GV hướng dẫn học sinh ôn tập trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010. Ảnh: Ngọc Anh |
Còn khoảng một tuần là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010, nhằm giúp thí sinh nắm được các lỗi thường gặp khi làm bài, Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu những chia sẻ của thầy cô ở môn tiếng Anh và hóa học.
Cô Trần Thị Liễu (Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận)
Môn ngoại ngữ: Không cần làm nháp
Cấu trúc đề thi thử theo hình thức trắc nghiệmmôn tiếng Anh vừa qua sát với cấu trúc đề thi tốt nghiệp hằng năm. Tôi nghĩ nếu các em làm bài thi thử tốt chắc chắn sẽ làm được bài thi tốt nghiệp. Đề dễ nhưng vẫn có câu phân loại để học sinh khá giỏi lấy được điểm cao. Nếu em nào không làm được chứng tỏ em đó không chịu học bài chứ không phải vì lý do khách quan từ phía đề thi. Không có kiến thức cơ bản thì khó làm bài, môn học nào cũng theo nguyên tắc đó chứ không chỉ riêng môn ngoại ngữ. Ở đây cũng nói rõ thêm là có một số em còn thiếu tự tin, học tràn lan nhiều loại sách và cứ nghĩ như vậy là tốt. Các em nên bám theo chương trình và sách giáo khoa là tốt rồi vì đề thi thường không thách đố học sinh mà chủ yếu là kiểm tra kiếm thức đã học. Phần từ vựng phải nắm kỹ các động từ, giới từ. Ngữ pháp thì nắm cấu trúc câu, thì. Kiến thức toàn cấp học đã nằm gọn trong chương trình từ lớp 10 đến lớp 12 và cứ lặp đi lặp lại như thế chứ không có gì quá phức tạp.
Bài thi trắc nghiệm luôn có 4 đáp án, chúng ta dễ dàng loại ngay 2 đáp án sai dễ nhìn thấy vì ít khi người ra đề cho cả 4 câu gần đúng. Sau đó mới tập trung vào 2 đáp án gần đúng và đúng còn lại theo kiểu “gài bẫy”. Vì thế đừng vội vàng chọn câu gần đúng trước mà dễ bị “mắc bẫy”, phải cân nhắc chính xác để chọn đáp án đúng nhất. Tốt nhất là sử dụng phương pháp loại trừ, khoanh vùng đối với những câu chưa có đáp án đúng. Trong phần ngữ âm phải chọn âm chính xác, chọn dấu nhấn đúng phần trọng âm. Riêng phần phát âm dễ bị nhầm lẫn vì có khi cùng một chữ nhưng có cách phát âm khác. Phần từ vựng thì phải “đi theo” từng chủ đề nhất định như gia đình, chương trình học, TDTT…
Phần ngữ pháp thường đơn giản, kiến thức đã học từ lớp 10 và có kiến thức từ lớp 6 chứ không có gì xa lạ. Các em thường bị “vấp” phần đọc đoạn văn do thiếu vốn từ nên cứ lo dịch nghĩa từ. Dịch được các nghĩa từ thì tốt, có như vậy mới hiểu được nội dung cả câu và toàn đoạn văn. Nhưng không phải từ nào các em cũng biết nên không cần thiết biết hết các từ trong đoạn văn mà phải đọc cả đoạn để phỏng đoán toàn bộ nội dung đoạn văn. Có khi đọc sang câu 2 mới hiểu được ý câu 1 vì câu 2 là ý phụ của câu 1. Hoặc đọc một câu bất kỳ ở trong đó là hiểu được ý toàn văn bản vì đó là câu chủ đề của đoạn văn. Thi trắc nghiệm khác với tự luận nên các em không cần làm nháp vì khi viết lại vào bài làm dễ bị lệch hàng. Sai một câu kéo theo sai hết nhiều câu sau đó. Sau khi chọn xong thì tô đen luôn nếu phát hiện sai thì tô lại vì làm bài bằng bút chì nên tẩy xóa và sửa lại được.
Thầy Nguyễn Tất Phúc (giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền)
Môn hóa: Làm câu dễ trước
Trong bài thi môn hóa học, chỉ có nắm vững kiến thức cơ bản thí sinh mới làm tốt những yêu cầu đề ra và đạt được điểm cao. Trong kỳ thi thử vừa qua, lớp nào cũng có vài em đạt điểm 9, 10. Ưu điểm của các bài thi đó là kiến thức vững không sai sót hay nhầm lẫn khi tính toán làm bài. Nguyên nhân chính là do các em học tới đâu nhớ tới đó, không có tình trạng học dồn lại vào một thời điểm cuối kỳ hoặc cuối năm. Còn các bài thi có điểm thấp là do các em học chưa tập trung, còn lan man. Mặt khác trong đề thi lần này lại có câu hỏi về phần hữu cơ nằm trong học kỳ 1 nên các em ôn chưa tới. Chương trình thay sách giáo khoa mới môn hóa học có thêm chương Môi trường nhưng chưa thấy ra đề trong kỳ thi học kỳ 2 và thi thử. Tuy nhiên các em cũng không được chủ quan khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp nên phải học chứ không được bỏ qua.
Ngoài việc nắm vững kiến thức các em phải có kỹ năng làm bài tốt. Đó là kỹ năng vận dụng kiến thức, không chỉ học thuộc mà phải biết áp dụng như khi áp dụng Định luật bảo toàn khối lượng, Định luật bảo toàn nhân tố, Định luật bảo toàn e-let-tron… Có khi cùng một câu hỏi nhưng cách ra đề khác nhau, vì thế các em phải đọc kỹ đề để xác định được dạng của nó. Hai yêu cầu này luôn có mối quan hệ qua lại mật thiết hỗ trợ cho nhau. Không nắm vững kiến thức thì khó có kỹ năng làm bài tốt. Ngược lại dù nắm vững kiến thức nhưng ít luyện bài tập, thiếu phần thực hành thì cũng khó có được kỹ năng làm bài. Hóa học là môn thi trắc nghiệm nên đúng sai rõ ràng, nếu đánh sai là mất điểm. Khi gặp câu khó đừng dành quá nhiều thời gian để cố giải cho ra mà nên chuyển sang câu dễ ưu tiên làm trước để tận dụng thời gian làm bài, cứ chú trọng vào một câu thì sẽ mất cơ hội. Đó cũng là một kinh nghiệm khi các em làm bài thi.
P.N.Q (ghi)
Bình luận (0)