Đến năm 2020, từ 85 – 99% trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học và THCS |
Đó là ý kiến của nhiều giáo sư, tiến sĩ và các nhà quản lý giáo dục tại buổi tọa đàm khoa học “Góp ý cho chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam (2009-2020)” do Viện Nghiên cứu giáo dục – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa tổ chức…
Nhiều yếu kém chưa được nhìn nhận
Nhiều đại biểu cho rằng, chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam (CLPTGDVN) 2009-2020 (bản dự thảo lần thứ 14) đã mạnh dạn chỉ ra nguyên nhân của sự yếu kém trong công tác quản lý giáo dục. Tuy nhiên, dự thảo này còn bỏ sót nhiều vấn đề lớn mà xã hội đang rất bất bình.
“Tình trạng nhà trường chỉ lo chạy theo “chất lượng”, được hiểu là điểm số, tỷ lệ lên lớp, khối lượng kiến thức trong các môn phải thi tốt nghiệp, thi đại học mà coi nhẹ việc giáo dục đạo đức cho học sinh (HS), sinh viên (SV). Hậu quả là xuất hiện những nhận thức, hành vi và thói quen lệch xa các chuẩn mực đạo đức trong một bộ phận không nhỏ HS, SV. Chuyện HS, SV chửi thề, đánh lộn, cướp của, giết người không còn là biểu hiện quá cá biệt. Bên cạnh đó là tình trạng dễ dãi trong việc thành lập các trường ĐH hữu danh vô thực, tùy tiện trong quản lý. Điều đó đang làm xói mòn uy tín của trường ĐH cũng như làm tăng thêm tình trạng “hàng” giả, “hàng” kém chất lượng trong giáo dục ĐH. CLPTGDVN đã không hề nhắc gì đến những yếu kém nghiêm trọng này của giáo dục nước ta”, TS. Hồ Thiệu Hùng – nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh.
GS. Phạm Phụ- Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng cho rằng: Trong CLPTGDVN, chúng ta chưa xác định được giáo dục nước nhà đang ở đâu so với thế giới và so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy mà mục tiêu chiến lược đưa ra quá xa vời, còn giải pháp thì chỉ nêu ra được là “làm cái gì” trong khi đó cái chúng ta cần là “làm như thế nào”.
Còn GS.TS. Lê Ngọc Trà – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thì cho rằng: “CLPTGDVN đang được làm theo lối tư duy cũ, tư duy của 30-40 năm trước. Bởi vậy mà chiến lược không ra chiến lược, kế hoạch cũng không kế hoạch. Nếu là kế hoạch thì phải có mốc thời gian cụ thể, nếu là chiến lược thì phải có tư tưởng lớn. Có thể nói 6 quan điểm trong CLPTGDVN đã không thể hiện được tính chiến lược, không có những điểm đột phá. Theo tôi, chúng ta cần phải đổi mới tư duy giáo dục bằng những nhiệm vụ, cách làm cụ thể. Điều đó có nghĩa là phải làm lại CLPTGDVN bằng cách thành lập một ủy ban cải cách giáo dục bao gồm các GS, TS, nhà giáo có tâm huyết với giáo dục trong và ngoài nước. Ủy ban này là một tổ chức độc lập chứ không phải là Bộ GD-ĐT …”.
Mục tiêu: Chỉ chạy theo số lượng
CLPTGDVN 2009-2020 đã đưa ra 5 mục tiêu như 99% trẻ 5 tuổi được học mẫu giáo; 85-99% trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học và THCS; 60% lao động qua đào tạo; 98% dân số từ 15 – 35 tuổi biết chữ… Đặc biệt là mục tiêu nâng tỷ lệ SV/vạn dân lên 450 vào năm 2020. Không ít ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT đang chạy theo số lượng thay vì phải đảm bảo và nâng cao chất lượng.
Theo TS. Hồ Thiệu Hùng thì: “Chỉ tiêu nâng tỷ lệ SV/vạn dân lên 450 vào năm 2020 sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng chạy theo con số, làm nở rộ thêm các trường ĐH hữu danh vô thực và cho ra trường những SV yếu kém. Trong khi đó thực tế đã chứng minh yếu tố đẩy mạnh sự phát triển kinh tế bền vững không phải là số lượng mà là chất lượng giáo dục. Sự tăng trưởng quá “nóng” về số lượng SV nhằm rút ngắn khoảng cách về số lượng SV/vạn dân với các nước láng giềng sẽ khiến cho phát triển giáo dục không thể bền vững được, phát triển kinh tế cũng sẽ chịu chung số phận”.
GS.TS. Lê Ngọc Trà cũng nhấn mạnh: “Từ nay đến năm 2020 chỉ còn 12 năm nhưng CLPTGDVN lại đưa ra quá nhiều mục tiêu, trong khi đó không đề ra được các giải pháp cụ thể. Theo tôi, chúng ta nên nghiên cứu chương trình sách giáo khoa của các nước tiên tiến. Song song đó là phải thay đổi đội ngũ cũng như phương pháp nghiên cứu biên soạn sách giáo khoa, nếu không thì dù có sách giáo khoa mới cũng chỉ là bộ sách mới kiểu cũ mà thôi”. Đồng quan điểm với GS.TS. Trà, TS. Nguyễn Cam – Giám đốc Trung tâm Công nghệ dạy & học thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục cho rằng: “Không thể đổi mới giáo dục khi chương trình hiện nay quá nặng, HS phổ thông học suốt ngày, không còn thời gian để suy nghĩ sáng tạo”.
Góp ý cho chiến lược này, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: “Chiến lược phải đi từ cái gốc, phải thực chất vì làm giáo dục là phải căn cơ, bền vững. Cái tồn tại lớn và cần phải sửa đổi của giáo dục hiện nay chính là vấn đề quản lý. Vì quản lý chậm đổi mới nên đã tạo ra một số giáo viên bị cho là lạc hậu, là đạo đức có vấn đề. Theo tôi, Bộ GD-ĐT phải mạnh dạn phân cấp cho địa phương, cho trường. Cái gì địa phương, trường làm được thì Bộ nên giao cho họ làm. Chẳng hạn như vấn đề tuyển sinh ĐH-CĐ, các trường làm được sao Bộ không để các trường làm mà cứ phải làm thay”…
Bài & ảnh: Thùy Anh
Bình luận (0)