Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Chile: Giúp “các bà mẹ trẻ” tiếp tục đi học

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Chile, không khuyến khích nhưng vẫn tạo điều kiện cho các “bà mẹ trẻ đến trường” (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Tình trạng nữ sinh có con phải bỏ học nửa chừng gây thiệt thòi quá lớn cho các em, điều này cũng tạo nên những bức xúc trong giới sư phạm và dư luận xã hội. Tại sao lại phân biệt đối xử đối với các bà mẹ trẻ và chặn đứng con đường học tập của các bà mẹ trẻ còn tha thiết được đi học, trong đó có thể có nhiều người thông minh, tài ba? Ta hãy xem ngành giáo dục Chile đã giải quyết vấn đề này như thế nào.
Tạo điều kiện cho “các bà mẹ trẻ” tới trường
Năm 2002, Madeleine Huerta đang học năm thứ nhất trường chuyên nghiệp thì sinh bé gái Janis! 7 tuổi đã làm mẹ, rất vất vả, nhưng thiệt thòi hơn cả là cô không được tiếp tục học. Sau khi sinh cô bị bệnh nên phải ở lại bệnh viện hơn một tháng. Khi trở về trường cô muốn xin làm lại những bài kiểm tra bị mất do nghỉ sinh con, nhưng nhà trường không cho. Nhà trường nhìn cô với con mắt kỳ thị và họ bắt cô ở lại lớp. Nhưng cô kiên quyết đấu tranh. Nhờ sự giúp đỡ của một nữ luật sư và được sự đồng tình của dư luận xã hội, cô được lên lớp, sau đó học hết khóa ngành thương mại và quảng cáo.
Huerta đã đem lại một sự thay đổi lớn về quan điểm và chính sách đối với nữ sinh có con nhỏ. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, có ứng cử viên đã đưa tên cô lên để hứa hẹn với cử tri “một chính sách về giáo dục tôn trọng con người, bình đẳng, khuyến khích học tập…”. Chính sách đó đã được chính phủ của Ông Michelle Bachelet thực hiện với 3.500 nhà giữ trẻ trong khắp cả nước.
Từ sau “sự kiện Huerta” ngành giáo dục đã có nhiều thay đổi. Các trường trung học cũng nhận các nữ sinh có thai và hơn nữa còn tổ chức nhà trẻ trong trường. Đến 2008 đã có 60 trường như thế và con số không ngừng tăng lên. Việc giúp đỡ các bà mẹ trẻ đi học là kết quả của sự phối hợp giữa nhà trường, chính quyền (về cơ sở) và hội đồng nhà trẻ quốc gia (giúp trang thiết bị và tiền ăn). Từ gần 5 năm nay các bà mẹ trẻ được chăm sóc tốt hơn để yên tâm học tập.
 Theo chỉ thị của bộ giáo dục, từ năm 2004, nữ sinh có thai không phải mặc đồng phục, có thể vắng một số buổi học để đi khám thai, được hoãn làm một số bài tập và xin thi lại sau khi sinh.
 Trường Trung học Kỹ thuật Fernandez Solar là một trong những trường đi đầu trong chủ trương mở nhà trẻ trong trường. Bà hiệu trưởng nói rằng tất cả được bắt đầu khi các nữ sinh sắp có con cùng cha mẹ đến gặp ông thị trưởng, nhờ ông can thiệp với hội đồng nhà trẻ quốc gia. Và thế là nhà trẻ được thành lập năm 2007, hiện có 22 trẻ, do các cô tốt nghiệp từ chính trường này trông nom.
Cô Dayana Vivanco khi biết mình có thai cũng đã đăng ký trước với trường để có thể gửi con trong thời gian đi học. Năm nay cô 20 tuổi, học ngành bảo mẫu. Cô nói: Không có nhà giữ trẻ, tôi không thể đi học được. Hàng ngày cô gửi con đã được 13 tháng ở nhà trẻ để lên lớp. Hơn nữa nhà trường còn tổ chức những buổi nói chuyện để giúp các bà mẹ nuôi dạy con tốt hơn.
… nhưng không khuyến khích
Rõ ràng quan niệm của xã hội về tình trạng nữ sinh có con có thoáng hơn nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là khuyến khích nữ sinh có con sớm. Nhiều lần nhà trường và các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông cảnh báo nữ sinh: Có con trong thời gian đi học là một trở ngại lớn trên con đường học tập và rất khó vượt qua. Trên thực thế chỉ có 30% nữ sinh từ 15 đến 19 tuổi có thể vừa đi học vừa nuôi con, và chỉ có một nửa trong số đó có thể học cho đến hết khóa.
Giáo dục đạo đức, giáo dục giới tính giúp giới trẻ có nhận thức đúng đắn về tình bạn, tình yêu và trang bị cho họ những biện pháp tự phòng vệ.
 (Theo Courrier International)
PHAN THANH QUANG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)