Nói xấu, bôi nhọ, chê bai trước mặt khách, giảm giá… là những chiêu được nhiều đơn vị kinh doanh tung ra nhằm gây khó khăn cho đối thủ trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
"Chiếc đồng hồ này chị mua ở đâu mà trông cứ giả giả kiểu gì ấy. Đúng là không phải hàng chính hãng có khác. Quầy của bọn em ở dãy bên kia, trông lung linh lắm chứ không giống như cái chị đang đeo”, cô nhân viên bán hàng ở siêu thị Parkson nói sau khi mời chào chị Minh mua sản phẩm tại quầy mình không được.
Khi chị Minh hỏi xem chiếc đồng hồ hiệu giống như của mình được trưng bày ở đâu, dấu hiệu nào cho thấy cái chị đang đeo không phải hàng chính hãng, cô nhân viên mặt tỉnh queo nói rằng: "Hàng khan hiếm, khách hỏi mua tới tấp, chắc tuần sau chị quay lại mới có. Tin em đi, chị đã mua phải hàng nhái".
Chị Minh ra về lòng nặng trĩu như thể bị mất cắp. Cách đây nửa năm, ông xã mua cho chiếc đồng hồ chị đang đeo trên tay tại Pacific Place, cô bán hàng còn khẳng định chắc chắn đây là chiếc đầu tiên có mặt ở Hà Nội với giá lên tới 26,7 triệu đồng.
Tức mình, sáng hôm sau, chị cầm chiếc đồng hồ cùng giấy bảo hành ra Pacific Place để "làm cho ra nhẽ". Được hướng dẫn tận tình cách nhận biết hàng thật giả và những địa điểm bày bán hàng chính hãng, chị Minh mới vỡ ra đây là một trong những chiêu "dìm hàng". Sau khi mời mọc chị mua một chiếc đồng hồ khác không được, nhân viên cửa hàng liền quay sang chê, trong khi sản phẩm này không có đại lý nào tại Parkson.
Trên biển hiệu đề rõ dòng chữ "Lưu ý cửa hàng kế bên mới mở". Ảnh minh họa: tinhnhanhblog. |
Lâu nay, người ta không còn mấy xa lạ với hình ảnh hai hàng nằm cạnh nhau cùng bày bán một chủng loại sản phẩm. Chẳng may, khách hàng dựng xe ở quán này mà vào nhầm hàng kia, kiểu gì cũng bị người bán càu nhàu hoặc ném lại một cái nguýt dài.
Quán bún chả Sinh Từ nằm giữa con phố Nguyễn Khuyến chuyên bày bán dao kéo từ nhiều năm nay. Nhưng về sau, thêm một cửa hàng thứ hai mang tên Sinh Từ xuất hiện với biển hiệu, logo y hệt như quán cũ. Chưa kể, hàng mới quyết "hạ" hàng cũ bằng đội ngũ nhân viên trẻ hơn, đẹp hơn và nhiệt tình hơn. Tức mình, chủ quán Sinh Từ cũ "chơi lại" bằng cách tung ra chiêu dán lên biển hiệu câu "Lưu ý: Cửa hàng kế bên mới mở".
Người Việt Nam xưa nay vẫn có câu "Buôn có bạn, bán có phường". Thế nhưng điều này không còn đúng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, hàng hóa, sản phẩm bày bán tràn lan trên thị trường. 7 nhà cung cấp viễn thông đang giằng nhau miếng bánh thị phần với trên 80 triệu thuê bao di động. Cạnh tranh khốc liệt không chỉ còn tập trung vào giá cước, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn mà những "trò bẩn" cũng bắt đầu xuất hiện.
Những người có mặt ở sân bay Đà Nẵng trung tuần tháng 7 qua đều nhớ cảnh một khách hàng ăn nói vỗ bã, chê bai đủ kiểu trước mặt hàng chục khách đang đứng mua sim điện thoại. Người thanh niên chừng 26 tuổi bước vào cửa hàng bán sim điện thoại của một mạng di động mới hỏi về thủ tục hòa mạng, vùng phủ sóng, giá cước…
Sau khi đi dạo một vòng, lướt qua một loạt dải số và đã được giải đáp hết thắc mắc này đến thắc mắc khác, vị khách bắt đầu quay ra chê bai. Lúc đầu anh chê cái biểu tượng nhí nhố, cách bán hàng thiếu chuyên nghiệp. Chưa kịp để nhân viên bán hàng phản ứng, anh ta quay ra nói to trước hàng chục khách đang có mặt ở đó về vùng phủ sóng hạn hẹp, chất lượng kém, mới ra đời thị phần nhỏ, tuổi thọ không cao. Rồi, rất nhanh chóng vị khách rời khỏi cửa hàng như thể vừa hoàn thành xong công việc của mình.
Hồng Nhung, nhân viên bán hàng, cho hay, những chuyện tương tự vẫn thường xảy ra kể từ khi cô đảm nhận vị trí trưởng nhóm bán hàng tại đây. Nhung khẳng định những việc làm trên được thực hiện bởi nhân viên khảo sát thị trường của công ty đối thủ. "Không ít lần em đã nhìn thấy thẻ ghi rõ tên tuổi công ty nơi mà người này làm việc. Bọn em chỉ biết báo cáo tình hình với lãnh đạo chứ chẳng biết làm gì khác", Nhung than thở.
Phan Linh Anh (VNE)
Bình luận (0)