Chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu cảnh giác nên tân sinh viên dễ trở thành “con mồi” cho chiêu trò lừa đảo của những đối tượng xấu, đặc biệt trong thời điểm chuẩn bị nhập học.
Mất tiền nhận hàng mình không đặt
Đầu tháng 9.2022, B.T.T.A, sinh viên (SV) Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận được một cuộc gọi yêu cầu nhận hàng và bị lừa mất một khoản tiền khá lớn. “Hôm đó, shipper (người giao hàng – PV) gọi điện cho tôi bảo xuống cổng ký túc xá nhận hàng của một ứng dụng mua sắm trực tuyến. Đơn hàng trị giá 1.350.000 đồng, tôi nói anh giao nhầm người rồi vì không dùng app đó”, T.A kể.
Tìm việc làm thêm trên mạng luôn ẩn chứa nhiều rủi ro với sinh viên. PHẠM HỮU
Người này vừa dọa nạt T.A vừa đọc các thông tin cá nhân khác để lấy lòng tin của nữ sinh. “Ông ta đọc đúng hết thông tin của tôi nên tôi “bán tín bán nghi” hay do mình đặt mà không nhớ. Ông ta nói rằng chỉ nhận giao hàng thôi, nếu tôi không lấy là tôi “boom” hàng. Vì sợ rắc rối nên tôi chạy ra đưa tiền rồi cầm hàng vào mà không hỏi đó là gì”, T.A nhớ lại.
Biên lai đóng tiền mà bạn của V.B.T đã đóng cho nơi môi giới. THÚY LIỄU
Lúc người đàn ông đó cầm tiền đi mất thì T.A mới nhận ra là cô bị lừa. T.A bức xúc: “Nó chỉ là một cái hộp lớn bên trong có để cái chai khử mùi gì đó thôi. Ông ta cũng không mặc đồ shipper”.
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học. Đây là mục tiêu thường bị các đối tượng xấu nhắm vào để lừa đảo đầu năm học. ĐÀO NGỌC THẠCH
Mang nợ vì tuyển dụng trực tuyến
Ngày 22.9, T.A tiếp tục bị lừa đặt cọc làm cộng tác viên cho một nền tảng tiếp thị bán hàng trực tuyến. “Công việc là viết bài bình luận từ 50 – 200 từ, sau khi trao đổi, bên đó yêu cầu tôi chuyển tiền phí mới cho làm. Tôi cũng suy nghĩ đến việc phải phỏng vấn rồi duyệt hồ sơ này kia nhưng thấy công việc quá bình thường nên bỏ qua hết. Tôi chuyển tiền ngay”, T.A nói.
Theo thỏa thuận thì T.A sẽ nhận tiền ngay trong ngày làm nhưng sau 1 tuần thì nữ sinh vẫn không nhận được lương. “Tôi hỏi lại thì họ nói sau 1 – 2 ngày mới có tiền. Lúc đấy tôi nghi mình bị lừa rồi nhưng do đã chuyển tiền nên tôi cũng ráng đợi thêm. Sau đó tôi có nhắn hỏi lại thì nhận được câu trả lời là do tôi làm sai nên không có lương”, nữ sinh ngậm ngùi cho biết.
Tương tự, do cần tìm việc làm thêm, V.B.T (20 tuổi, SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) lên mạng tìm thông tin tuyển dụng và thấy thông báo chuỗi rạp chiếu phim CGV đang tuyển nhân viên nên đăng ký làm việc. B.T cho biết bài đăng tuyển dụng không để địa chỉ làm việc mà phải nhắn tin vào số Zalo trong bài thì mới được gửi địa chỉ. “Tôi và một người bạn đi theo địa chỉ được gửi đến là KP. 4, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, nhưng đó là một con hẻm vắng. Tôi gọi lại cho họ thì được gửi lại định vị là số 47 – 37 Đường số 8, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức. Khi đến nơi thì tôi được bảo vệ ở đó hướng dẫn đi vào trong để nộp hồ sơ”, B.T kể.
“Họ nói muốn xin việc thì phải có giấy khám sức khỏe, nếu không có thì bên họ sẽ làm giúp cho tôi, tôi chỉ cần đóng phí 30.000 đồng. Trong lúc phỏng vấn thì không có gì bất thường, nhưng tôi bị yêu cầu phải đóng thêm 600.000 đồng tiền đồng phục, nếu không mang đủ tiền thì đóng cọc tối thiểu 100.000 đồng”, nữ sinh kể lại.
Sau đó, B.T và bạn của mình được đưa qua phòng kế toán và viết biên lai đóng tiền với nội dung “ĐÓNG CỌC 100.000 ĐỒNG TIỀN ĐỒNG PHỤC” và được dặn nộp đủ tiền phí vào hôm sau. Người bạn đi cùng B.T thì đóng đủ 600.000 đồng.
Do phải đi học vào hôm sau nên B.T về nhà lấy tiền lên đóng ngay nhưng khi quay lại nơi xin việc thì được người dân gần đó cảnh báo lừa đảo. B.T nói: “Do bị lạc nên tôi hỏi thăm người dân nhờ chỉ đường và được dặn đừng quay lại nữa, dân ở đó ai cũng biết họ lừa SV nhẹ dạ. Về nhà, tôi lên website chính thức của CGV thì mới biết họ tuyển nhân viên thì không có thu phí gì hết”.
Ra trường cách đây vài tháng nhưng Nguyễn Ngọc Mai (23 tuổi, nhân viên văn phòng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn nhớ như in những thủ đoạn lừa đảo tân SV khi tìm việc làm. Hiện nay, trên những website, trang mạng không thiếu những lời rao tuyển dụng việc làm hấp dẫn dành cho SV. Trong muôn trùng lời rao trực tuyến đó, Mai cho biết những công việc như bán hàng siêu thị, trang thương mại điện tử đều có dấu hiệu của lừa đảo đa cấp. Những lời rao này luôn thu hút SV bởi nội dung hấp dẫn, thu nhập cao, giờ làm linh hoạt, không ràng buộc khi làm việc, rất dễ đăng ký tham gia phỏng vấn.
Khi nhận việc, nơi tuyển dụng lại yêu cầu đóng các khoản phí như đồng phục, sổ tay, hướng dẫn và các chi phí tập huấn là 300.000 đồng, SV không có tiền vẫn có thể cho trả góp. Những việc này chỉ thực chất tạo tâm lý thử thách năng lực làm việc, hứa hẹn cơ hội phát triển lớn khi Mai tham gia vào công ty. Tuy vậy, mục đích cuối cùng là gợi ý mua hàng bòn rút tiền. SV nào không có tiền sẽ xin tiền gia đình, vay mượn hoặc thậm chí bán điện thoại, máy tính, xe máy và lôi kéo những bạn bè khác cùng tham gia.
Cũng chỉ vì tin lời quảng cáo hấp dẫn trên mạng nên T.V.H (SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) rơi vào bẫy việc làm trực tuyến. H. tìm việc trên các nhóm tuyển dụng cộng đồng với công việc bán hàng qua mạng và kèm theo động tác “like”, “share” (thích, chia sẻ) các quảng cáo trên kênh Facebook, YouTube, TikTok là được nhận tiền.
Trước khi làm việc, bên giao việc buộc H. phải nạp tiền thế chân. Vì tin tưởng, H. nạp vào tài khoản việc làm 300.000 đồng thì sẽ nhận lại hoa hồng. Sau đó yêu cầu số tiền thế chân ngày càng nhiều sẽ được nhận hoa hồng càng cao. Cuối cùng số tiền H. nạp vào lên đến
5 triệu đồng nhưng không nhận được đồng hoa hồng nào. H. trở thành con nợ vì phải vay mượn bạn bè, cuối cùng SV này phải cầu cứu gia đình để trả nợ cho mình.
Lừa thuê nhà trọ
Ông Đỗ Trần Thành, Phó trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết thời điểm đầu năm học mới luôn xảy ra nhiều vấn đề với tân SV. Đặc biệt là vấn đề đi lại, thuê nhà trọ. Theo ông Thành, những mánh khóe thường thấy nhất là lừa tiền cọc giữ chỗ, ký hợp đồng thuê nhưng không đưa đúng phòng trọ như quảng cáo. Có trường hợp thuê lại phòng trọ rồi đăng tin thu hút nhiều SV đến thuê, khi SV đặt cọc xong những đối tượng này sẽ biến mất.
Theo ông Thành, SV muốn tìm chỗ trọ an toàn nên tìm đến các trung tâm của trường ĐH để được tư vấn hoặc những nơi được người quen, bạn bè thân thiết giới thiệu. Tránh việc tự ý tìm và đặt cọc tiền trọ mà không rõ người cho thuê.
Ngoài chuyện bị lừa đảo, tân SV cũng dễ trở thành nạn nhân của việc trộm cắp tài sản. Thời điểm đầu năm 2022, tình trạng trộm xe máy nở rộ ở làng ĐH Thủ Đức. Gần đây nhất là trường hợp của N.H.T.M (SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM). M. vừa bị mất chiếc xe máy ở làng ĐH hồi cuối tháng 9.
Trong khi đó, tài xế xe buýt Lê Xuân Huy, người từng ngăn chặn nhiều vụ trộm và móc túi trên xe buýt cho rằng các tuyến xe có nhiều SV đi lại thường là miếng mồi ngon cho nhóm người xấu. Do đó, anh Huy khuyên SV khi lên xe cần đi thẳng vào bên trong, chọn chỗ ngồi cố định, không đứng ngay cửa lên xuống vì những người móc túi thường đứng ở khu vực này. Khi lên xuống xe ở những trạm đông khách phải hết sức cảnh giác, nắm giữ kỹ tài sản. SV nên đeo ba lô phía trước ngực, chuẩn bị tiền lẻ mua vé sẵn từ trước, không lấy ví ra cũng như không xài điện thoại để tránh gây chú ý.
Theo Phạm Hữu – Thúy Liễu/TNO
Bình luận (0)