Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương cho biết, khoảng trưa và chiều nay, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Ông Trần Quang Hoài chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới sáng 25.9. ẢNH PHAN HẬU
Sáng nay (25.9), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã họp bàn và triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, lúc 8 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 130 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 – cấp 7 (tức là từ 40 – 60 km/giờ), giật cấp 9.
Nhận định cụ thể hơn, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, cho biết khoảng trưa và chiều nay (26.9), áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh – Hải Phòng.
Hiện tại, các trung tâm dự báo của Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ đều có chung nhận định, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có gió mạnh cấp 6 – cấp 7, giật cấp 9. Nhưng theo số liệu tốc độ gió đã đo được tại đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương nhận định, khi ở trên biển, áp thấp nhiệt đới có gió mạnh cấp 7 nhưng đi vào bờ thì sẽ yếu hơn, chỉ còn ở cấp 6, giật cấp 8.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương cảnh báo, từ trưa và chiều nay, trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8. Vùng ven biển các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình có gió giật mạnh cấp 6 – cấp 7.
Ông Hoàng Đức Cường cũng cho biết, đáng lo nhất là mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn diện rộng ở các tỉnh đông bắc Bắc bộ và bắc Trung bộ, với tổng lượng mưa phổ biến từ 50 – 150 mm. Trong đó, riêng khu vực đông bắc Bắc bộ có mưa lớn trên 150 mm. Tại khu vực Hà Nội, mưa lớn bắt đầu từ chiều nay, dự báo sẽ gây ngập úng ở một số tuyến phố khiến giao thông ùn tắc.
Sẵn sàng ứng phó ngập úng do mưa lớn
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lưu ý các địa phương không được chủ quan trong công tác ứng phó. Đặc biệt, việc phòng chống ngập úng, sạt lở các khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản phải được chuẩn bị tốt nhất, tránh để xảy ra thiệt hại nặng như trận mưa lớn hồi năm 2015.
“Trong cơn bão số 10 vừa qua, bão rất mạnh nhưng thiệt hại về người ở mức thấp nhất, nếu trong áp thấp nhiệt đới này để xảy ra thiệt hại về con người thì đó là lỗi của công tác chỉ đạo ứng phó”, ông Hoài nhắc nhở.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến sáng nay (26.9), ở vùng biển gần bờ tỉnh Quảng Ninh vẫn còn 1.125 phương tiện và Hải Phòng còn 851 phương tiện đang hoạt động.
Đối với số phương tiện trên, ông Hoài yêu cầu lực lượng biên phòng tuyến biển tiếp tục liên lạc, kêu gọi vận động vào nơi tránh trú. Ngoài ra, các địa phương nêu trên phải quản lý chặt chẽ các phương tiện, kiên quyết không để ngư dân chủ quan ra khơi đánh bắt hải sản trong khi áp thấp nhiệt đới chuẩn bị đổ bộ. Ở các vùng đô thị, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương sẵn sàng ứng phó với tình trạng ngập úng do mưa lớn cục bộ ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là khu vực Hà Nội.
Phan Hậu/TNO
Bình luận (0)