Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020: Lo ngại làn sóng chạy theo số lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 27-2, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo qua bốn điểm cầu truyền hình góp ý cho dự thảo lần thứ 14 chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020. Đại diện của 250 trường ĐH, CĐ tham dự.
Xoay quanh những mục tiêu cụ thể ở bậc giáo dục ĐH, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về mục tiêu đạt 450 sinh viên/10.000 dân, 80% sinh viên tốt nghiệp “đủ khả năng làm việc” và việc xây dựng một số trường ĐH VN nằm trong top đầu các trường ĐH trong khu vực và quốc tế vào năm 2020…
Theo ý kiến một số trường ĐH, mục tiêu đặt ra phải khả thi trên cơ sở xuất phát điểm là bức tranh giáo dục hiện nay, xét cả mặt tích cực và tiêu cực, phải có lộ trình, giải pháp hợp lý, chế độ chính sách để thực hiện được, tránh việc áp dụng một chiến lược có thể làm gia tăng bệnh thành tích, chạy theo số lượng. PGS Thái Bá Cần – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – nhận xét: “Dự thảo mới chỉ thiên về những chỉ số thể hiện sự phát triển giáo dục về mặt số lượng, chưa cân nhắc đến chất lượng”.
Bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, giải thích do VN phấn đấu là nước có nền kinh tế công nghiệp nên phải đặt ra mục tiêu 450 sinh viên/10.000 dân, tương đương 35% người trong độ tuổi học ĐH. Ông Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, góp ý: nếu những mục tiêu đặt ra là cần thiết cho yêu cầu phát triển đất nước và đáp ứng nhu cầu hội nhập thì cũng phải nghĩ đến những giải pháp chấp nhận được để bảo đảm chất lượng.
Ông Sen nói: “Tới lúc cần phải sửa sai trong việc lâu nay chúng ta đã dễ dãi chạy theo số lượng. Một trong những biểu hiện rõ rệt của điều này là số sinh viên tăng 10% nhưng số giảng viên chỉ tăng 2% trong cùng một thời điểm, dẫn đến việc ra đời những trường ĐH không xứng tầm”.
Yêu cầu về đội ngũ giáo viên đề cập trong dự thảo cũng khiến nhiều đại diện trường ĐH e ngại về việc có thể tạo nên làn sóng chạy theo số lượng. Bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, nhất trí với việc coi xây dựng đội ngũ giáo viên là một trong hai giải pháp đột phá. Nhưng đề nghị phải làm rõ các vấn đề liên quan đến chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, điều kiện đào tạo để tránh làm gia tăng nạn “học giả, bằng thật”.
TRỊNH VĨNH HÀ (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)