Hội nhậpThế giới 24h

Chiến sự ác liệt nhất năm 2022

Tạp Chí Giáo Dục

Tạp chí Anh The Economist xác định, cuộc chiến ở Ethiopia, chứ không phải Ukraina, là cuộc chiến đẫm máu nhất năm 2022 với hơn nửa triệu người thiệt mạng.
Xe cộ bị phá hủy sau các vụ nổ ở Kiev, Ukraina, ngày 10.10.2022.
Cuộc xung đột đẫm máu nhất thế giới năm ngoái không phải ở Ukraina mà ở Ethiopia – tạp chí The Economist dẫn lời tiến sĩ Comfort Ero, người đứng đầu viện nghiên cứu Crisis Group, cho biết. 600.000 người được cho là đã thiệt mạng trong Chiến tranh Tigray từ năm 2020 đến năm 2022.
Số liệu từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cho thấy khoảng 22.000 dân thường thương vong ở Ukraina, trong đó hơn 8.000 người chết và 14.000 người bị thương trong cuộc xung đột tính đến tháng 3.2023.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế đều chỉ trích cộng đồng quốc tế vì đã không làm đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng Tigray và không quy trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã nhiều lần kêu gọi toàn cầu chú ý hơn đến cuộc xung đột vốn kết thúc vào tháng 11.2022 sau khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết.
Mặc dù cuộc chiến ở Tigray đã "kết thúc”, The Economist bày tỏ lo ngại về xung đột sắc tộc tiếp theo.
“Trong khi quân đội chính phủ bị phân tâm bởi cuộc chiến ở Tigray, các thành viên của nhóm dân tộc lớn nhất Ethiopia, Oromo, đã hồi sinh một cuộc nổi dậy cũ và đang cố gắng đánh đuổi các nhóm dân tộc khác ra khỏi khu vực quê hương của họ” – The Economist viết.
Cảnh sát Liên bang Ethiopia diễu binh ở quảng trường Meskel, Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia, ngày 30.9.2020.
Cuộc xung đột vũ trang kéo dài hai năm ở Tigray được cho là kết quả của sự chia rẽ chính trị và sắc tộc lâu đời ở Ethiopia, cũng như hệ thống liên bang phức tạp của nước này. Căng thẳng giữa chính phủ Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray gia tăng khi lực lượng dân quân Amhara và quân đội Eritrea đứng về phía chính phủ Ethiopia. Cuộc khủng hoảng được cho là đã dẫn đến việc phong tỏa Tigray, ngăn viện trợ nhân đạo đến tay người dân.
Theo The Economist, khi sự chú ý chuyển sang “sự cạnh tranh giữa các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc”, xung đột ở “phần còn lại của thế giới” đang trở nên tồi tệ hơn.
Số người buộc phải rời bỏ nhà cửa đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, lên khoảng 100 triệu người. Ngay cả khi nghèo đói toàn cầu giảm, số người tuyệt vọng cần viện trợ khẩn cấp vẫn tăng gấp đôi kể từ năm 2020, lên 340 triệu người, trong đó khoảng 80% số này là do xung đột.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)