển GD? Bài học kinh nghiệm cho VN để phát huy các thế mạnh và hạn chế các sai lầm mà thế giới đã mắc phải. 

 Các nước chuẩn bị cho quá trình toàn cầu hóa và thế kỉ 21 như thế nào? Nhấn mạnh những vấn đề gì trong việc đào tạo nguồn nhân lực?  Năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực đang được đặt lên vị trí hàng đầu trong các chiến lược phát triển của các nước như một công cụ quyết định sự thắng lợi của một quốc gia trên thương trường quốc tế. 

 Cần phân tích sâu hơn yêu cầu của nền kinh tế tri thức: tác động của IT đối với các mặt của đời sống và đối với GD bởi vì hiện giờ IT chi phối hầu hết mọi mặt của đời sống và tác động sâu sắc đến các thành tựu kinh tế, văn hóa giáo dục của tất cả các nước. IT làm thay đổi sâu sắc bản chất của lao động và yêu cầu đối với năng lực của người lao động ở tất cả các ngành nghề. 

Mục tiêu trọng tâm đúng nhưng chưa đủ 

Mặc dù nhận định đúng về ICT nhưng trong mục tiêu và giải pháp không đưa vấn đề này thành mục tiêu hay giải pháp trọng tâm để phát triển giáo dục mà chỉ đề cập như là các chương trình mục tiêu quốc gia xếp ở hàng thứ 14. 

Phát triển kĩ năng IT, sử dụng IT trong GD-ĐT phải vừa là mục tiêu trọng tâm, vừa là giải pháp đột phá để phát triển GD và đào tao nguồn nhân lực có năng lực cạnh tranh.

Năng lực cạnh tranh trong thời đại ngày nay thể hiện ở khả năng sử dụng thông tin. Để cạnh tranh, một tổ chức cần có năng lực sáng tạo, luôn tạo ra các ý tưởng mới và sản phẩm mới. Tổ chức đó phải biết thay đổi và thích nghi và sử dụng thành công CNTT. Trong thời đại mà sự cạnh tranh và tính phức tạp của thế giới ngày càng tăng, sự phát triển nhanh của các môi trường cạnh tranh, điều quan trọng là phải chuẩn bị trước một bước năng lực cạnh tranh

Chiến lược có nói về vấn đề này nhưng chưa đủ mạnh và chưa gắn với năng lực sử dụng CNTT. Chỉ khi xác định đúng trọng tâm thì mới có sự đầu tư phù hợp không lãng phí các nguồn lực trong điều kiện kinh phí vô cùng hạn hẹp. 

 Muốn VN không lạc hậu và cạnh tranh được trên trường quốc tế hãy làm một cuộc cách mạng về ICT (từ trang bị cơ sở hạ tầng đến nâng cao nhận thức, đào tạo kĩ năng sử dụng ICT và sử dụng thông tin để làm việc, sáng tạo và cạnh tranh cho CBQLGD, GV và HSSV – nguồn nhân lực nói chung). 

Bỏ quên phương pháp phân tích  

Tỉ lệ các chỉ tiêu đưa ra không rõ dựa trên căn cứ khoa học nào. Ví dụ, 60% người lao động được qua đào tạo năm 2020 là dựa vào đâu hay đây chỉ là những con số cơ học, mang tính cảm tính vì hiện tại tỉ lệ này là 31,5%? 

Giải pháp đưa ra cho các mối kết hợp: Cơ hội + các điểm mạnh; cơ hội + các điểm yếu; thách thức + các điểm mạnh; thách thức + các điểm yếu là gì và như thế nào thì chưa thấy vì khi phân tích các điểm mạnh, yếu, thách thức và cơ hội các nhà chiến lược đã bỏ quên vấn đề này. 

Tôi hi vọng những đóng góp này là xác đáng và được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện tốt hơn. Tôi không rõ khi phân tích thực trạng, các nhà chiến lược có dựa trên các điều tra khảo sát thực trạng hay không vì các nước khi làm chiến lược mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu thực tiễn trong nước và thế giới. 

Trong dự thảo chiến lược đã xuất hiện những ý tưởng mới. Quan điểm chỉ đạo, một số mục tiêu, giải pháp đề ra khá táo bạo mà nếu thực hiện được sẽ đem lại nhiều đổi mới mang tính đột phá cho giáo dục. Các nhà làm chiến lược đã nhìn thẳng hơn vào những hạn chế và yếu kém của nền giáo dục. Dự thảo đã cố gắng phân tích một cách toàn diện các yếu tố tác động đến giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

 TS Trần Thị Bích Liễu (Vietnamnet)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)